Quy định 144 là cơ sở để lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cử
- 05:32 29-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Ngọc Lương, Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Lương |
PV: Theo ông, vì sao thời điểm này Đảng ta lại ban hành quy định mới về chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên?
TS Vũ Ngọc Lương: Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Đảng ta coi trọng, quan tâm trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Từ thời điểm Bác Hồ chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Bác cũng đã đề cập về tư cách của người cách mệnh.
Năm 1969, trước khi Người đi xa, Người viết tác phẩm đăng trên báo Nhân Dân có nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Điều đó cho thấy, vấn đề đạo đức cách mạng luôn được Bác và Đảng ta quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng Đảng từ khi ra đời đến ngày nay.
Thời điểm Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 cũng là thời điểm kết thúc Hội nghị Trung ương lần 9 khóa XIII, đây là thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, thực trạng trong công tác xây dựng Đảng vừa qua cho thấy, hơn một nửa nhiệm kỳ khóa XIII, rất nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong đó có cả cán bộ cấp cao bị xử lý mà nguyên nhân sâu xa là do vi phạm quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Chính vì lẽ đó, việc Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 tuy không mới, nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
PV: Một trong những chuẩn mực quan trọng ở bất cứ giai đoạn nào mà cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần, nhất là cán bộ giữ chức vụ đó là tinh thần tự giác nêu gương. Tinh thần nêu gương tiếp tục được thể hiện như thế nào trong Quy định 144, thưa ông?
TS Vũ Ngọc Lương: Sự nêu gương được thể hiện cụ thể trong 5 Điều của Quy định 144. Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương trước đối với cấp dưới; cấp ủy nêu gương trước đảng viên; đảng viên nêu gương trước quần chúng.
Để làm sao tổ chức triển khai Quy định 144 tạo nên sức lan tỏa trong hệ thống chính trị, trong cơ quan, đoàn thể, ban ngành, địa phương, kể cả nơi cư trú, phải thực hiện nghiêm túc.
PV: 5 Điều trong Quy định 144 là 5 chuẩn mực cơ bản của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Mỗi chuẩn mực có một vị trí, vai trò và mối quan hệ với các chuẩn mực, phẩm chất khác như thế nào, thưa ông?
TS Vũ Ngọc Lương: Bác luôn căn dặn người cán bộ có tài phải gắn liền với đức, trong đó đức là gốc. Quy định 144 đã quy định 5 điều – đây là những phẩm chất cơ bản của người cán bộ, đảng viên. Nếu thiếu 1 trong 5 tiêu chuẩn đó thì không thể là cán bộ, không thể làm công bộc của dân.
Từ mối liên hệ đó cho nên yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt quy định này. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta không chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục mà cần phải có các giải pháp căn cơ về cơ chế, chính sách pháp luật, về công tác kiểm tra, giám sát, về tự nêu gương, rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong mỗi giai đoạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Làm được như vậy Quy định 144 mới đi vào cuộc sống.
Lâu nay chúng ta ban hành nhiều quy định, kết luận, chỉ thị nhưng khâu triển khai tổ chức thực hiện vẫn thiếu giải pháp căn cơ. Theo tôi, cần giải pháp căn cơ để làm sao mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ trong thực hiện quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
PV: Quy định 144 cũng nêu rõ tinh thần 6 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Trên thực tế, căn bệnh nói mà không làm, bệnh sợ trách nhiệm, ngại thay đổi hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi… đã được đề cập lâu nay. Soi chiếu với thực tế xã hội, ông có bàn luận gì?
TS Vũ Ngọc Lương: Lâu nay, khuyết điểm, hạn chế trong việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đó là giữa lời nói và việc làm còn có khoảng cách. Gần đây, Trung ương đã có quy định về bảo vệ cán bộ trong việc triển khai thực hiện nghị quyết vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cơ quan, đơn vị. Đây là điều rất cần thiết.
Bởi vì thực tiễn công cuộc đổi mới đang có nhiều vấn đề mới đặt ra, nếu cán bộ không có tinh thần “6 dám” thì sẽ dẫn tới sự trì trệ. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám” thì sẽ thành trở lực cho sự phát triển của đất nước.
PV: Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý vi phạm pháp luật, trong đó nguyên nhân cơ bản là vi phạm đạo đức, không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Theo ông, những yêu cầu, tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được đặt ra trong Quy định 144 liệu đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn?
TS Vũ Ngọc Lương: Thực tế hơn nửa nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, số cán bộ, tổ chức đảng vi phạm kỷ luật do nguyên nhân sâu xa là vi phạm nguyên tắc của Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm.
Từ những vi phạm đó dẫn tới hơn 100 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật, có người bị xử lý hình sự, có những người thấy khả năng, uy tín không còn đã chủ động viết đơn xin nghỉ.
Đây là điều đau xót, nhưng không thể không làm vì kỷ cương, phép nước, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, với những sai phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đặt ra, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để làm sao cán bộ, đảng viên luôn tiền phong gương mẫu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
PV: Quy định 144 được công bố đúng thời điểm Hội nghị Trung ương 9 vừa kết thúc với nhiều công việc đặt ra, chuẩn bị cho tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Sau khi Quy định được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng ngay yêu cầu, tiêu chí đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong công tác xem xét, đánh giá, bổ nhiệm và công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới. Ông có bàn luận gì về điều này?
TS Vũ Ngọc Lương: Thời điểm ban hành Quy định này phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, xuất phát từ thực trạng công tác cán bộ, khi hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua rất nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Hơn nữa, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là lựa chọn cấp ủy khóa mới, kể cả cán bộ cấp chiến lược và cán bộ cấp ủy cơ sở.
Quy định 144 để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới, đây phải là những cán bộ vừa có đức vừa có tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tác giả: PV
Nguồn tin: vov.vn