Những tác dụng không ngờ của quả và lá ổi với người mắc bệnh tiểu đường
- 09:51 08-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tác dụng của quả ổi
Theo tham vấn của PGS.TS Phạm Văn Hoan - chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare, chỉ số đường huyết (GI) của quả ổi chỉ từ 12 – 24 (rất thấp trong nhóm các loại quả); tải lượng đường huyết (GL) cũng chỉ 1,3 – 5 thấp, rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.
Trong quả ổi còn có nhiều vitamin A, C, các khoáng chất kali, mangan… và lượng chất xơ dồi dào. Những dưỡng chất này giúp nâng cao sức khỏe và tác động tích cực tới quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
Quả ổi có nhiều tác dụng với người mắc bệnh tiểu đường |
Đồng thời, nhờ lượng chất xơ dồi dào (trong 100g ổi có 6g chất xơ) giúp kéo dài cảm giác no nên người bệnh tiểu đường ăn ổi sẽ kiểm soát được cân nặng phù hợp.
Ngoài ra còn có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, do trong quả ổi có hàm lượng lycopene – một chất chống oxy hóa chống lại các tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, lượng chất xơ lớn trong ổi có tác dụng làm giảm mỡ xấu, tăng mỡ tốt, từ đó, hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch để tránh những bệnh lý về tim mạch.
Đặc biệt, chiết xuất từ quả ổi giúp làm giảm triglycerid ở trong máu – một trong những tác nhân gây ra tình trạng kháng insulin. Do đó, việc ăn ổi sẽ giúp người bệnh tiểu đường hạn chế tình trạng kháng insulin và ổn định đường huyết.
Lá ổi giúp kiểm soát bệnh tiểu đường
Không chỉ quả ổi mà lá ổi cũng có tác dụng kiểm soát bệnh tiểu đường. Trong lá ổi chứa nhiều chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng cùng các hợp chất hoạt tính sinh học. Cụ thể, trong một nghiên cứu đã chỉ ra lá ổi chứa 18,53% protein, 103mg vitamin C và 1717mg axit gallic. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong lá ổi bao gồm quercetin, flavonoid, axit gallic, axit caffeic, axit ferulic, catechin, kaempferol, epicatechin và hyperin, cùng với polysaccharid và protein.
Nước chiết xuất từ lá ổi hoặc trà lá ổi chứa nhiều axit ellagic, cyanidin và các polyphenol khác. Khi tiêu thụ, nó có xu hướng làm giảm 37,8% lượng đường trong máu sau ăn hoặc sau bữa ăn, cùng với việc giảm lượng đường huyết lúc đói, có lợi trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, uống trà lá ổi trong 5-7 tuần có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm sự tiến triển của các biến chứng tiểu đường như bệnh thận và béo phì.
Sử dụng lá ổi trong thời gian dài có thể làm tăng sản xuất insulin, sử dụng glucose của các tế bào và các chức năng của gan và thận, các chức năng này có thể bị suy giảm do dư thừa glucose trong cơ thể.
Sử dụng như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Dù có nhiều tác dụng nhưng giới chuyên gia khuyến cáo, không nên ăn ổi lúc đói, vì tính axit của ổi có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày. Ăn và uống nước ép ổi trong bữa ăn sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho cơ thể.
Nên ăn ổi đã gọt vỏ, vì ổi có vỏ được chứng minh không có lợi cho mỡ máu. Bỏ hạt khi ăn, hạt ổi cứng dễ gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn tới đau dạ dày.
Mặc dù ổi có GI thấp nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có nguy cơ vượt mức tổng lượng carbohydrate mỗi ngày cho cơ thể, vì vậy chỉ nên ăn lượng vừa phải. Theo khuyến cáo, mỗi ngày người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng 280g ổi (khoảng 4 quả ổi nhỏ) và nên chia làm 2 bữa. Tránh ăn liền một lúc vì có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Còn với lá ổi, tốt nhất mỗi ngày chỉ nên sắc từ 4 – 8g lá ổi khô, hoặc dùng 15 – 20g lá ổi tươi làm nước uống thay trà.
Ngoài các dưỡng chất tốt của quả ổi với bệnh tiểu đường thì trong ổi còn có một lượng lớn vitamin C và khoáng chất như kali, mangan… giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Qua đó, có tác dụng phòng chống lại các bệnh mãn tính, cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu để nâng cao sức khỏe cho người bệnh. |
Tác giả: Tâm An
Nguồn tin: congthuong.vn