Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ đại biểu Nghệ An mang kẹo mua trước cổng trường vào HĐND để chất vấn

Đại biểu TP Vinh (Nghệ An) chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương về quản lý người bán hàng rong và nguồn gốc bánh kẹo bán trước cổng trường học.

 Đại biểu Trần Thị Khánh Linh mang kẹo mua trước cổng trường vào nghị trường HĐND tỉnh Nghệ An.

Ngày 11/7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước vào ngày họp thứ 2, Kỳ họp thứ 21.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Trần Thị Khánh Linh (đơn vị bầu cử TP Vinh) đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Công Thương về việc quản lý người bán hàng rong trước cổng trường học và bệnh viện.

Vấn đề này không chỉ gây trở ngại cho việc lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm do nguồn gốc không rõ ràng.

Ngay tại hội trường, đại biểu Khánh Linh mang ra 5 sản phẩm bánh kẹo do chính bà mua trước cổng trường học với giá chỉ 16.000 đồng.

“Ngày nào học sinh đi học thì cũng ăn những thực phẩm này. Rất đáng quan tâm và lo ngại”, nữ đại biểu nói, đồng thời cho biết những sản phẩm này không rõ nguồn gốc và rất dễ mua.

Đại biểu Khánh Linh đề nghị Giám đốc Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường cho biết giải pháp để quản lý chặt chẽ giữa đội ngũ bán hàng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ cho người dân và đặc biệt là học sinh.

 Toàn cảnh ngày họp thứ 2, Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, vấn đề bán hàng rong trước cổng trường liên quan đến quản lý đô thị. Trong khi cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an khó tăng cường để đứng giám sát.

Chính vì thế, theo ông Hóa nên chuyển trách nhiệm này cho các địa phương, không để tình trạng bán rong trước cổng bệnh viện, cổng trường.

“Sở Công Thương không thể kiểm soát việc này và Quản lý thị trường càng không thể kiểm soát việc này”, lãnh đạo ngành Công Thương tỉnh Nghệ An nói.

Ông Hóa đề nghị, các địa phương tăng cường quản lý, người bán hàng phải đăng ký, có chỗ bán hàng, tuân thủ các quy định về hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo các trường học, tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

“Không có người mua thì chắc không có người bán, cần tuyên truyền là làm được”, ông Hóa nói.

 Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An - Phạm Văn Hoá trả lời chất vấn.

Sau khi nghe câu trả lời của lãnh đạo Sở Công Thương, đại biểu Trần Thị Khánh Linh tranh luận, trước cổng trường học ngoài những người bán hàng rong còn có các cửa hàng bán cố định. Nhiều sản phẩm trên bao bì ghi toàn chữ nước ngoài và không ghi rõ có nguồn gốc xuất xứ.

Chính vì thế, nữ đại biểu chất vất ngành Công Thương xử phạt được vụ nào chưa? Nếu xử phạt rồi, vậy tại sao những hàng hóa này lại vẫn dễ mua và bán tràn lan như vậy?

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Văn Hóa cho rằng, lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng, tuy nhiên ở mức độ nào đó tình trạng như đại biểu Khánh Linh phản ánh vẫn còn đang tồn tại.

Ông Hóa cho rằng, thị trường là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu. Đóng vai trò rất quan trọng là người tiêu dùng, chứ không hoàn toàn chỉ dựa vào lực lượng chức năng.

“Lâu nay báo chí tuyên truyền nhiều, các trường học cũng có nhận thông tin về việc này. Tôi nghĩ giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất không phải là sự kiểm tra của lực lượng chức năng mà nâng cao nhận thức của người tiêu dùng”, ông Hóa nói.

Giám đốc Sở Công Thương cho hay, sẽ tiếp thu những phản ánh của cử tri, cùng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra.

Kết thúc phần tranh luận, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đồng tình việc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ bán, dễ mua, có giá rẻ. Chẳng hạn như bánh kẹo trước cổng trường cũng chỉ từ 5.000-10.000 đồng/cái.

Trong khi đó, chế tài xử lý việc này như "bắt cóc bỏ đĩa", chủ yếu là thu hồi và xử phạt hành chính. Do đó, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để hạn chế việc này.

Trong giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An thành lập 3.287 đoàn thanh tra, kiểm tra 40.573 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Qua thanh, kiểm tra phát hiện 1.590 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 3,6 tỷ đồng.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn