Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được nêu tại phiên thảo luận tại hội trường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều nay (10/7), HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng điều hành phiên thảo luận.

 Quang cảnh phiên làm việc chiều 10/7

Tiếp nối phiên thảo luận tổ sáng nay, chiều nay tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu tiếp tục tập trung cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, công tác CCHC, việc xử lý các trụ sở cơ quan hành chính cấp xã sau sáp nhập; tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công và việc thực hiện giải ngân Chương trình MTQG, tình hình nợ đọng thuế… được lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trả lời.

 Đại biểu Trần Thị Khánh Linh – đơn vị thành phố Vinh phát biểu

Bên cạnh đó, lãnh đạo các Sở, ngành cũng đã làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến phương án phòng chống thiên tai; thực hiện hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới; thực hiện các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng; xây dựng nhà máy nước sạch; vấn đề môi trường; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tuyển dụng nhân lực y tế; giải quyết nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang cho biết dù gặp nhiều khó khăn, song UBND tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 là 8,5-9,5%. Đồng thời tập trung chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ hơn 95%.

 Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh trả lời các ý kiến

Trả lời nội dung về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết, hiện nay thiên tai chuyển từ trạng thái El Nino sang La Nina, sau nắng nóng sẽ gắn với lũ lụt. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 21/23 loại hình thiên tai; rất nhiều sông suối và độ dốc địa hình miền núi rất lớn. Trong thực tế, thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh là hạn hán hoặc lũ lụt, bão gió, ảnh hưởng từ miền núi đến vùng biển. Hằng năm, Sở NN&PTNT trước mùa mưa lũ hoặc nắng nóng đều có kiểm tra để hướng dẫn các chủ hồ đập, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai. Ngành đã xây dựng các đề án sản xuất nông nghiệp, trong đó có dự báo tình hình thời tiết, thiên tai để xây dựng các phương án sản xuất phù hợp.

Hàng năm, các chủ quản lý hồ đập cũng như UBND các huyện, các xã đều xây dựng các phương án phòng chống thiên tai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thực hiện phương án “4 tại chỗ”. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã chủ động rà soát các công trình hồ đập, trình HĐND tỉnh, Trung ương xin chủ trương sửa chữa một số công trình ách yếu để đảm bảo phòng chống thiên tai hiệu quả nhất.

Về thực hiện cấp xi măng hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hàng năm Sở NN&PTNT đã tổng hợp nhu cầu xi măng xây dựng NTM của các địa phương trình UBND tỉnh thông qua Sở Tài chính làm đầu mối. Trong 2 năm gần đây, qua thực tế cho thấy việc cấp xi măng sớm hơn những năm trước.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận phiên thảo luận tại hội trường

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cảm ơn các vị đại biểu đã chủ động tham gia và có những ý kiến sâu sát, phù hợp với thực tiễn; phản ánh đúng ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân toàn tỉnh đến với kỳ họp.

Đa số các đại biểu đều đồng ý với các báo cáo, dự thảo Nghị quyết Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình kỳ họp. Trong đó, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.

Về hoạt động của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các đại biểu thảo luận đều thống nhất đánh giá cao kết quả, sự đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh. Ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm cụ thể, kịp thời của UBND tỉnh. Đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, quan tâm giám sát việc chỉ đạo, điều hành trong thực tế ở cơ sở, phân cấp ủy quyền nhiều hơn, quan tâm giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được ban hành; đôn đốc các cấp, các ngành tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các cấp và UBND các cấp. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp, các đại biểu thống nhất với 26 dự thảo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình kỳ họp. Riêng đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các đại biểu đề nghị cân nhắc, căn cứ quy định mức tối đa của Bộ Tài chính để quy định các mức hỗ trợ bằng nhau ở các cấp tỉnh, huyện, xã.

Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết, cơ quan thẩm tra thống nhất, nghiên cứu ý kiến của đại biểu chỉnh sửa hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, thời gian hoàn thiện trong sáng ngày mai để phục vụ cho việc biểu quyết và thông qua tại phiên họp ngày mai.

Trong phiên họp ngày 10/7 có 28 lượt ý kiến của cử tri phản ánh, kiến nghị qua đường dây điện thoại trực tuyến với 21 vấn đề, thuộc 05 lĩnh vực, cụ thể: Lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, bồi thường, giải phóng mặt bằng có 11 ý kiến; lĩnh vực quản lý xây dựng, Giao thông, đô thị có 03 ý kiến; lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 1 ý kiến; lĩnh vực nội vụ, chế độ, chính sách có 05 ý kiến; lĩnh vực Tư pháp có 01 ý kiến. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri qua đường dây điện thoại trực tuyến và đơn thư qua bộ phân tiếp dân kỳ họp thứ 21 sẽ được xem xét, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn