Lần đầu tiên trong lịch sử, 28.000 nhân viên Samsung Electronics xuống đường đình công
- 07:32 31-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Hãng tin CNN cho hay công đoàn đại diện cho hàng chục nghìn công nhân của Samsung Electronics tại Hàn Quốc đã kêu gọi một cuộc đình công kéo dài trong tuần tới. Đây được coi là cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử hình thành của hãng.
Cụ thể, Liên minh Điện tử Samsung Toàn quốc (NSEU) cho biết tổng số thành viên công đoàn này, chiếm 20% lao động Samsung, tương đương 28.000 người sẽ xin nghỉ phép 1 ngày để xuống đường đình công ngày 7/6/2024. Thậm chí công đoàn này còn để ngỏ khả năng xuống đường biểu tình.
Vụ việc diễn ra sau khi các cuộc đàm phán tăng lương thưởng của NSEU với Samsung thất bại.
"Chúng tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của người lao động", đại diện công đoàn NSEU cho hay.
Một nhóm đình công biểu tình trước cửa tòa nhà Samsung Electronics Seocho Building tại Seoul ngày 24/5/2024 |
Lãnh đạo Son Woomok của NSEU cho hay họ đang yêu cầu một hệ thống đo lường mức tăng lương thưởng năng suất một cách minh bạch dựa doanh số bán hàng, đồng thời cam kết tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán thiện chí nhằm nỗ lực đạt được một thỏa thuận.
"Phía công ty không tiếp nhận yêu cầu của chúng tôi và đã cắt đứt liên lạc từ phiên đàm phán gần đây nhất", ông Son khẳng định.
Hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung Electronics đã trải qua 1 năm đầy khó khăn do biến động của thị trường hậu đại dịch. May mắn thay sự bùng nổ của công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) đã thúc đẩy nhu cầu chip nhớ trở lại.
Vào tháng 1/2024, Samsung báo cáo lợi nhuận hoạt động 6.567 nghìn tỷ Won, tương đương 4,8 tỷ USD cho năm tài khóa 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và đồng thời cũng mất luôn ngôi vương hãng sản xuất smartphone lớn nhất toàn cầu.
Thế nhưng vào tháng 4/2024, Samsung lần đầu tiên có mức lợi nhuận hoạt động theo quý tăng hơn 10 lần trong bối cảnh nhu cầu cao về AI và chip bán dẫn.
Trong lịch sử gần 50 năm của mình, Samsung Electronics hầu như không phải đối đầu với các cuộc đình công lớn do phản đối việc thành lập các công đoàn. Chính sách này đến từ nhà sáng lập Lee Buyng Chul, vốn đã qua đời vào năm 1987, khi ông kiên quyết phản đối việc các công nhân thành lập công đoàn của mình.
Một nhóm đình công biểu tình trước cửa tòa nhà Samsung Electronics Seocho Building tại Seoul ngày 24/5/2024 |
Tuy nhiên vào năm 2019, vụ kiện cáo liên quan đến Phó chủ tịch Lee Jae Yong, cháu trai của nhà sáng lập Samsung và cũng là người thừa kế tập đoàn đã tạo cơ hội cho công đoàn thành lập tại công ty này.
Giáo sư Kim Dae Jong của trường đại học Sejong cho hay cuộc đình công của 20% lao động sẽ khá nguy hiểm khi có ảnh hưởng đến toàn bộ tập đoàn trong bối cảnh doanh nghiệp này đang phải dồn toàn lực để hành động nhanh chóng trong mảng bán dẫn.
Ngoài ra, việc ít kinh nghiệm xử lý các cuộc đình công như những hãng khác ở Hàn Quốc cũng là một bất lợi với Samsung.
"Không giống như Hyundai Motor, vốn là công ty phải giải quyết các cuộc đình công gần như hàng năm, ban lãnh đạo Samsung sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng này vì họ chưa bao giờ giải quyết các cuộc đình công trước đây", giáo sư Kim cảnh báo.
Tác giả: Băng Băng
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn