Nếu so sánh độ giàu có và "ăn chơi" mà hai vị đại gia Nguyễn Đức Thanh - Lê Việt Hùng thể hiện ra, tổng cộng số tiền nợ thuế nói trên có thể không bõ bèn gì, tuy nhiên, cái mà công chúng lo ngại là cách họ xử trí khoản nợ, thái độ thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Trước tiên về Công ty Việt Group Central, việc nhiều năm "quên nộp" gần 90 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho quê hương, buộc ngành thuế tỉnh Quảng Bình phải áp dụng biện pháp cứng rắn là tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật doanh nghiệp - ông Hoàng Minh Nghi (SN 1964). Ông Nghi là "chân rết", một "mắt xích" quan trọng trong hệ thống của hai vị đại gia tuổi Quý Sửu, được tín nhiệm giao giữ vai trò điều hành chính tại những đơn vị thành viên cốt lõi.
Quyết định này đã được dự báo sớm. Điều nhiều người bất ngờ là ngay trước thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hoàng Minh Nghi (Quyết định số 2009/TB-CTQBI ngày 4/5/2024), cùng lúc, cục thuế tỉnh ký Quyết định số 2008 với nội dung tương tự, chỉ khác đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh là ông Hoàng Ngọc Lự (SN 1950) - Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Trường Sơn Group.
Kết cục, cả hai "thân tín" của ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lê Việt Hùng đều sẽ không được rời đi khỏi Việt Nam từ ngày 4/5/2024 đến khi doanh nghiệp mà họ đứng tên hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước. Đại diện Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết: "Việc cơ quan thuế đề nghị cấm xuất cảnh không phụ thuộc vào nợ ít hay nhiều của các doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp nợ lớn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, rủi ro thấp có thể không bị đề nghị cấm xuất cảnh. Ngược lại, có những đơn vị nợ ít hơn, nhưng nếu phát hiện thấy có yếu tố rủi ro, cục thuế tỉnh sẽ đề nghị tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật".
Điều đó có nghĩa, cục thuế tỉnh đã nhận diện được rủi ro tồn tại ở những doanh nghiệp này và đưa ra động thái ngăn chặn kịp thời, vô hình tác động rất xấu lên uy tín cá nhân và tập thể lãnh đạo đơn vị, bao gồm cả hai ông chủ đứng sau là ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lê Việt Hùng, những vị đại gia không thể đứng ngoài làn sóng ảnh hưởng này.
Trên thực tế, câu chuyện nợ nần bủa vây cũng không hoàn toàn mới mẻ đối với bộ đôi này. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp của họ luôn bị cục thuế địa phương thúc giục, nhắc nhở thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đơn cử trường hợp của Công ty Du lịch Hà Nội - Quảng Bình, từ tháng 3/2021 tới nay, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ký 18 quyết định về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản do phát sinh số tiền thuế quá hạn.
Tuy nhiên, đáp lại vẫn là sự thờ ơ và ngó lơ của ban lãnh đạo doanh nghiệp, mặc dù tiền thuế cũng không quá lớn so với một chủ đầu tư của dự án khách sạn 5 sao mang thương hiệu Pullman Quảng Bình.
Không chỉ nợ thuế, Trường Sơn Group còn thiếu nợ cả đối tác lớn như hoàn cảnh mà Công ty Cổ phần Sông Đà 505 phải gánh chịu. Hồi năm 2022, đại diện Công ty Sông Đà 505 lên tiếng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu hồi công nợ đối với một số dự án đã hoàn thành do chủ đầu tư thiếu hợp tác, nổi trội nhất là dự án Thủy điện Đại Bình. Chủ đầu tư là Trường Sơn Group đã có phán quyết của Tòa án, buộc phải trả 7,8 tỷ đồng cho Công ty Sông Đà 505 nhưng "gần như không có tài sản để thi hành án", dấy lên lo ngại về nguy cơ không thu được tiền.
Nhằm rộng đường dư luận và cung cấp cho bạn đọc thêm thông tin về bức tranh hoạt động của các đại gia từng "làm mưa làm gió" trên thương trường Quảng Bình, Báo Công Thương đã nhập cuộc tìm hiểu và phát hiện những chi tiết "bất thường".
"Cạn vốn"
Việt Group, niềm hy vọng củng cố sự thành công một thời cho ông Nguyễn Đức Thanh, giai đoạn tháng 7/2015 - tháng 7/2017 được bộ ba Nguyễn Đức Thanh - Lê Việt Hà - Trương Thị Thanh Nga hồ hởi kéo nhau "đổ tiền" vào hòng tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, đã trình diễn màn rút vốn gây sốc cho cộng đồng kinh doanh. Đến cũng vội mà đi cũng gấp, cái kết sau hai năm "hộc tốc" tăng vốn gấp 50 lần, giới chủ quyết định thu hồi "cạn vốn" và chỉ để lại 3 triệu đồng cho doanh nghiệp từ năm 2021.
Doanh thu của Việt Group cũng lao dốc trong quãng thời gian này. Ghi nhận gần 99 tỷ đồng doanh thu vào năm 2017, vậy nhưng, tới năm 2018 Việt Group giảm còn 82 tỷ đồng, rồi gần như "cửa đóng then cài" không còn tiếp tục hoạt động với doanh thu 0 đồng ở các năm kế tiếp. Như vậy, khoản nợ thuế trên 2,3 tỷ đồng (tính đến hết tháng 4/2024) của họ tới đây sẽ khiến các nhà quản lý thuế Quảng Bình phải "đau đầu" tìm cách thu hồi.
Song song với việc "tháo chạy" khỏi Việt Group, tháng 7/2020, doanh nhân Nguyễn Đức Thanh tức tốc giao lại vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho ông Hoàng Minh Nghi - như đã đề cập, là "cánh tay phải" đắc lực khó thể thay thế. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị lúc này là ông Từ Công Hùng (SN 1978), một người sống tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, cách không xa "cứ điểm" 251A Quang Trung.
Việt Group đã vậy, Công ty Việt Group Central - nhà đầu tư dự án Movenpick Central chẳng khá khẩm hơn. Rất "lạ lùng" tại thời điểm làm giấy "khai sinh" ngày 18/9/2020, Việt Group Central đăng ký số vốn sáng lập 116 tỷ đồng, do Việt Group góp 95% tương đương 110,2 tỷ đồng, còn lại thuộc về ông Hoàng Minh Chính và ông Hoàng Minh Nghi.
Đến tháng 6/2021, doanh nghiệp mạnh dạn tăng vốn tiếp lên 219 tỷ đồng và duy trì hiện tại. Song, dữ liệu cơ quan thuế cho thấy, số vốn cổ đông Việt Group Central thực góp vào doanh nghiệp chỉ có 3 triệu đồng!? Và, nhà đầu tư dự án Movenpick Central sau đó vẫn chưa "thoát thai" để triển khai các hoạt động kinh tế khác.
Liệu, có hay không việc giới chủ đang "qua mặt" cơ quan chức năng hoặc họ đã sử dụng bí quyết nào để chính quyền tỉnh Quảng Bình "nhân nhượng" tới từng ấy năm, chờ đợi trong "vô vọng" nhà đầu tư của một dự án mang tính trọng điểm, tô điểm diện mạo địa phương và kích thích sự phát triển kinh tế du lịch?
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin...
Tác giả: Việt Anh