Nghệ An: Nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế
- 13:30 06-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thiếu hụt về nhân lực y tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã xác định: Đến năm 2025 cần đạt 13 bác sĩ/1 vạn dân (cần khoảng 4.682 bác sĩ, hiện nay toàn tỉnh mới có 4.412 bác sĩ (trong đó y tế công lập có 3.529 bác sĩ) thiếu khoảng 270 bác sĩ). Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, chỉ tiêu này dự kiến đạt vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên việc thực hiện chỉ tiêu này nói riêng và việc đảm bảo nguồn nhân lực nói chung đang gặp nhiều khó khăn.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Internet) |
Nói về những khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết việc giải quyết bài toán nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nhiều thách thức, khó khăn; việc thực hiện tinh giản biên chế nhất là đối với tuyến y tế cơ sở còn bất cập. Trong khi đó số người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập ngày càng tăng, quá tải và áp lực cho nhiều đơn vị y tế trong công tác đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế đã được tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn. Tính đến 31/3/2024, hệ thống y tế công lập tỉnh Nghệ An có có 3529 bác sĩ, 873 dược, 4913 điều dưỡng, 928 hộ sinh, 621 kỹ thuật y và 3056 nhân lực khác. Số bác sĩ/1 vạn dân tăng từ 10,0 bác sĩ năm 2020 lên 12,6 bác sĩ năm 2023 cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, dự ước năm 2024 đạt 12,9 bác sĩ và phấn đấu đến năm 2025 đạt 13,2 bác sĩ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc (cố định và luân phiên) phấn đấu đạt trên 90%.
Đ/c Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế làm rõ những khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Báo NA) |
Tuy nhiên, hiện phân bổ bác sĩ của ngành y tế giữa các vùng trong tỉnh cũng như các tuyến đơn vị y tế không đồng đều. Đa phần, số bác sĩ đều tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Thành phố Vinh tập trung nhiều cơ sở y tế nhất, hiện có 60 bác sĩ/1 vạn dân, tuy nhiên tại các huyện chỉ có 8-12 bác sĩ, cá biệt một số huyện miền núi chỉ có 5-6 bác sĩ/1 vạn dân như Quế phong chỉ có 5,7 bác sĩ/1 vạn dân, Anh Sơn chỉ có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân,… Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái cho rằng, việc chênh lệch rất lớn giữa số lượng bác sĩ của thành phố Vinh với các huyện dẫn đến ngày càng kéo xa khoảng cách chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân giữa các huyện, giữa tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở.
Trong tổng số 3.529 bác sĩ trên toàn tỉnh theo báo cáo sủa Sở Y tế Nghệ An đến 31/3/2024, có tới 1.980 bác sĩ (56,1%) đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh; 1.179 bác sĩ (33,4%) làm việc tại các đơn vị y tế tuyến huyện; chỉ có 370 bác sĩ (10,5%) làm việc tại trạm y tế tuyến xã (có 10 trạm y tế có 2 bác sĩ). Hiện trên địa bàn tỉnh có 429/460 trạm y tế có bác sỹ công tác, đạt tỷ lệ 93,3%, ngoài bác sĩ cơ hữu (77,8%) còn có bác sĩ đã nghỉ hưu hợp đồng và bác sĩ tăng cường về các trạm y tế.
Số lượng nguồn nhân lực y tế toàn tỉnh hiện có còn thiếu so với số lượng tối tiểu cần đạt được đến năm 2025 (theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập) là 13.000 người. Đối với tuyến y tế cơ sở có số người làm việc tối thiểu phải đạt là 7.037, tuy nhiên, hiện nay mới được giao 5.749 chỉ tiêu, còn thiếu 1.288 chỉ tiêu so với quy định; một số đơn vị chỉ đạt dưới 70% như Trung tâm Y tế Tân Kỳ, Trung tâm Y tế Anh Sơn, Trung tâm Huyết học truyền máu.
Đ/c Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu những bất cập, chênh lệch giữa tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân giữa vùng đô thị và vùng có điều kiện khó khăn. (Ảnh: Báo NA) |
Không chỉ tại các cơ sở y tế tuyến cơ sở, ngay đơn vị y tế tuyến cuối của tỉnh như: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản nhi nguồn nhân lực y tế cũng chưa đảm bảo đầy đủ các vị trí việc làm như quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT.
Việc thiếu hụt nhân lực y tế so với quy định đã khiến ngành y tế tỉnh gặp không ít trở ngại trong việc đảm bảo chất lượng y tế, thực hiện nhiệm vụ y tế phổ cập về y tế dự phòng, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dân số phát triển.... Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là người bệnh, tác động đến chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Theo định hướng phát triển của ngành y tế và thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế, thì rất cần được bổ sung, đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế cho các tuyến.
Nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế
Việc tuyển dụng khó khăn: Theo Sở Y tế, kết quả tuyển dụng hàng năm của các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt. Kết quả tuyển dụng trong năm 2023 của các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 chỉ đạt 74,7% so với nhu cầu, các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế kết quả tuyển dụng chỉ đạt 46%. Việc tuyển dụng bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã vùng đồng bằng, thành phố và tại các Trung tâm y tế 2 chức năng (dự phòng và dân số) rất khó khăn. Theo đánh giá của Sở Y tế Sinh viên y, nhất là bác sỹ mới ra trường không muốn về công tác tại tuyến huyện, nhất là một số huyện lân cận thành phố Vinh và tại một số đơn vị như pháp y, giám định y khoa và tại trạm y tế xã, phường, thị trấn do môi trường làm việc không có tính thu hút cao, thu nhập thấp.
Phòng xét nghiệm Tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh. (Ảnh: Internet) |
ơn cử, tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu hiện tại có 57 bác sĩ nhưng để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cần 80-90 bác sĩ, trong năm 2023 nhu cầu tuyển 20 bác sĩ nhưng chỉ tuyển dụng được 5 bác sĩ. Trong khi đó, là đơn vị tự chủ nhóm 2 từ năm 2018 đến nay bệnh viện không được hưởng chính sách thu hút nhân lực theo quy định. Do đó để thu hút bác sĩ, bệnh viện đã có chính sách hỗ trợ thêm ngoài lương đối với bác sĩ hợp đồng (hỗ trợ 5 triệu/tháng), đối với bác sĩ đã tuyển dụng thì có chính sách kích cầu (bác sĩ sau đại học: hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/tháng, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề: hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/tháng, bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/tháng). Việc hỗ trợ này còn phụ thuộc vào nguồn thu của bệnh viện, tuy nhiên nguồn thu của bệnh viện hiện tại rất khó khăn.
Ngoài nhân lực bác sĩ khó tuyển dụng, thời gian gần đây nhân lực điều dưỡng cũng tuyển dụng không đủ so với nhu cầu kể cả các đơn vị tuyến tỉnh (Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình nhu cầu 11 chỉ tiêu, chỉ có 4 hồ sơ đăng ký (đạt 36%); Bệnh viện Phổi 26 chỉ tiêu có 11 hồ sơ đăng ký (đạt 42%); Bệnh viện Sản - nhi 70 chỉ tiêu chỉ có 28 hồ sơ đăng ký (đạt 40%)... Nguyên nhân là do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp điều dưỡng, hộ sinh sau khi ra trường đã đi lao động ở nước ngoài hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp do công việc chuyên môn y tế có mức lương thấp, chịu nhiều áp lực về công việc.
Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc: Trong những năm qua xu hướng nhân viên y tế nghỉ ngày càng cao đặc biệt là đội ngũ bác sỹ, ảnh hưởng đến việc duy trì, ổn định nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay đã có khoảng 400 cán bộ y tế nghỉ việc trong đó có 159 bác sĩ nghỉ việc không làm trong hệ thống y tế công lập tỉnh Nghệ An. Riêng năm 2023 có 22 bác sĩ nghỉ việc, những tháng đầu năm 2024 có 4 bác sĩ chuyển công tác, không làm việc trong hệ thống y tế công lập tỉnh Nghệ An. Theo đánh giá của Sở Y tế xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc hiện tại vẫn tiềm ẩn ở tất cả các chức danh chuyên môn.
Khám bệnh tại Bệnh viên đa khoa thành phố Vinh. (Ảnh: Internet) |
Nguyên nhân của tình trạng nhiều nhân lực y tế công lập nghỉ việc không làm việc trong cơ sở y tế công lập sang làm việc ở cơ sở y tế tư nhân là bởi vì hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, các cơ sở y tế tư nhân có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; các đơn vị sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi.
Áp lực nhưng chế độ đãi ngộ thấp, chưa có sức thu hút: Số lượng nhân lực hiện nay đang thiếu nhiều so với quy định nhân lực tối thiểu, vì vậy, tình trạng nhân viên phải gánh phần công việc của số nhân lực còn thiếu dẫn đến áp lực và cường độ làm việc tăng lên rất nhiều. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cần tăng cường công tác đào tạo, tuy nhiên do thiếu nguồn nhân lực dẫn đến việc cử cán bộ đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng hạn chế (do nếu cử đi sẽ càng không đủ người làm việc).
Lương và các chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo cũng như chế độ thu hút chưa đủ mạnh đối với đội ngũ bác sỹ chất lượng cao về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bất cập trong việc thực hiện cơ chế tự chủ: Trong cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện nay do chưa tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành trong đó có lương, phụ cấp dẫn đến các cơ sở y tế nhất là các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 3 rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn kinh phí chi trả lương, phụ cấp. Các cơ sở y tế hiện nay trên 85% nguồn thu từ bảo hiểm y tế, thu từ dịch vụ rất ít, do đó, nguồn kinh phí để tái đầu tư cho con người còn hạn chế, do đó rất khó khăn cho việc đảm bảo chi trả lương, phụ cấp, đào tạo.
Không chỉ vậy, các đơn vị nhóm 3, nhóm 4 trong ngành y tế hiện nay chủ yếu là những đơn vị y tế huyện, không có nguồn thu hoặc nguồn thu rất ít, không ổn định, vì vậy, việc các đơn vị phải tự đảm bảo kinh phí chi trả lương cho đội ngũ cán bộ gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tăng số lượng nhân lực hưởng lương từ nguồn thu ở các đơn vị này trong thời gian tới sẽ dẫn đến việc thiếu kinh phí chi trả lương, không tuyển dụng được nhân lực đủ để thực hiện nhiệm vụ.
Chia sẻ những khó khăn của ngành y tế trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế, đồng chí Trần Đình Toàn - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng trong thời gian qua tỉnh đã rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực y tế; trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế hơn 1.700 tỷ đồng. Nhưng việc đầu tư này mới chỉ tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất chứ chưa chú trọng đầu tư cho con người, cho đội ngũ nguồn nhân lực y tế. Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế mới là yếu tố quyết định trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe, vì vậy cần có chính sách đủ mạnh để thu hút, giữ chân, đảm bảo nguồn nhân lực y tế.
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực y tế đạt được chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, Sở Y tế đã đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị trong ngành y tế theo quy định. Đồng thời, khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự đảm bảo nguồn chi trả lương thì không thực hiện cắt giảm số biên chế của các đơn vị này khỏi tổng biên chế của cả ngành mà cho phép giữ lại để ngành y tế điều chuyển cho các đơn vị khác đang có nhu cầu. Song song với đó cần có chính sách đủ mạnh cho nguồn nhân lực y tế nhằm hỗ trợ cán bộ hoạt động trong ngành y; hỗ trợ đào tạo, thu hút y, bác sĩ về công tác ở tuyến cơ sở và phát triển y tế chuyên sâu;..../.
Tác giả: Nguyễn Thị Vân
Nguồn tin: dbndnghean.vn