UBND tỉnh họp phiên chuyên đề tháng 6/2024
- 19:22 13-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh chuyên đề tháng 6 |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung điều hành phiên họp |
25/41 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh được hoàn thành
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến dự thảo Báo cáo công tác cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm, công tác CCHC tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Tính đến ngày 30/5/2024, đã có 25/41 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh được hoàn thành, đạt tỷ lệ 60% so với kế hoạch. Cùng với việc ban hành kế hoạch của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác CCHC.
Tỉnh luôn xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác CCHC, tạo điều kiện thông thoáng, thu hút đầu tư, là một trong những khâu đột phá thúc đẩy quá trình CCHC, với phương châm tăng cường công khai giải quyết TTHC trên cả 3 phương diện: thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí. Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP tiếp tục được quan tâm, đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, đầy đủ các nhiệm vụ và theo đúng lộ trình của Đề án 06/CP đã đặt ra. Công tác làm sạch dữ liệu dân cư theo 04 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” cơ bản đảm bảo 100%, được Bộ Công an đánh giá cao… UBND tỉnh đã phê duyệt đề án vị trí việc làm của 22 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 21 huyện, thành phố, thị xã, 13 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh…
Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác phân công, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu được quan tâm, thực hiện triệt để. Các ngành, các cấp đã, đang tập trung cao cho việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ngày càng mạnh mẽ; ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác chuyên môn, giải quyết công việc...
UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng không gian đô thị thành phố Vinh theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 và Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận Thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, triển khai phương án Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2025 và Phương án của giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác CCHC như: Cán bộ, công chức ở chính quyền cấp xã còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm đạo đức công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật. Ở một số đơn vị cấp xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Một cửa chưa đáp ứng yêu cầu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được bổ sung, đầu tư kịp thời. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn thấp…
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CCHC từ tỉnh đến cơ sở, trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện CCHC. Chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao tinh thần và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện các chế độ chính sách hợp lý, khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng thời xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện CCHC ở các cấp, trong các cơ quan, đơn vị. Thực hiện đánh giá, xếp loại, xếp hạng CCHC các Sở, ban, ngành, địa phương khách quan, chính xác. Tập trung chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông để hỗ trợ tốt cho công tác CCHC, tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát…
Về nội dung này, UBND tỉnh thống nhất thông qua Dự thảo báo cáo kết quả công tác cải CCHC tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.
06 tháng đầu năm đã thực hiện 125 cuộc thanh tra hành chính
Tiếp đó, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Qua nghe báo cáo, UBND tỉnh thống nhất thông qua các dự thảo báo cáo này.
Theo đó, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tiếp tục thực hiện các cuộc giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình. Toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 125 cuộc thanh tra hành chính (bao gồm: 116 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 04 cuộc thanh tra đột xuất); đến nay đã ban hành kết luận 68 cuộc tại 135 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện sai phạm với tổng số tiền là 15.290 triệu đồng…
Thanh tra các Sở, ngành trong tỉnh đã thực hiện 188 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, bao gồm: 140 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 55 cuộc thanh tra đột xuất; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: tài nguyên, môi trường, nông nghiệp. Qua thanh tra chuyên ngành phát hiện 186 tổ chức và cá nhân có vi phạm; ban hành 223 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.113 triệu đồng, đã thu được 1.079 triệu đồng.
Tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2024 là 200 vụ việc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 178/200 vụ việc, đạt tỷ lệ 89%, còn lại 22 vụ việc đang trong thời gian xác minh, giải quyết. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 45 triệu đồng; đã trả lại cho tổ chức, cá nhân 24 triệu đồng và 200m2 đất; bảo vệ quyền lợi cho 01 tổ chức, 04 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 06 cá nhân có sai phạm...
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 2.946 lượt người, với 2.880 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023; số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai tiếp nhận là 4.803 đơn, tăng 6,3%, trong đó số đơn đủ điều kiện xử lý là 4.281 đơn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ là 200 vụ việc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 178/200 vụ việc, đạt tỷ lệ 89%, còn lại 22 vụ việc đang trong thời gian kiểm tra, xác minh, giải quyết theo quy định…
Đề xuất một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trình bày dự thảo Nghị quyết |
Tiếp đó, UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học phổ thông thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ kinh phí để dạy học tăng cường các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống với mức hỗ trợ 100.000 đồng/tiết dạy. Thời gian hỗ trợ tính theo số tiết dạy thực tế nhưng tối đa không quá 5 tiết/tuần/lớp và không quá 27 tuần/năm học. Phương thức hỗ trợ thông qua các cơ sở giáo dục để chi trả cho các cán bộ quản lý, giáo viên, những người trực tiếp, gián tiếp tham gia giảng dạy, giáo dục học sinh.
Hỗ trợ kinh phí mua sắm sách giáo khoa xây dựng tủ sách dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 01 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh/năm học. Việc hỗ trợ thực hiện trực tiếp cho các cơ sở giáo dục để mua sắm sách giáo khoa xây dựng tủ sách dùng chung.
Cũng trong phiên họp chiều nay, UBND tỉnh đã thống nhất thông qua các nội dung: - Dự thảo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. - Dự thảo báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. - Dự thảo báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. - Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. - Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. - Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. - Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. - Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. |
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn