Danh sách 21 công ty được Trương Mỹ Lan sử dụng vận chuyển trái phép hàng tỷ USD ra nước ngoài trong 10 năm
- 16:19 12-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 3 tội danh, trong đó có tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
21 công ty vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới suốt 10 năm
Theo Kết luận điều tra, từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD.
Đồng thời, có 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3,02 tỷ USD.
Tổng số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ 10 công ty, tổ chức đăng ký kinh doanh tại Việt Nam tham gia chuyển tiền gồm:
CTCP Đầu tư Golden Hill thành lập ngày 17/01/2017; trụ sở chính ở số 08 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm ông Bùi Đức Dũng sở hữu 40%, ông Lương Minh Hán 30%, ông Tất Thành Chí 30%; Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch hội đồng quản trị.
CTCP Blue Pearl thành lập ngày 08/12/2017; trụ sở chính số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1. Vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Zhu Qiang (quốc tịch Trung Quốc) - Tổng giám đốc.
Công ty TNHH MTV Đầu tư VinaLand Việt Nam thành lập ngày 03/10/2008; địa chỉ trụ sở chính số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến nghé, quận 1. Vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật thành là ông Truong Anthony Kinh - Tổng Giám đốc. Công ty có dự án đầu tư Savico Plaza, tổng số vốn hơn 773 tỷ đồng, vốn góp để thực hiện dự án là 320 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eastern View thành lập ngày 19/05/2017; trụ sở tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1. Vốn điều lệ 4.950 tỷ đồng; do 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty VIPD sở hữu 20%, Công ty TNHH Phát triển Diamond Harbour 40%, Công ty TNHH Đầu tư Emerald Harbour 40%. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Vũ Anh Thi – Tổng Giám đốc.
Công ty TNHH Capitaland Tower thành lập ngày 04/4/2016; địa chỉ trụ sở chính lầu 7, tòa nhà Vista, 628C Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, TP. Thủ Đức. Vốn điều lệ 4.48 tỷ đồng; tổ chức sở hữu là CVH Cayman Holdings Limited (ở Cayman Islands). Người đại diện theo pháp luật là ông Lim Hua Tiong (quốc tịch Malaysia) - Giám đốc. Công ty đã 14 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hiện vốn điều lệ 2.070 tỷ đồng, bổ sung thêm người đại diện theo pháp luật ông Ngô Như Vương - Chủ tịch Hội đồng Thành viên.
CTCP Đầu tư Trade Wind thành lập ngày 17/01/2017; trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1. Vốn điêu lệ 100 tỷ đồng; 3 cô đông sáng lập gồm ông Trần Nhật Duy 40%, bà Trương Mỹ Trân 30%, bà Tôn Nữ Như Ngọc 30%. Người đại diện pháp luật là ông Trương Vincent Kinh - Tổng giám đốc.
CTCP Đầu tư và Môi giới bất động sản Eland thành lập ngày 16/02/2022; trụ sở tại 181 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Vốn điều lệ 168 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là bà Huỳnh Thị Tuyết Sương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
CTCP Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu thành lập ngày 23/07/2003; trụ sở tại số 147 Đường Phan Huy Thực, phường Tân Kiểng, quận 7. Vốn điều lệ 980 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Huyền Anh - Chủ tịch HĐQT.
CTCP Phát triển Đông Sài Gòn thành lập ngày 07/03/2013; trụ sở tại số 17 khu Phố 1, Trần Chí Nam, thị trấn cần Giuộc, huyện cần Giuộc, tỉnh Long An. Vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Lâm Xương Diệu - Tổng Giám đốc.
CTCP Sài Gòn Helios thành lập ngày 15/06/2017; trụ sở tại 19 (tầng 1+2) Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1. Vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Trần Văn Trung - Tổng Giám đốc.
Cùng với đó là 11 công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, gồm:
Công ty Galaxy Capital Invesment Development Limited thành lập ngày 12/01/2015 ở British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật ông Cheung Lai Pao (quốc tịch Trung Quốc) - Tổng Giám đốc.
Công ty Noble Capital Group Limited thành lập ngày 05/12/2014 tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Sun Ka Ziang Henry (quốc tịch Trung Quốc) - Tổng Giám đốc.
Công ty Glory Capital Investment Limited thành lập ngày 12/01/2015 tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Wong Wai Ho (quốc tịch Canada) - Tổng Giám đốc.
Công ty Day Glory Development Limited thành lập ngày 13/03/2015 tại British Virgin Islands; Người đại diện pháp luật là Chai Chi Keung (quốc tịch Trung Quốc) - Tổng Giám đốc.
Công ty Vinaland Investments Limited thành lập ngày 23/04/2007 tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Trung Quốc).
Công ty Leader Vision Capital Invesment Limited thành lập ngày 15/01/2015 tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Chiu Bing Keung Kenneth.
Công ty Golden Hill Investment Company Limited thành lập ngày 12/10/2016; sau đó đổi tên Great Tale Investments Limited thành Golden Hill Investment Company Limited từ ngày 20/02/2017 tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Chiu Bing Keung Kenneth.
Công ty City Charm Investment Company Limited thành lập ngày 02/11/2016. Từ ngày 20/02/2017, Techno World Investments Limited đổi tên thành City Charm Investment Company Limited tại British Virgin Islands. Người đại diện pháp luật là Chiu Bing Keung Kenneth.
Công ty Prominent Group Limited thành lập ngày 06/08/2015 tại Quần đảo Virgin, Vương quốc Anh. Người đại diện pháp luật là Chiu Bing Keung Kenneth.
Công ty Starlight Development Limited thành lập ngày 10/08/2015 tại Quần đảo Virgin, Vương quốc Anh. Người đại diện pháp luật là ông Cheung Yaddy – Tổng Giám đốc.
Công ty Dragon Fund Investment Limited thành lập ngày 25/09/2015 tại Cayman Islands. Người đại diện pháp luật là Chia Kar Hin Eric John (quốc tịch Trung Quốc).
Ngoài ra còn có hàng nghìn công ty “ma” được tổ chức, thành lập và hàng ngàn cá nhân được thuê để phục vụ cho hoạt động tài chính (vay, phát hành trái phiếu, mua bán tài sản...) của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo kết luận điều tra, việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, đều thông qua các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp khống; hợp đồng tư vấn khống; hợp đồng khống vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài...
Hai người nước ngoài giúp sức cho Trương Mỹ Lan
Cũng theo kết luận điều tra, trong các đồng phạm giúp sức cho bà Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới có 2 người ngoại quốc, là Chen Yi Chung (quốc tịch Hồng Kông, quyền Tổng Giám đốc SCB) và Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương Quốc Anh và Bắc Ireland, được giao quản lý các công ty ở nước ngoài).
Ông Chen Yi Chung. Ảnh: SCB |
Chen Yi Chung làm quyền Tổng Giám đốc SCB từ ngày 10/10/2020 đến ngày 15/5/2021. Thời gian này, Chen đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng lập khống.
Trong 13 giao dịch này, có 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền hơn 673 triệu USD (tương đương hơn 15.548 tỷ đồng) và một giao dịch chuyển về 35 triệu USD (tương đương 802,2 tỷ đồng). Tổng hơn 708 triệu USD (tương đương hơn 16.350 tỷ đồng).
Trong khi đó, Chiu Bing Keung Kenneth được bà Trương Mỹ Lan giao quản lý 11 công ty trong và ngoài nước. Riêng Chiu đứng tên đại diện theo pháp luật với 6 công ty ở nước ngoài thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Kết luận điều tra nêu, Chiu đã tạo dựng các hợp đồng khống với nội dung mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư, vay vốn... giữa các công ty trong nước và nước ngoài; làm hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Từ ngày 7/4/2014 đến ngày 7/10/2022, tổng số tiền 11 công ty do Chiu quản lý đã chuyển đi hơn 556 triệu USD (tương đương hơn 12.905 tỷ đồng) và nhận về hơn 940 triệu USD (tương đương hơn 21.310 tỷ đồng). Tổng hơn 1,496 tỷ USD (tương đương hơn 34.216 tỷ đồng).
Theo kết luận điều tra, Chen Yi Chung và Chiu Bing Keung Kenneth đều đã xuất cảnh ra nước ngoài, không xác định được đang ở đâu.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng có công văn kèm theo Yêu cầu Tương trợ tư pháp về hình sự gửi đến VKSND Tối cao đề nghị ủy thác cho Bộ Nội vụ Vương Quốc Anh xác minh Chiu Bing Keung Kenneth và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông xác minh Chen Yi Chung.
Đến nay, các yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả; đồng thời đã có Quyết định truy nã nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án chưa truy bắt được. Do đó, Cơ quan điều tra ra Quyết định tách vụ án hình sự số 1279/QĐ-CSKT-P2; Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can số 1280, 1281/QĐ-CSKT-P2 và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can số 1282, 1283/QĐ-CSKT-P2 ngày 29/5/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến hành vi phạm tội của Chiu Bing Keung Kenneth và Chen Yi Chung. Sau khi truy bắt được 2 bị can sẽ phục hồi điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Tác giả: Hà Ly
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn