Cái kết đắng của 'thày chùa' tự xưng Thích Tâm Phúc từ sự nổi bần bật trên mạng xã hội
- 14:49 14-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cùng tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “thày chùa” rởm Thích Tâm Phúc còn bị truy tố thêm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong việc chiếm đoạt tiền của bị hại khi được nhờ làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Khi hành vi bị phát hiện, đối tượng Nguyễn Minh Phúc bỏ trốn sang Thái Lan và bị bắt khi trở lại Việt Nam.
Trước đó vào tháng 12/2023, cơ quan công an huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án bắt tạm giam Nguyễn Minh Phúc về các tội danh trên.
Thời gian gần đây, dưới cái danh xưng tự bịa ra là “hòa thượng” Thích Tâm Phúc trụ trì tại cái gọi là “chùa Hoằng Pháp trung ương”, đương sự Nguyễn Minh Phúc bỗng dưng nổi rần rần trên các trang mạng xã hội, trở thành “kép chính” của không ít các clip được lan truyền với số lượng người xem lên đến hàng trăm ngàn lượt trên Youtube và liên tục được chia sẻ.
Đáng chú ý là các clip này không chỉ cổ vũ cho một sư thày rởm 100% mà còn lan truyền những hình ảnh, nội dung thô tục, phỉ báng, thậm chí đả phá người khác bằng những ngôn từ xã hội đầy văng mạng kiểu “tụi bay”, tỏ thái độ vong ơn, xuyên tạc hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Đương sự Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "sư thày" Thích Tâm Phúc |
Đơn cử trong một clip, một nhân vật tự xưng là “chị đại” nói rằng việc Thích Tâm Phúc phải về tu ở chùa nhà tại gia là do “có những âm mưu ám hại các sư và có một số sư đã mất tích” (!)
Ở một số clip khác, “thày” Thích Tâm Phúc lý giải “chùa” của thày được gọi là “Hoằng Pháp trung ương” vì theo lời “thày”, Giáo hội Phật giáo ở “bển” lập cơ sở tại đây là đầu tiên, là cao nhất nên mới có danh hiệu “trung ương” và sẽ cho nhập cả “tôn giáo nước ngoài” này về Việt Nam, lập tiếp các chi nhánh “Hoằng Pháp” tại Việt Nam.
Lại có clip mà ở đó Nguyễn Minh Phúc tự nhận là hòa thượng, là đại đức, không những thế lại cho biết “thày” còn được Giáo hội nước ngoài tấn phong trước tuổi, là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký giáo hội trung ương.
Cũng gây bức xúc không kém là clip “thày” bình phẩm hết sức thô tục về “6 cái lỗ thúi” trên cơ thể con người mà thiết tưởng không cần dẫn gì thêm ra ở đây, hay cả clip thày than rằng không đủ tiền để “chạy” giấy phép lập chùa (!)
Giấy tờ "rởm" mang tên Thích Tâm Phúc được xác định không có trong lưu trữ hồ sơ gốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Những clip này đã biến “thày” Thích Tâm Phúc thành một con người trong bộ pháp phục nhưng lại hiện diện trong những không gian, những hành vi trần tục hoàn toàn xa lạ với người tu hành. Thậm chí, mạng xã hội còn đưa cả hình ảnh “chùa Hoằng Pháp trung ương” cho phép nhận thịt động vật vì “đạo Phật cho phép tu sĩ ăn thịt động vật” để từ đó tiếp nhận từ thực phẩm thịt phổ thông như: Gà, vịt, heo đến “đẳng cấp” như rắn, cá sấu, hổ, sư tử.
Có thể nói, các clip liên quan đến Thích Tâm Phúc có nội dung thực sự phản cảm, lộ rõ ý đồ biến đối tượng Nguyễn Minh Phúc thành công cụ, thành con rối để kiếm tiền của các youtuber, facebooker bằng việc cổ súy cho những hành vi cố tình vi phạm pháp luật có hệ thống mà cụ thể ở đây là tiến hành sinh hoạt tôn giáo khi chưa được phép dẫn đến việc xâm hại hình ảnh của một tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây, vậy rốt cuộc Nguyễn Minh Phúc là ai?
Sinh ngày 8/3/1983, Nguyễn Minh Phúc trước khi bị khởi tố bắt tạm giam ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2000, Phúc đến chùa Hoằng Pháp tại huyện Củ Chi xin được theo. Tuy nhiên, tại đây Phúc chưa từng được nhà chùa cho xuất gia. Năm 2010, người này bỏ về nhà nơi cư trú để tự trương lên cái biển “chùa Hoằng Pháp trung ương” và tổ chức các sinh hoạt tôn giáo bất chấp việc chưa được các cơ quan chức năng và Giáo hội Phật giáo các cấp địa phương cho phép.
Bản thân nơi được trương cái biển “chùa Hoằng Pháp trung ương” thực chất là ngôi nhà tình nghĩa được địa phương cấp cho người mẹ của Nguyễn Minh Phúc. Theo một số thông tin, lúc đầu Nguyễn Minh Phúc còn trương cái biển là chùa Ngộ Chân Tử, là người đã lập ra chùa Hoằng Pháp ở huyện Củ Chi. Sau đó được khuyên răn không nên có hành động xử thế như vậy, Phúc lại đổi “chùa” nhà thành Ngộ Chân Từ.
Được biết, cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần yêu cầu đương sự Phúc tháo gỡ biển hiệu cũng như không tiến hành tụ tập tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép. Cùng đó, tiến hành xử phạt hành chính ông này về một số hành vi cũng như cam kết yêu cầu không có hành vi chia sẻ các phát ngôn sai sự thật, vi phạm pháp luật trái với thuần phong đạo đức.
Một thành tích “bất hảo” khác của ông Phúc là còn lập ra 6 công ty để tiến hành các hành vi quyên góp mà không ngoài việc trục lợi cá nhân. Hiện các công ty này đã được khóa mã số thuế.
Bài học được rút ra từ cái kết đắng của “thày chùa” Thích Tâm Phúc là con người ta luôn cần phải biết mình là ai, luôn tự giác chấp hành pháp luật và đặc biệt là trong thời đại khi công nghệ lấn sân sang nhiều góc cạnh của cuộc sống, không nên tự biến mình thành công cụ, thành con rối, thành nhân vật của mạng xã hội.
Các cơ quan chức năng cần có động thái quyết liệt yêu cầu các ứng dụng mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung liên quan đến Thích Tâm Phúc để an yên phật tử, an yên giáo giới.
Tác giả: Quang Lộc
Nguồn tin: congthuong.vn