Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sau khi tìm thấy 2 “kho báu” khổng lồ, doanh nghiệp lớn Top 2 Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Không chỉ tìm thấy 2 “kho báu” với trữ lượng rất lớn cho Việt Nam, tập đoàn này liên tục có doanh thu tăng trưởng cao trong 5 tháng qua.

 

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong tháng 5 vừa qua, giá dầu đảo chiều giảm mạnh khoảng 9% so với trung bình tháng 4. Điều này kéo theo giá các sản phẩm xăng dầu cũng giảm từ 7-11%, biên lợi nhuận lọc dầu suy giảm mạnh, ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Giá dầu giảm cũng khiến huy động khí cho điện suy giảm và không đạt như kỳ vọng. 

Ngoài ra, những rủi ro về tình hình vĩ mô, thị trường như lạm phát duy trì ở mức cao, đồng USD tăng mạnh cũng làm gia tăng gánh nặng về những khoản vay bằng đồng USD… từ đó tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam.

Trong bối cảnh khó khăn này, công tác quản trị và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giám sát cao. Tập đoàn cũng chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, đồng thời nỗ lực cao để giữ ổn định và hiểu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được duy trì an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo cung ứng đầy đủ những sản phẩm thiết yếu và góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết quả, trong tháng 5 vừa qua, những chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng từ 6,1 – 35,5%, chẳng hạn như khai thác dầu thô đạt 0,813 triệu tấn, vượt 14,9% kế hoạch; khai thác khí đạt 608 triệu m3, vượt 35,5% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 163 nghìn tấn, vượt 14,9% kế hoạch…

Đáng chú ý là sản lượng điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm đều vượt cao so với kế hoạch. Cụ thể, ngày 18/5, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã đạt mốc sản lượng lên tới 10 tỷ kWh. Đây là cột mốc sản lượng ấn tượng đối với một nhà máy mới đi vào vận hành thương mại trong gần 2 năm. Ngoài ra, cũng trong tháng 5, sản lượng trung bình của Lô 09-1 Vietsovpetro đã đạt 8.069 tấn/ngày, tăng 146,9 tấn/ngày so với tháng 4. Trong đó có 21 ngày Lô 09-1 Vietsovpetro khai thác đạt mốc trên 8.000 tấn/ngày.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Trong danh sách này, Petrovietnam là doanh nghiệp lớn thứ hai ở Việt Nam.

Tập đoàn có doanh thu gần 400 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng

 Ngày 18/5, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã đạt mốc sản lượng lên tới 10 tỷ kWh. Ảnh: Petrovietnam

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 3,5 – 35,7%, bao gồm: Khai thác dầu thô đạt 4,19 triệu tấn, vượt 19,5% kế hoạch (trong đó bao gồm: Khai thác dầu thô trong nước đạt 3,44 triệu tấn, vượt 20% kế hoạch và khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 0,748 triệu tấn, vượt 17,6% kế hoạch); Khai thác khác khí đạt 2,91 tỷ m3, vượt 35,7% kế hoạch; Sản xuất đạm đạt 797 nghìn tấn, vượt 6,7% kế hoạch, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2023…

Theo Petrovietnam, tổng doanh thu của toàn tập đoàn trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 392,7 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Petrovietnam nộp ngân sách ước đạt 55,4 nghìn tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 22,1 nghìn tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch 5 tháng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố 2 phát hiện dầu khí mới vào ngày 6/5/2024. Ảnh: Petrovietnam

Phân tích những rủi ro có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo rằng tập đoàn phải tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro, đồng thời có những giải pháp và kịch bản để ứng phó được với những biến động vĩ mô, thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động. 

Ngoài ra, tập đoàn cần tiếp tục tập trung cập nhật, thúc đẩy hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động; cập nhật chiến lược và kế hoạch phát triển của những đơn vị trong tập đoàn để phù hợp với cơ chế, chính sách và tình hình mới; tìm giải pháp để nâng cao sản lượng và quyết liệt giữ vững sản lượng khai thác theo chỉ đạo của Chính phủ…

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nêu rõ về nhiệm vụ và mục tiêu của tập đoàn trong tháng 6 và những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, Petrovietnam phải đảm bảo các mục tiêu sản lượng khai thác và các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch; theo sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ tồn kho xăng dầu trong bối cảnh giá dầu có xu hướng giảm. 

Đồng thời, tập đoàn cần phải cân đối nguồn khí khai thác trong nước và nhập khẩu LNG phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường; gia tăng hiệu quả liên kết chuỗi trong toàn Tập đoàn; tối ưu công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy, đảm bảo khai thác sản xuất ổn định trong những tháng cuối năm; tập trung nguồn lực triển khai những dự án trọng điểm…

Trước đó, ngày 6/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã công bố 2 phát hiện dầu khí mới trong năm 2024 tại giếng Bunga Aster và giếng Rồng-79, với ước tính sơ bộ trữ lượng dầu tại chỗ tại 2 giếng đạt hơn 100 triệu thùng.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn