Giải bài toán “mất điện” mùa nắng nóng ở Nghệ An?
- 13:45 09-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây cũng là một trong những giải pháp chính được đại diện các sở, ngành tỉnh Nghệ An đưa ra và đề nghị cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo được nguồn điện cung cấp trong mùa nắng nóng năm 2024.
Nguy cơ thiếu hụt điện…
Liên quan đến tình hình cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: 5 tháng đầu năm 2024, công suất cực đại xác lập đỉnh 1.052,9 MW; tăng trưởng trung bình khoảng 14,5% so với 5 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, điện thương phẩm 5 tháng đầu năm 2024 đạt 1.902 triệu kWh, tăng 9,6% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Dự báo phụ tải các tháng còn lại của năm 2024 có công suất cực đại tăng khoảng hơn 13%. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc nhiều vào phụ tải công nghiệp đăng ký đấu nối vận hành mới và so sánh giữa khả dụng nguồn điện. Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có nguy cơ thiếu công suất từ tháng 6 - 7, với công suất cực đại thiếu hụt có thể đến khoảng 2.000 MW; trong đó, riêng địa bàn tỉnh Nghệ An thiếu hụt khoảng 150 MW.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Bành Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An chia sẻ, 150 MW thiếu hụt này chỉ rơi vào khoảng khung giờ cao điểm từ 11h - 15h và từ 21h - 24h hàng ngày; còn các khung giờ khác vẫn đảm bảo. Dự kiến công suất điện trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2024 đạt 1.100 MW. Về phía ngành điện, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo nguồn điện.
Dự báo sản lượng điện tiêu thụ thời gian tới trên địa bàn Nghệ An tăng cao, Ban chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh kêu gọi người dân chung tay sử dụng điện tiết kiệm tại gia đình, nơi làm việc |
“Giải pháp chính vẫn là thực hiện tiết kiệm điện, công tác tuyên truyền về nội dung này mặc dù đã được thực hiện nhiều, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả cần phải có các biện pháp đi cùng nữa. Đơn cử, nếu trên địa bàn tỉnh kiết kiệm được 2% thì có thể cung cấp đủ điện cho 1 huyện và nếu cả nước tiết kiệm điện được 2% thì có thể cung cấp đủ điện cho địa bàn tỉnh Nghệ An – ông Bành Hồng Hiển chia sẻ.
Cũng theo vị Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, bên cạnh việc tiết kiệm điện thì cũng cần thực hiện các giải pháp công trình. Hiện nay, ngành điện đang triển khai xây dựng dự án Đường dây 500 KV, đường dây truyền tải điện nhập khẩu từ Lào; xây dựng chính sách phát triển điện mặt trời; xây dựng các đường dây và trạm biến áp cấp tỉnh... Về biện pháp phi công trình, ngành điện đang tập trung điều chỉnh phụ tải trong khung giờ cao điểm.
Nghệ An chỉ đạo “nóng”
Liên quan đến vấn đề đảm bảo cấp điện trong mùa cao điểm năm 2024, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Để đảm bảo nguồn điện cho cả giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh đã rất chủ động và đã ban hành Kế hoạch 578/KH-UBND ngày 03/8/2023 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo dự báo năm 2024, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 2.000 MW, tỉnh Nghệ An thiếu hụt khoảng 150 MW. Bởi vậy, tỉnh đề nghị Sở Công Thương Nghệ An chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các văn bản chỉ đạo về tiết kiệm điện trong năm 2024.
Mặt khác, tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 578/KH-UBND, trong đó lưu ý đến vấn đề quá tải, nhất là trong mùa nắng nóng. Bởi, thời tiết nắng nóng gay gắt rất dễ xảy ra tình trạng giông, lốc, sét; do đó, cần phải quan tâm đến hành lang an toàn lưới điện. Sở Công thương cần phối hợp với ngành điện, các địa phương phát quang cây cối, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Sở Công Thương Nghệ An chủ động làm việc với các doanh nghiệp có sản lượng điện trên 1.000.000 kW/tháng để có kế hoạch điều phối trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An, Sở Công thương để chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về công tác tiết kiệm điện, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện...
Ngành điện đang triển khai xây dựng dự án Đường dây 500 KV, đường dây truyền tải điện nhập khẩu từ Lào (Trong ảnh: Quá trình thi công Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, đoạn qua địa phận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) |
Bên cạnh đó, các địa phương cấp cơ sở cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng điện. Tăng cường kiểm tra, vận động các trường hợp không thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện thực hiện tiết kiệm điện bởi hiện nay chưa có chế tài xử lý.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng điện đảm bảo tiết kiệm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng điều chỉnh thời gian bật/tắt hệ thống điện chiếu sáng phù hợp để đảm bảo tiết kiệm điện.
Mặt khác, phối hợp với điện lực địa phương tuyên truyền cho các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại và tòa nhà chung cư trên địa bàn giảm công suất vào giờ cao điểm; cắt giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của ngành điện trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Về phía ngành điện, tỉnh cũng yêu cầu Công ty Điện lực Nghệ An xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng điện hàng năm hợp lý và cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, của người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các quy định liên quan để xây dựng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện, an toàn, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) phù hợp với từng đối tượng.
Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện khách hàng trên địa bàn cần phải thực hiện thông báo trước theo quy định để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của khách hàng…
Tác giả: HỒNG QUANG
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn