Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chậm hoàn tất thủ tục thuê đất: Doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn

Mặc dù đi vào hoạt động nhiều năm qua, nhưng đến nay, hơn 40 nhà xưởng chế biến khoáng sản trong các Cụm công nghiệp (CCN) tại “thủ phủ“ khoáng sản huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vẫn chưa làm được thủ tục thuê đất.

 43 xưởng chế biến khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất. Ảnh: D.B.

Doanh nghiệp cần ổn định lâu dài

Theo thông tin từ Hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp, tại địa phương này hiện có 43 xưởng chế biến khoáng sản thuộc 22 tổ chức và 21 hộ cá thể chưa có thủ tục thuê đất theo quy định. Các xưởng này đã xây dựng và hoạt động sản xuất ổn định từ năm 2004 đến nay. Trong đó có 25 nhà xưởng tại các CCN, khu chế biến đá tập trung. Như vậy, tính đến nay, tròn 20 năm các xưởng chế biến này sản xuất khoáng sản trên đất không phải của mình. Điều này đã vô hình chung làm thất thoát nguồn kinh phí thuê đất mà lẽ ra các chủ xưởng phải nộp cho Nhà nước.

Trong các CCN ở huyện Quỳ Hợp, CCN Thung Khuộc được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết sớm nhất (năm 2007). Còn lại, các CCN: Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc, Châu Quang đều được tỉnh này phê duyệt vào năm 2015. Tuy nhiên, các xưởng chế biến có từ trước khi các CCN được phê duyệt. Điều đáng nói, nhiều DN dù đã có giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản và đã lập hồ sơ xin thuê đất trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nguồn gốc đất đai trong phạm vi các CCN ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, các DN nhận chuyển nhượng lại từ các hộ dân trên địa bàn để xây dựng nhà xưởng chế biến, trước khi các CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Theo ông Nguyễn Sỹ Tùng - Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp, nguyên nhân việc nhiều DN chưa hoàn tất thủ tục thuê đất là do lịch sử để lại. Cho nên hiện nay, các DN rất mong huyện Quỳ Hợp và tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN hoàn tất thủ tục thuê đất, ổn định sản xuất lâu dài.

Hầu hết các xưởng chế biến khoáng sản được xây dựng và hoạt động từ những năm 2000. Nguồn gốc đất phần lớn được thuê lại của người dân. Lúc đó, chính quyền kêu gọi DN về đầu tư nhưng chưa có quy hoạch. “Hàng năm, chúng tôi đều trả tiền thuế đất đầy đủ. Mãi sau này, khi có quy hoạch CCN, khu chế biến, DN phải hoàn tất thủ tục. Nhưng khi làm hồ sơ thì vướng phải rất nhiều khó khăn như: Khoảng cách an toàn đến khu dân cư, quy hoạch nông thôn mới… Chúng tôi đã làm hồ sơ nhiều lần nhưng không thể hoàn tất. Dẫn đến việc DN muốn mở rộng sản xuất cũng khó khăn“ - anh Th. - 1 chủ DN cho biết.

 Một số doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phục vụ sản xuất khác. Ảnh: D.B.

Tập trung tháo gỡ những tồn tại

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo xã Thọ Hợp (địa phương có đến hơn 10 xưởng chế biến chưa hoàn tất thủ tục thuê đất) cho biết: Việc chưa thể hoàn tất thủ tục không chỉ ảnh hưởng đến DN mà cũng khiến công tác quản lý nhà nước ở địa phương gặp không ít khó khăn. Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (UBND huyện Quỳ Hợp) cho biết: Địa phương đã nắm được vấn đề này. Từ năm 2022, huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An. Hiện, huyện đang báo cáo chi tiết theo hướng dẫn của Sở để có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho DN.

Cũng theo ông Hào, huyện Quỳ Hợp đã có báo cáo nhưng chưa đầy đủ, hiện đang hoàn tất báo cáo để trình UBND tỉnh, từ đó tìm phương án tháo gỡ cho DN. “Trong số 43 cơ sở này, nguồn gốc đất và lịch sử hình thành, sản xuất cũng khác nhau nên việc xử lý cũng phải khác nhau" - ông Hào thông tin. Được biết, trong 25 xưởng nằm trong CCN thì có 3 xưởng có 1 phần thuộc CCN, một phần nằm ngoài quy hoạch CCN và 18 xưởng nằm ngoài quy hoạch các CCN, khu chế biến đá tập trung. Hiện trạng sử dụng đất hiện nay là các xưởng đã xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, bãi tập kết đá các loại, hố lắng chất thải và các công trình phục vụ sản xuất khác.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết: Hàng năm, huyện cũng đã báo cáo nội dung này lên các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, huyện đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành quan tâm, sớm tháo gỡ vướng mắc. Về thực trạng làm thất thoát một nguồn thuế, ông Lợi cho biết thêm: Trước mắt là cần có thủ tục thuê đất để phù hợp với quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đã có thủ tục này, cơ quan thuế sẽ tính toán, xem xét các đơn vị, cá nhân phải nộp truy thu bao nhiêu tiền thuế. Việc này là trách nhiệm của cơ quan thuế.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: daidoanket.vn