Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có 44 lượt ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, tại phiên thảo luận tổ diễn ra vào sáng nay (10/7) đã có 44 lượt ý kiến phát biểu. Các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu khách mời đã tập trung thảo luận về những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm; đồng thời thông tin, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cử tri quan tâm.

 Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bùi Duy Sơn thay mặt Tổ Thư ký tổng hợp ý kiến thảo luận tổ vào sáng 10/7

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với kết quả và một số tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đại biểu đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức…

Bên cạnh đó, đại biểu đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; đồng thời đề nghị có giải pháp để khắc phục hiệu quả đối với một số tồn tại, hạn chế đã được đánh giá qua nhiều kỳ họp. Đó là, tốc độ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm, GRDP bình quân đầu người/năm dự kiến không đạt mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa chặt chẽ. Một số cơ chế, chính sách hiện nay còn manh mún, không phát huy hiệu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát, điều chỉnh để tập trung nguồn lực vào đầu tư các lĩnh vực ưu tiên; coi trọng việc xác định mục tiêu để phân bổ nguồn lực hợp lý.

Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại biểu cho rằng tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, hiệu quả, trong khi nguồn lực đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân còn rất thấp. Vì vậy, đề nghị cần tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả; khai thác, phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng gắn với bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo; xem xét chuyển hướng đầu tư, tăng tỉ lệ đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân để phát triển bền vững; quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ, động viên xây dựng các hợp tác xã vững mạnh, phục vụ phát triển nông nghiêp tốt hơn.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ, bố trí hỗ trợ xi măng kịp thời để các địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đặc biệt trước mùa mưa bão. Các địa phương đã tổng hợp, có tờ trình đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả Lợn Châu Phi, tuy nhiên đến nay chưa được hỗ trợ, đề nghị hỗ trợ kịp thời để người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.

Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan sớm xây dựng ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ đồng bào vùng miền núi được trực tiếp thụ hưởng từ nguồn thu thuế từ thủy điện, nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, từ nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, từ nguồn thu bán tín chỉ Carbon…

Hiện nay, tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, cử tri phản ánh thiếu nguồn nước sinh hoạt và vấn đề xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu về việc phân cấp cho huyện xây dựng các nhà máy xử lý rác thải như hiện nay đã phù hợp hay chưa; đồng thời, sớm cho chủ trương cho các địa bàn thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch và nhà máy xử lý rác thải trong thời gian tới.

Về Thương mại - Dịch vụ, để tiếp tục phát triển du lịch Cửa Lò nói riêng và du lịch tỉnh Nghệ An nói chung thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp sau: Phát triển hạ tầng du lịch nhất là đường giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí; tập trung rà soát các dự án không triển khai, triển khai không hiệu quả để tập trung các dự án đầu tư phát triển du lịch; tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch…

Lĩnh vực dịch vụ tăng thấp cho thấy sức mua thấp; hình thức kinh doanh thay đổi; dịch vụ kinh doanh trên các tuyến phố lớn không sôi động như trước, hộ kinh doanh trả mặt bằng nhiều để chuyển sang kinh doanh online, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm các giải pháp để phục hồi lĩnh vực này.

Về đầu tư phát triển, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai hệ thống hạ tầng giao thông và kênh mương dọc tuyến đường N5 và dự án WHA, mở rộng đường mương tiêu thoát nước khu vực đất xen kẽ ở xã Nghi Hương, Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh quan tâm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của dự án Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cho bà con ngư dân để di dời tàu cá ra khỏi khu vực Cảng Cửa Lò; dự án Khu liên hợp khách sạn du lịch và biệt thự, chung cư cao cấp tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò…

Hiện nay tỷ lệ giải ngân các Chương trình MTQG đạt thấp, cơ bản đang thực hiện nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024. Nguồn vốn năm 2024 gần như chưa được triển khai thực hiện, nguyên nhân chính do vướng thủ tục thay đổi so với các năm trước, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đôn đốc, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện…

Về tài nguyên - môi trường, đại biểu huyện Nghi Lộc phản ánh đối với Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc hiện nay đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan có giải pháp hiệu quả trước mắt và lâu dài để đảm bảo môi trường tại xã Nghi Yên và của cả huyện Nghi Lộc. Đại biểu huyện Đô Lương đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành quan tâm sớm triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương.

Đại biểu đề nghị cần quan tâm cho người dân đã hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới khi có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ chi phí đo đạc lại diện tích khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các huyện thực hiện. Trên địa bàn có nhiều mỏ khai thác cát, sỏi, đã chấp hành đầy đủ các quy định, tuy nhiên vẫn còn có một số hoạt động chưa đúng quy định làm ảnh hưởng đến môi trường, và đời sống

của người dân, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý.

Về Giáo dục - Đào tạo, đại biểu băn khoăn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhất là tại các điểm trường ở miền núi chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu trường công lập, nhất là thiếu trường THPT ở thành phố Vinh tạo áp lực lớn cho phụ huynh và học sinh. Vì vậy, đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn vướng mắc về nguồn lực, cơ sở vật chất, đề nghị làm rõ kết quả thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia đến thời điểm hiện tại nhất là số trường chưa đạt, số trường đạt được hàng năm, dự kiến kết quả thực hiện theo chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đề ra. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc đảm bảo nguồn lực xây dựng cơ sở đảm bảo theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Về Y tế, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có liên quan sớm ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, điều dưỡng,… để đảm bảo nguồn lực y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Tại các huyện miền núi, tình trạng nhiễm bệnh HIV/AIDS có xu hướng tăng; đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội và kể cả công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu…

Lĩnh vực Nội vụ, cải cách hành chính: Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Đề nghị cần có giải pháp căn cơ để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong việc trả lương cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập…

Đề nghị UBND tỉnh, các ban ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn, hoặc luân chuyển, bố trí cán bộ tại các địa bàn dôi dư để tạo điều kiện cho địa phương đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ… Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm rà soát các chính sách không hiệu quả, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời để tập trung nguồn lực cho các chính sách hiệu quả hơn…

Về các dự thảo Nghị quyết, về cơ bản, các đại biểu thống nhất về số lượng, nội dung, thể thức các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Đa số các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh, công tác thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh.

Tác giả: NPV (Tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn