Tháo gỡ vướng mắc “đại dự án” hồ thuỷ lợi nghìn tỷ ở Nghệ An
- 20:17 19-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vướng mắc trong quá trình triển khai
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư; trong đó, đầu mối chính đặt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Dự án được phê duyệt vào năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 3.744 tỷ đồng, bao gồm cả các hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước. |
Với diện tích lòng hồ rộng 25km2, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1, có các hạng mục chính đặt tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An và một phần thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bao gồm hồ chứa nước có dung tích 225 triệu m3, 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và nhà máy thủy điện với công suất lắp máy 45MW.
Theo quy hoạch, dự án có hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ được thiết kế cấp nước với lưu lượng 8,76m3/s; tổng chiều dài 520km bao gồm kênh chính dài 98km, kênh cấp I dài 148km, kênh cấp II dài 274km… góp phần phục vụ việc tưới tiêu cho gần 8.000ha đất nông nghiệp vùng hạ du.
Bên cạnh đó, hệ thống các trạm bơm lấy nước từ dòng sông Hiếu cũng được đầu tư xây mới và tưới cho 11.000ha đất nông nghiệp. Riêng về phần đập chính của dự án được thiết kế dài 221m, cao hơn 45m và là loại đập bê tông trọng lực; tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 75m.
Đến thời điểm hiện tại, hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1, đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng công trình, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, tích nước, phát huy hiệu quả của dự án. Do chưa tích nước nên các khoang tràn vẫn còn đang để trống. Dự kiến, khi hoàn thành thì những cửa tràn này sẽ được lắp cửa van cung bằng thép bịt kín nhằm dâng nước đến cao trình thiết kế.
Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4, Bộ NN&PTNT cho biết, ban đầu công trình được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2016 bị tạm dừng do không cân đối đủ vốn. Sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng.
Như vậy, vốn đầu tư cho dự án này là 5.552 tỷ đồng, không bao gồm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư hợp phần thủy điện. Trong đó, nguồn vốn giai đoạn từ năm 2021 - 2025 được bố trí 2.056 tỷ đồng; hiện đã được bố trí 1.822 tỷ đồng, còn thiếu 234 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp |
Tại Nghệ An, công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ, địa bàn huyện Quỳ Hợp đã hoàn thành đến cao trình +71,86m; huyện Nghĩa Đàn hoàn thành cao trình +71,86m; huyện Quỳ Châu, hoàn thành cao trình +71,86. Hạng mục cầu trên Quốc lộ 48 qua kênh thông hồ hoàn thành 98%.
Các đập phụ 1, 2 và 3, đập phụ số 2 đã hoàn thành, riêng đập phụ số 1 và số 3 còn phần khối lượng hợp long. Tổng mức đầu tư hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng và hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu là hơn 2.900 tỷ đồng. Đến năm 2023 đã được bố trí và giải ngân là hơn 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác điều chỉnh dự án đang còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác tư vấn gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát, điều tra hiện trạng, tính toán thủy lực, thủy văn để lựa chọn phương án công trình phù hợp, đặc biệt là phương án xử lý mái kênh tiêu Châu Bình. Hiện nay, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý dự án cùng nhà thầu tư vấn đang đề xuất các phương án kỹ thuật xử lý.
Ngoài ra, công tác điều chỉnh dự án phải thực hiện nhiều thủ tục nên cần nhiều thời gian để rà soát tổng hợp, ngoài ra, việc điều chỉnh hợp phần qua nhiều bước, nhiều cấp ban, ngành theo đúng quy trình, quy định.
Riêng tại tỉnh Thanh Hoá, trong quá trình triển khai còn một số vướng mắc liên quan đến bố trí quỹ đất, thủ tục pháp lý về thẩm định, phê duyệt dự án hợp phần. Theo đó, tổng nhu cầu đất thủy lợi để thực hợp phần dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 681ha. Đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa mới bố trí được hơn 382ha đất thủy lợi. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, phê duyệt dự án đã chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công việc tiếp theo.
Gỡ khó cho dự án hồ chứa Bản Mồng
Mới đây, vào ngày 12/7, tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành dự án.
Dự án sẽ cấp nước về sông Cả vào mùa hạn với lưu lượng 23m3/s; cắt giảm lũ vào mùa mưa. |
Sau khi nghe báo cáo của 2 tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, dự án hồ chứa nước Bản Mồng là công trình trọng điểm quốc gia. Để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch trước ngày 31/12/2025, các địa phương phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều chỉnh, bảo đảm bố trí đủ chỉ tiêu đất thủy lợi theo tổng nhu cầu thực hiện dự án ngay trong tháng 7/2024.
Đối với dự án hợp phần "Bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân" thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chi tiết hóa khu tái định cư; giao Cục Quản lý xây dựng công trình thẩm định, báo cáo Bộ phê duyệt dự án. Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương giao, có thể điều chỉnh cơ cấu kinh phí đã được bố trí nhưng không thay đổi tổng mức.
Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo và ban hành kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện dự án để bảo đảm tích nước và cam kết hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm 2025. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bố trí nguồn lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án.
Bộ NN&PTNT cam kết cấp đủ kinh phí theo tiến độ và nhu cầu của các địa phương để dự án thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu chuẩn bị hiện trường, phương án chặn dòng, phương án và kế hoạch thi công vượt lũ bảo đảm tiến độ chặn dòng theo kế hoạch.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại huyện Quỳ Châu vẫn chưa hoàn thành. |
Về việc này, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ rà soát toàn bộ các hạng mục của dự án, đặc biệt là phương án xử lý sạt lở kênh tiêu Châu Bình để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh; Chỉ đạo lập lại tiến độ thi công chi tiết của dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Rà soát lại bộ máy của Ban Quản lý dự án; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện từng phần việc.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn