Thương mại điện tử có 'làm khó' ngành sách?
- 09:57 13-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mua sách qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một kênh phân phối quan trọng đối với nhiều ngành hàng, bao gồm ngành xuất bản. Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, đại diện các đơn vị Alpha Books, First News, và Bách Việt nhận định rằng các nền tảng này mang lại nhiều thuận lợi song cũng tạo ra những khó khăn, thách thức nhất định cho công ty sách.
Kênh tiếp thị khách hàng mang lại doanh số lớn
Một thực tế có thể nhận thấy là người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm online, sách là mặt hàng không ngoại lệ, nhờ vào sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Alpha Books, First News và Bách Việt đều ghi nhận đóng góp đáng kể của kênh bán hàng thương mại điện tử vào doanh số.
Đơn vị phát hành sách thường đầu tư gian bán trên sàn thương mại điện tử phổ biến hiện nay: Tiki. Shopee, Lazada, Tiktok shop. |
Ông Chu Đức Tấn - Giám đốc Thương mại điện tử của Alpha Books - cho biết các nền tảng này đóng góp 40-45% doanh số bán sách. Giám đốc điều hành First News Vũ Phương cũng nhận định rằng đây là kênh bán hàng chủ yếu của đơn vị ở thời điểm hiện tại. Mặc dù mới bắt đầu đầu tư vào thương mại điện tử, Bách Việt cũng nhận thấy nền tảng này đóng góp khoảng 20% doanh số.
Đại diện ba đơn vị phát hành trên nhận xét rằng sàn thương mại điện tử là kênh tiếp cận khách hàng nhanh chóng, giúp tiếp cận tệp khách hàng lẻ đa dạng và đông đảo vì lượng người dùng truy cập rất lớn. Độ tuổi khách hàng sử dụng sàn thương mại điện tử phù hợp với nhiều dòng sách, đặc biệt phù hợp tiếp cận những người trẻ tuổi có thói quen mua sắm online.
Một điểm nổi bật là các nền tảng này thường xuyên cập nhật các công nghệ và xu hướng mới về tiếp thị và bán hàng, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà bán thông qua quảng cáo, livestream, affiliate (link liên kết).
Sàn cũng thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông, các chương trình kích cầu mua sắm hàng tháng hoặc vào các dịp ngày lễ, tết. Công ty sách khi kinh doanh tự vận hành trên các nền tảng này có thể tham gia vào các chiến dịch của sàn (với mức phí nhất định) để tận dụng được lợi thế từ các chiến dịch này.
Kênh bán tự vận hành trên sàn thương mại điện tử còn mang đến cho nhà phát hành sách lợi thế trong việc xây dựng niềm tin với khách hàng. Bản thân đơn vị sẽ hiểu rõ nhất về sản phẩm mình bán, đồng thời cũng chủ động nguồn hàng, giá cả, và chiết khấu. Khách hàng cũng tin tưởng hơn khi mua sách từ chính nhà phát hành mà không lo ngại sách giả, sách lậu.
Cạnh tranh cao, chi phí vận hành lớn
Một quan ngại của nhiều công ty sách khi tham gia vào sàn thương mại điện tử là chi phí vận hành cao và các thủ tục khiếu nại sách giả, sách lậu còn nhiêu khê, chưa tối ưu.
Theo chia sẻ từ ba đơn vị kể trên, các sàn thương mại điện tử yêu cầu mức chiết khấu khác nhau dành cho khách lẻ, phổ biến từ 10-30% và có thể lên đến 50% vào các dịp sự kiện.
Với các kênh bán hàng tự vận hành của đơn vị sách trên các sàn thương mại điện tử, chi phí vận hành dao động từ 15-20% doanh thu. Riêng với Shopee, gần đây mức phí này tăng lên đến 17%, bao gồm các phí cố định, phí thanh toán, và phí FreeShip (miễn phí vận chuyển cho khách hàng).
Mức phí cũng tuỳ vào cách mỗi shop vận hành, chạy marketing và các chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển, livestream, khuyến mãi theo giờ trong ngày. Đơn vị phát hành sách cũng phải giành lượng truy cập từ các shop khác cũng đăng bán sản phẩm tương tự, có thể phải chi phí affiliate, marketing nội sàn, marketing ngoại sàn..., ông Vũ Phương cho biết.
Đại diện các đơn vị chia sẻ trăn trở rằng chi phí vận hành trên các sàn thương mại điện tử ngày càng cao, đặc biệt đối với ngành sách, nơi mà doanh thu và lợi nhuận thường không bằng các ngành hàng khác. Các đơn vị xuất bản gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt về giá, không chỉ từ các đơn vị sách lậu mà còn từ chính các công ty sách khác.
Sách giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử gây khó khăn trong việc kiểm soát và truy vết. Theo ông Chu Tấn, trên Lazada lượng sách lậu chiếm đến 70-80% và sàn này không có cơ chế đủ tốt, cũng không chủ động phối hợp với các đơn vị phát hành trong việc ngăn chặn sách lậu. Shopee và Tiktok shop cũng rất nhiều cửa hàng sách lậu với nhiều chiêu trò lách luật.
"Bản thân Alpha books rất mất thời gian trong việc xử lý, tố giác các đối tượng sách lậu này nhưng kết quả thì vẫn không đáng kể khi số lượng cửa hàng sách lậu vẫn còn quá nhiều và liên tục được mở mới", ông Tấn nói.
Nhận định chung của đại diện các đơn vị là quy trình kiểm duyệt và xử lý sách lậu của các sàn thương mại điện tử chưa đủ chặt chẽ và mạnh tay, dẫn tới việc các cửa hàng sách lậu hoành hành.
Chính sách mới của một số sàn như Shopee cho phép người mua hủy hoặc hoàn đơn hàng dễ dàng (và miễn phí) cũng đem lại nhiều khó khăn cho người bán. Nhà phát hành vừa phải cân bằng lợi ích giữa công ty và các đại lý, vừa phải chịu nhiều rủi ro trong bán hàng, từ đây tạo thêm gánh nặng cho công tác quản lý và định giá sản phẩm.
Các đơn vị phát hành sách đều kỳ vọng rằng các sàn thương mại sẽ có nhiều chính sách hợp lý hơn để hỗ trợ người bán: duyệt sản phẩm nhanh chóng hơn để người bán có thể sớm giới thiệu sách đến khách hàng; kiểm duyệt gian hàng kỹ hơn để khai trừ sách lậu, sách giả; thiết lập quy trình để nhà phát hành dễ dàng, nhanh chóng báo cáo sách lậu, sách giả; cân bằng lợi ích giữa người bán và người mua.
Tác giả: Phong Khang
Nguồn tin: znews.vn