Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư
- 17:39 11-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/7 (Ảnh: Thương Huyền) |
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đăng đàn trả lời (Ảnh: Thương Huyền) |
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng: Trong giai đoạn 2023 -2025, Nghệ An từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 01 thành phố thuộc tỉnh và 02 thị xã), giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Cửa Lò). Đối với cấp xã, sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính thành lập 44 đơn vị hành chính (trong đó 43 đơn vị thành lập mới có 01 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số); sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính, từ 460 đơn vị hành chính cấp xã (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn) xuống còn 412 đơn vị hành chính cấp xã (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn).
Theo tính toán của ngành Nội vụ, sau khi thực hiện sắp xếp, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã toàn tỉnh dự kiến tiếp tục bố trí 913 người (cán bộ là 514 người, công chức là 399 người). Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến bố trí 541 người. Sau khi bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định còn dôi dư 799 người (cán bộ 374 người, công chức 425 người).
Xây dựng nhiều giải pháp để sắp xếp cán bộ dôi dư
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đức Hồng (đơn vị huyện Yên Thành), đề nghị từ những kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính trước đây cho biết việc tham mưu trong sắp xếp, bố trí, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhiệm vụ và công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, đây là lần thứ 2 thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Trong lần sáp nhập thứ 1, toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 39 đơn vị hành chính, qua đó giảm 20 đơn vị hành chính, dôi dư 405 cán bộ, công chức. Đồng thời thực hiện thêm 2 chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là đưa Công an chính quy về xã và thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ giảm mỗi xã 2 công chức, toàn tỉnh đã giảm đến gần 1.700 cán bộ, công chức. Hiện đang còn 28 trường hợp ở huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên chưa thực hiện xong việc sắp xếp, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện xong đối với những trường hợp này.
Sở Nội vụ với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị. Ngành đã tổ chức tập huấn để triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh và thường xuyên tranh thủ xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng phương án sắp xếp cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách vào Đề án, xin ý kiến rộng rãi với các đơn vị liên quan. Ngày 9/7/2024, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội đồng liên bộ để thẩm định Đề án sáp nhập đơn vị hành chính của tỉnh. Tư lệnh ngành Nội vụ thừa nhận, trong Đề án không thể cầu toàn và cặn kẽ được, việc sắp xếp bộ máy được tính toán dự trên căn cứ khoa học. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu chi tiết quy trình, thủ tục tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch đào tạo. Rút kinh nghiệm từ lần sáp nhập trước, trong 2 năm gần đây nhất, tỉnh ta chưa tổ chức tuyển dụng cán bộ cấp xã để thực hiện việc bố trí cán bộ, công chức cán bộ cấp xã dôi dư.
Về việc phối hợp giữa các ngành liên quan, tư lệnh ngành Nội vụ nhấn mạnh, trước, trong và sau sắp xếp, việc phối hợp là rất quan trọng; công tác phối hợp hiện nay được thực hiện khá nhịp nhàng.
Băn khoăn về việc giải quyết số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập các phường, xã đối với Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Đoàn Thanh niên, đại biểu Trần Thị Khánh Linh – TP Vinh đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ thêm nội dung này? Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính thì thực hiện theo các phương án như: Bố trí sang làm nhiệm vụ của công chức; chuyển đến làm các vị trí lãnh đạo khác; vận động để cán bộ nghỉ trước tuổi; sát hạch để chuyển từ cán bộ công chức xã lên cán bộ cấp huyện, cấp sở.
Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh – đơn vị huyện Đô Lương nêu ý kiến (Ảnh Thương Huyền) |
Cho rằng có rất nhiều giải pháp để giải quyết cán bộ dôi dư trong đó có phương án giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi, đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh – đơn vị huyện Đô Lương băn khoăn vậy cần thực hiện giải pháp gì để bảo đảm tính khả thi của các phương án, tránh tình trạng đưa vào phương án nhưng trong một vài năm tới chế độ chính sách tăng thì lại không chịu nghỉ?
Về nội dung này, Giáo đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng chia sẻ, chúng ta đang xử lý về vấn đề con người, đây là vấn đề hết sức phức tạp. Hiện đang xây dựng cơ chế chính sách, minh bạch trong sắp xếp đội ngũ cán bộ, minh bạch trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, luân chuyển, điều động cán bộ… Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiểu được chủ trương lớn này để đồng thuận với chủ trương. Đồng thời xây dựng và thực hiện tốt chế độ chính sách của Trung ương và tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã nghiên cứu cụ thể trên cơ sở số lượng, chất lượng, trình độ đào tạo, sự thừa thiếu trong nội bộ của huyện, độ tuổi để xây dựng kế hoạch này.
Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Hương (đơn vị huyện Hưng Nguyên) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, khối, bản đã và đang làm phát sinh những thay đổi về các loại giấy tờ của các tổ chức, cá nhân; việc giải quyết vấn đề này trong thực tế còn rườm rà, phức tạp và giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, khi sắp xếp đơn vị hành chính thì một trong những khó khăn cử tri băn khoăn đó là việc chuyển đổi các loại giấy tờ. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nếu chưa hết hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng. UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện nội dung này. Khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ thì không thu phí, lệ phí. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Sở Nội vụ sẽ tham mưu tỉnh triển khai Nghị quyết, tham mưu việc phân công nhiệm vụ để các cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tránh sự phiền hà, rề rà và kéo dài, đây là một trong các nội dung thực hiện cải cách hành chính.
Tại nghị trường, đại biểu Lữ Thị Khuyên – đơn vị huyện Con Cuông, băn khoăn về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở xã có chính sách đặc thù nhưng khi sáp nhập vào các xã không có chính sách đặc thù sẽ như thế nào? Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, nội dung này được quy định rõ trong Nghị quyết số 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trung ương cũng rút kinh nghiệm giai đoạn trước, các Bộ, ngành đã triển khai các loạt văn bản giấy tờ để định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp...
Chia sẻ vất vả với cán bộ công chức cấp xã
Đại biểu Moong Văn Tình – đơn vị huyện Quế Phong phát biểu (Ảnh Thương Huyền) |
Đại biểu Moong Văn Tình – đơn vị huyện Quế Phong băn khoăn, hiện cấp xã có tình trạng một công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Cụ thể như công chức văn hoá cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực như văn hoá, thể dục thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, Y tế… Làm thế nào để mọi hoạt động được vận hành thông suốt, hiệu quả, chất lượng công việc đảm bảo và giải pháp cho tình trạng trên?
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, số lượng và nhiệm vụ của công chức cấp xã được quy định tại Nghị định 33 của Chính phủ. Hiện tỉnh ta đang thực hiện phân cấp quản lý cán bộ cấp xã cho UBND cấp huyện. Người đứng đầu ngành Nội vụ chia sẻ với những khó khăn với cán bộ cấp xã. Công chức cấp xã rất nhiều việc, xử lý những việc liên quan trực tiếp đến người dân. Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các huyện căn cứ vào mức độ công việc của từng xã, từng ngành, từng lĩnh vực trong điều kiện cụ thể để bố trí cán bộ công chức cấp xã cho phù hợp. Tiếp tục động viên, khuyến khích bằng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ cấp xã. Với chức năng của mình, ngành sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương để bố trí thêm nguồn lực, ngân sách để nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ.
Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng và lãnh đạo các Sở, ngành đã làm rõ các nội dung: Việc bố trí nhân lực làm việc tại các đơn vị sự nghiệp huyện để đảm bảo theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện việc xét thăng hạng đối với các phóng viên làm việc tại các Trung tâm Văn hóa TT&TT các huyện; chế độ chính sách đối cán bộ chuyên trách dôi dư sau sáp nhập; xử lý nợ công đối với các đơn vị sau sáp nhập địa giới hành chính; sử dụng tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính…
Tham mưu xây dựng chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư với tinh thần minh bạch, rõ ràng, công khai, đảm bảo đúng quy định
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận (Ảnh Thương Huyền) |
Phát biểu kết luận chất vấn và trả lời chất vấn nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, đã có 20 lượt đại biểu nêu câu hỏi và tranh luận nội dung này; không khí chất vấn sôi nổi, trách nhiệm. Giám đốc Sở Nội vụ đã nắm chắc vấn đề, nội dung lĩnh vực mình phụ trách; trả lời khá đầy đủ, chi tiết và đã nêu ra được một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh ta, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh đã có chủ trương tạm dừng việc tuyển dụng công chức cấp xã, cấp huyện để chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau sắp xếp địa giới hành chính. Chủ trương này làm cho một số địa bàn khó khăn nhưng về chiến lược, ý nghĩa của nó lại đảm bảo giải quyết được vấn đề cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Bên cạnh đó, tỉnh đã sớm xây dựng các bước đúng theo quy trình, theo hướng dẫn, theo đúng pháp luật, theo hướng dẫn của Bộ Chính trị và đã được Bộ Nội vụ thống nhất, chuẩn bị trình Chính phủ. Đây là một nội dung khó, phức tạp trong quá trình thực hiện; tác động đến tư tưởng, suy nghĩ, quyền lợi của người dân, cán bộ, đảng viên. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tư duy theo hướng mở rộng không gian phát triển, tạo liên phát, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Thông qua đây tinh gọn về bộ máy tổ chức, tinh giản về biên chế…
Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phương pháp tuyên truyền để nhân dân, đội ngũ cán bộ hiểu, thống nhất và ủng hộ. Đeo bám để sớm trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành nghị quyết, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.
Căn cứ vào Đề án đã trình, cơ quan tham mưu sớm dự thảo, trình UBND tỉnh để xem xét, trình HĐND tỉnh các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư với tinh thần minh bạch, rõ ràng, công khai, đảm bảo đúng quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án, trong đó phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, người đứng đầu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn