Bất cập mô hình trường tiên tiến
- 13:11 06-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Học sinh theo mô hình trường tiên tiến ở Trường THCS Đặng Thai Mai học môn học năng khiếu. Ảnh: NTCC. |
Theo đề án “Mô hình trường tiến tiến” được thực hiện theo Quyết định số 147/QĐ - UBND tỉnh Nghệ An, ngày 18/1/2022 thì ngoài việc vẫn được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, mô hình này còn tăng cường các nội dung khác như: Tăng cường phát triển năng lực, năng khiếu môn học văn hóa; Tăng cường tin học; Tăng cường ngoại ngữ; Giáo dục kỹ năng mềm; Giáo dục STEM; Phát triển năng khiếu thể thao; Phát triển năng khiếu Nghệ thuật.
Với mục tiêu giúp học sinh được tiếp cận với giáo dục trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo bản sắc dân tộc, tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo điều kiện để một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018, đổi mới quản trị nhà trường theo hướng quản trị chất lượng giáo dục.
Theo thống kê, từ năm học 2022 - 2023 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 4.200 học sinh với 132 lớp thuộc 4 bậc học gồm Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT tại 14 trường thuộc các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai. Với mức học phí cho chương trình tiên tiến (ngoài tiền bán trú và các khoản thu theo quy định) thì học sinh sẽ phải đóng thêm từ 1.356.000 - 1.608.000 đồng (tùy theo chương trình). Tuy nhiên, theo đánh giá của cả phụ huynh và học sinh, mô hình này vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Được biết, năm học 2023 - 2024 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) tuyển sinh 23 lớp 10 hệ công lập với 1.010 học sinh, trong đó có 5 lớp mô hình tiên tiến với 200 học sinh; Trường THPT Hà Huy Tập tuyển sinh 20 lớp, trong đó có 2 lớp tiên tiến với (80 học sinh); Trường THPT Lê Viết Thuật tuyển sinh 18 lớp, có 2 lớp tiên tiến (80 học sinh)…
Chị Nguyễn Thị H. (thường trú tại TP Vinh) cho biết: Do điểm chuẩn vào trường thiếu 0,2 điểm nên con chị đã chuyển sang học lớp tiên tiến tại trường. Tuy nhiên, so với lớp học truyền thống thì lớp tiên tiến chi phí rất cao, nhưng vẫn phải cho con theo học. “Ở đây vẫn là trường công lập, môi trường tốt hơn so với các Trường THPT ngoài công lập. Nhưng nói về chất lượng thì chưa có gì đặc sắc” - chị H. nói và cho rằng việc cho con vào học các lớp tiên tiến là do không đủ điểm vào các lớp truyền thống nên “bắt buộc” phải cho học lớp tiên tiến. Chứ thực ra việc đào tạo giữa các lớp tiên tiến và lớp truyền thống không khác nhau nhiều. Các lớp thường buổi chiều cũng học thêm toán, tiếng Anh, Ngữ văn,… thì các lớp tiên tiến cũng chiếm đến 90% thời lượng học các môn này.
Trong khi đó, trường THCS Đặng Thai Mai là trường THCS đầu tiên trên địa bàn TP Vinh triển khai mô hình trường tiên tiến với 18 lớp và 666 học sinh theo học. Sau 2 năm triển khai, chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn tiếp tục duy trì. Cụ thể, trong năm học 2022 - 2023, 82,74% học sinh được xếp loại tốt, 16,44% học sinh xếp loại khá và 0,82% có tỷ lệ đạt. Học kỳ 1 năm học này, 90,84% học sinh được xếp loại tốt. Sau 2 năm thực hiện mô hình nhiều phụ huynh đánh giá chương trình tiên tiến quá nặng, các môn tăng cường như STEM, Tin học, năng khiếu, tiếng Anh tăng cường chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, đối với chương trình tin học, học sinh phải thêm tiền để thi lấy chứng chỉ quốc tế, trong khi chứng chỉ này không bắt buộc ở trường phổ thông.
Ngoài ra, tại các trường thực hiện mô hình này còn khó khăn về cơ sở vật chất chưa có nhà ăn, nhà bếp và khu bán trú, trang thiết bị dạy học thiếu, yếu, chưa được ưu tiên bố trí đủ giáo viên. Cùng với đó, chưa có bể bơi luyện tập, chưa có sân bóng rổ theo quy chuẩn, chưa có khu thực hành trải nghiệm của học sinh.
Đánh giá về mô hình này, bà Tăng Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi, TP Vinh cho rằng: Nếu so với mô hình trường tiên tiến thì điều kiện vật chất chưa đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh. Trong khi tiềm lực của nhà trường không đủ để đầu tư về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường lớp.
Trong khi đó, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh thừa nhận: Dù trước khi tuyển sinh, phụ huynh học sinh đều đã xem các gói học, cách thức tổ chức và đã có sự thỏa thuận bằng văn bản… nhưng sau khi theo học, nhiều phụ huynh không đồng tình với chương trình học, không còn mặn mà với chương trình tiếng Anh tăng cường, với chương trình tin học quốc tế, thậm chí xin không tiếp tục học chương trình tiên tiến.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An vừa có cuộc khảo sát về việc thực hiện mô hình trường tiên tiến tại một số trường học trên địa bàn TP Vinh. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá, rất nhiều ý kiến băn khoăn như chưa có quy chuẩn đầu vào của lớp tiên tiến ở bậc THPT nên việc xây dựng đầu ra gặp khó khăn; có sự khác biệt về chuẩn chất lượng giữa 2 bậc học là THCS và THPT; cách thức tổ chức chưa thống nhất; chương trình khung chưa phù hợp dẫn đến quá tải đối với học sinh; Việc thực hiện thu, chi cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang cho các trường thực hiện…
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: daidoanket.vn