Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thứ xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê, 180.000 đồng/kg

Loài này là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi với vẻ bề ngoài khá giống con lươn.

Mỗi năm, khi nước lũ tràn về, ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam), hay hạ lưu sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lại xuất hiện một loài đặc sản có tên lạ, đó là con lịch.

Con lịch còn có tên gọi khác là lạch đồng, có hình dáng bên ngoài rất giống với con lươn. Thực tế, con lịch và con lươn đều cùng một họ lươn. Đặc điểm bên ngoài của chúng khá giống nhau, như đều thuộc loài lưỡng tính, không có vảy, hô hấp bằng mang và qua lớp biểu bì. Ngoài ra, chúng thường hay sống ở tầng đáy của những vùng ngập nước, rạch,… và đầm lầy.

 

Ban ngày, con lịch và con lươn thường ở trong hang nhưng đến đêm thì chúng có thói quen đi tìm kiếm thức ăn như côn trùng, cá con và tôm tép. Vào mùa mưa, cả con lịch và con lươn bắt đầu sinh sản, chúng đào hang và làm tổ bong bong (nằm trong vùng nước nông) để đẻ trứng. Tuy bề ngoài và một số đặc tính khá giống nhau, nhưng con lịch và con lươn cũng có một số điểm khác biệt.

Theo đó, kích cỡ của một con lươn trưởng thành sẽ dài 40 - 80cm và nặng khoảng 180gr - 800gr. Con lịch có kích thước bé hơn, con lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay út và dài tầm 20 - 30 cm. Lịch có thân tròn, đuôi dẹt và phát triển hơn đuôi lươn, mắt, mũi trong, nhô ra hơn lươn.

Bên cạnh đó con lươn sống ở nước ngọt trong khi con lịch không ở nước ngọt, cũng không ở nước mặn, mà chỉ sống được ở môi trường nước lợ.

 

Theo báo Thanh Niên, lịch có nhiều loại, lịch cát màu da giống hệt như màu cát, lịch màu da đỏ chói như máu tươi được gọi là lịch huyết đỏ, loài này béo nhất, thịt thơm và ngon nhất. Thi thoảng có con nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn một tý thì gọi là "lịch cũ". Vì sống riêng lẻ trong từng hang cát nên phải dùng cào sắt mới có thể tóm được từng con.

Ông Thọ (xã Nghĩa Phú, Tp.Quảng Ngãi) cho biết để bắt được lịch, người ta phải dùng những chiếc cào hình cổ cò cào vào cát tầm 20 cm. Con lịch sẽ bị mắc vào phần khe hẹp của chiếc cào. Khi cào xong phải nhanh tay quay mũi cào hướng lên trên trước khi đưa lên khỏi mặt nước để con lịch không rơi ra ngoài.

"Loài này sống riêng lẻ trong từng hang cát, nên chúng tôi phải dùng cào sắt hoặc chờ khi thủy triều rút, tìm về những hang lịch là các lỗ tròn nhỏ như đầu đũa trên cát và đào xuống khoảng 20cm để bắt được lịch", ông Thọ chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống.

Theo ông Thọ, con lịch có quanh năm nhưng ngon nhất và nhiều nhất vào mùa nước lũ. Khi bất chợt trên nguồn có mưa lớn và nước đổ về, lịch lại trồi ra khỏi hang và nổi lên mặt nước. Gặp những lúc như vậy người dân chỉ cần dùng vợt để xúc, vớt được cả rổ to.

 

Chị Hạnh (ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết thêm: "Trước đây, con lịch ít người biết tới, chỉ người dân địa phương bắt về chế biến món ăn dân dã nhưng vô cùng thơm ngon. Những năm gần đây, lịch trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua về thưởng thức. 1kg lịch được bán tại chợ địa phương hoặc các cửa hàng hải sản với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Lịch ngon nhất là thời điểm đầu mua bởi lúc này con nước đầu tiên mang đầy phù sa đổ về đầu nguồn. Lúc này, những con lịch dài 30-40m vàng ươm béo múp, đến cả xương của nó cũng mềm và ngon".

Từ con lịch có thể chế biến thành nhiều món khoái khẩu và bổ dưỡng như măng xào lịch, lịch xào cà, cháo lịch, lịch nấu canh chua, lịch um nghệ,…

Với món cháo lịch, lịch được làm sạch, hấp cho mềm, rồi khéo léo gỡ lấy phần thịt, bỏ đầu và xương. Ướp thịt lịch với muối, hạt nêm, nước mắm, mì chính, hành, tỏi, nghệ, ớt tươi xắt lát, tiêu bột khoảng mười lăm phút.

Phi thơm dầu phộng rồi cho thịt lịch đã ướp vào đảo đều, để lửa liu riu khoảng mười phút cho ngấm gia vị và vị béo của dầu phộng, tỏa hương thơm quyến rũ thì tắt bếp.

Gạo vo sạch, nấu chín rồi đổ thịt lịch vào, nấu sôi khoảng năm phút nữa cho cháo quyện vị ngọt, thơm của lịch rồi tắt bếp, thêm một ít hành lá cắt nhỏ vào, múc ra tô, ăn nóng.

Tô cháo lịch hấp dẫn người ăn, ngon đúng điệu với một lớp váng dầu có màu vàng của nghệ, vị thơm của hành lá, ấm nóng của tiêu bột, gừng già và vị béo, ngọt của thịt lịch. Những món này phải ăn thật nóng, vừa thổi, vừa húp vã cả mồ hôi ra mới thật thú vị.

Ăn cháo lịch là ăn lúc còn bốc khói thơm lừng, kèm thêm ít loại rau thơm, đặc biệt bỏ tiêu thật cay để vừa ăn vừa hít hà. Người mới ốm dậy ăn tô cháo lịch là dường như đã lấy lại sức được đôi ba phần. Trị bệnh còi cọc, chậm lớn của trẻ con cũng nhờ vào món lịch sông.

Những món ăn từ lịch tuy dân dã, nhưng hương vị không lẫn so với món nào khác được. Món lịch sông tuy dân dã nhưng lại có cái ngon rất lạ. Không cần bột ngọt, nước luộc của nó đã không thua gì "thịt thăn xương ống".

Chỉ cần mươi con lịch là các bà nội trợ đã có tô canh ngon lành cho cả gia đình. Và cũng chỉ từng ấy, các chú, các ông đã có đĩa mồi tinh tươm để giải mỏi sau một ngày đồng áng nhọc nhằn. Lịch cũng bổ dưỡng và làm tính.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn