Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 5/2024
- 13:24 03-06-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh phiên họp |
Thống nhất với đề xuất không thực hiện sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu giai đoạn 2023-2025
Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh nội dung Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo điều chỉnh Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 |
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: Căn cứ đề xuất của các huyện, thành, thị và ý kiến của Bộ Nội vụ về Phương án sáp nhập, UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện sắp xếp 94 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (67 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 27 đơn vị liền kề) thành 45 ĐVHC mới (trong đó 44 đơn vị thành lập mới và 01 ĐVHC điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số), sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 49 ĐVHC cấp xã.
Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Đề án đã được UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất thông qua; cấp xã đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và trình HĐND cấp xã, cấp huyện đã tổ chức họp tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã. Kết quả lấy ý kiến với tỷ lệ cử tri đồng ý về phương án sáp nhập tại 92 xã, phường, thị trấn đã được lấy ý kiến; thấp nhất là 61,5% và cao nhất là 100%.
Tuy nhiên, hiện nay phương án sắp xếp xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu chưa thống nhất về tên gọi ĐVHC sau sắp xếp nên chưa lấy được ý kiến cử tri và trình HĐND các cấp thông qua. Ngày 23/5/2024, Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã huyện Quỳnh Lưu có Tờ trình số 26-TTr/BCĐ về việc đề nghị xem xét chưa thực hiện sắp xếp ĐVHC xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu trong giai đoạn 2023 – 2025.
Tại phiên họp, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho phép xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu chưa sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025; xem xét, nghiên cứu sáp nhập vào giai đoạn 2026-2030. Đồng thời đề nghị điều chỉnh số lượng ĐCHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 phải sáp nhập là 92 đơn vị, hình thành mới 44 ĐVHC (trước đây là 45 ĐVCH), giảm 48 ĐVHC (trước đây là 49 ĐVHC).
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cho biết: Huyện uỷ, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, thuyết phục nhưng vẫn chưa có kết quả. Huyện và các xã thống nhất xin đề xuất thực hiện việc sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu trong giai đoạn tới. Huyện cũng đã tổ chức họp kiểm điểm để xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến việc thực hiện sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện chưa đúng với kế hoạch. Quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của huyện và của các xã chưa nắm sát tình hình cơ sở, chưa lường được kết quả, dẫn đến những luồng ý kiến khác nhau, tạo nên dư luận xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận |
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC tỉnh thống nhất với đề xuất không thực hiện sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu giai đoạn 2023-2025 và xem xét thực hiện sáp nhập giai đoạn 2026-2030. Như vậy, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh còn 92 đơn vị cấp xã thực hiện sáp nhập, trong đó có 65 xã, phường, thị thuộc diện sắp xếp, và 27 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập có 44 ĐVHC cấp xã mới, giảm 48 ĐVHC cấp xã, toàn tỉnh còn 412 ĐVHC cấp xã. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự UBND tỉnh hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để trình HĐND tỉnh cho ý kiến tại kỳ họp tới; sau đó hoàn thiện và gửi hồ sơ cho Bộ Nội vụ trước ngày 15/6/2024.
Cho ý kiến về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Hưng Nguyên, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến và thống nhất thông qua Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Hưng Nguyên, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án quy hoạch vùng huyện Hưng Nguyên |
Quy hoạch vùng huyện Hưng Nguyên định hướng phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển chung của vùng thành phố Vinh và các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn. Tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Đồ án quy hoạch vùng huyện Hưng Nguyên |
Theo Đồ án, huyện Hưng Nguyên được định hướng phân thành 02 vùng phát triển không gian theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực.
Cụ thể, phân vùng 1: Phân vùng phía Bắc, gồm thị trấn Hưng Nguyên và 05 xã (Hưng Trung, Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc, Hưng Tây, Hưng Đạo). Diện tích khoảng 7.427,72ha (bằng 46,63% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng động lực trung tâm, phát triển kinh tế tổng hợp, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thương mại và là đầu mối giao lưu với các địa phương lân cận; liên kết chặt chẽ, toàn diện với sự phát triển chung của vùng. Hạt nhân phát triển là thị trấn Hưng Nguyên (đô thị loại V).
Phân vùng 2: Phân vùng phía Nam, gồm 12 xã (Hưng Thịnh, Hưng Mỹ, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Châu Nhân, Xuân Lam, Hưng Nghĩa, Hưng Thành, Hưng Thông, Hưng Tân, Long Xá, Hưng Lĩnh). Diện tích khoảng 8.501,46ha (bằng 53,37% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Hạt nhân phát triển là đô thị Hưng Thịnh và đô thị Long Xá (đô thị loại V).
Định hướng phát triển gồm 03 đô thị: Thị trấn Hưng Nguyên, đô thị Hưng Thịnh, đô thị Long Xá.
Trong phiên họp sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030; nghe báo cáo tình hình nghiên cứu, triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về chủ trương ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Chủ trương tiếp nhận khoản viện trợ các dự án: “Trao quyền và tăng cường tự lực kinh tế cho phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới, mua bán người”; dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại tỉnh Nghệ An”.
Ban Thường vụ cũng đã cho ý kiến phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương năm 2023 và cho ý kiến vào một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Tác giả: PQ
Nguồn tin: nghean.gov.vn