Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mỗi lần bàn bạc, đóng quỹ, sợ nhất 'phụ huynh cá biệt'

Nhiều giáo viên và phụ huynh chia sẻ rằng họ sợ nhất là 'phụ huynh cá biệt' đưa ra ý kiến phản đối số đông, bởi rất khó để xử lý hài hòa.

 Tổ chức tiệc liên hoan, đi dã ngoại... khiến giáo viên áp lực vì phải đảm bảo an toàn cho các con - Ảnh: TRẦN MAI (ảnh minh họa)

Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện thông tin em học sinh lớp 1 không được ăn giống các bạn trong buổi liên hoan cuối năm vì mẹ không đóng tiền quỹ phụ huynh. Câu chuyện thu hút sự quan tâm cùng nhiều ý kiến bình luận trái chiều.

Nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng cần làm rõ sự việc để giáo viên không bị mang tiếng oan. Trong khi đó nhiều ý kiến chia sẻ là sợ nhất những "phụ huynh cá biệt".

Khi phụ huynh... sợ phụ huynh

Anh B. (ngụ TP Quảng Ngãi), có gần 15 năm làm hội trưởng hội phụ huynh, bình luận: "Đọc thông tin trên mạng rất sốc, phải có uẩn khúc gì đó chứ nếu cha mẹ khó khăn không thể đóng quỹ thì còn có cô giáo, hội phụ huynh, người lớn sẽ không để trẻ con mặc cảm".

Theo anh B., nhiều năm làm ở hội phụ huynh, anh luôn gặp những trường hợp có ý kiến bất đồng với số đông phụ huynh khác. Như cuối năm học vừa rồi, lớp tổ chức lễ trưởng thành và tiệc chia tay, chụp ảnh lưu niệm cho các con. Trong nhóm Zalo phụ huynh bàn bạc đóng quỹ để tổ chức, có phụ huynh không đồng ý vì cho rằng không cần thiết.

"Phụ huynh này nói những lời rất khó nghe. Dẫu vậy, trong tiệc liên hoan cháu vẫn được tham gia đầy đủ, không ai để cháu biết chuyện của người lớn", anh B. nhớ lại.

Có hai con đang đi học, anh Đ., một phụ huynh khác, kể trong nhóm phụ huynh lớp con anh có phụ huynh rất cực đoan. Chị này gần như im lặng cả năm, nhưng khi nhóm phụ huynh thông báo đóng 50.000 đồng hay 100.000 đồng tổ chức các hoạt động cho con là chị này lập tức nhắn: "Tôi thấy không cần thiết, trẻ con mới lớp 5 biết gì mà đi chơi".

"Tôi là phụ huynh bình thường đã thấy bực và phản ứng lại khi nghe chị này ý kiến. Dù chị này kiên quyết không đóng quỹ, nhưng đến hôm lớp đi chơi, đại diện hội phụ huynh vẫn liên lạc xin phép cho con chị được đi cùng lớp", anh Đ. kể lại.

Cả anh B. và anh Đ. đều nói rằng "phụ huynh cá biệt" không phải hoàn cảnh khó khăn, mà đều có kinh tế khá giả, việc làm ổn định. Có thể do họ đọc báo thấy có những khoản đóng góp vô lý nên sinh ra "dị ứng". Họ không đồng ý đóng quỹ, còn gửi kèm đường link bài báo vụ đóng quỹ sai quy định.

"Phụ huynh có quyền phản ứng với việc thu quỹ. Nhưng đóng quỹ để tổ chức cho con mình hoạt động tập thể mà cũng cho là vô lý thì nên xem lại. Ngoài ra phụ huynh cũng phải thấy là với các cháu có hoàn cảnh khó khăn, hội phụ huynh sẽ không thu", anh Đ. tâm tình.

Nói thêm, anh Đ. kể có hai học sinh cùng lớp con mình có hoàn cảnh khó khăn, sống cùng ông bà (cha mẹ các cháu ly dị). Dù thuộc diện không thu, nhưng cháu tự đi làm thêm ngoài giờ và nộp đủ như bạn bè.

Khi tổng hợp, phát hiện lớp có 42 bạn đều đóng đủ. Sau khi kiểm tra, biết chuyện các cháu tự đóng, hội phụ huynh đã gửi lại số tiền cho ông bà của hai em.

 Nhóm học sinh được giáo viên đưa đi dã ngoại - Ảnh: TRẦN MAI (ảnh minh họa)

Tổ chức hoạt động cho học sinh là gánh thêm trách nhiệm

Đọc trên mạng câu chuyện "con nhìn bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng tiền quỹ phụ huynh", cô H., từng công tác ở trường khó khăn trên miền núi và mới chuyển về đồng bằng hai năm, chia sẻ: "Tôi hỏi nhiều đồng nghiệp, không ai thấy tình huống như vậy, trừ trường hợp có ý kiến của phụ huynh không muốn con họ tham gia".

Cô H. cho biết hơn 10 năm công tác, cô và đồng nghiệp không ngại học sinh cá biệt, mà "mệt" những phụ huynh có ý kiến khác với mọi người.

"Quỹ phụ huynh là cha mẹ tự cho ý kiến và đóng, giáo viên không dám chen vào. Nhưng nói thật, tổ chức cho các em thì giáo viên gánh thêm trách nhiệm. Ví dụ tổ chức cho các em đi chơi thì điểm đi chơi phải an toàn, thức ăn phải đảm bảo... Không may có chuyện gì là giáo viên bị ban giám hiệu kiểm điểm hoặc kỷ luật", cô H. tâm sự.

Cô H. chia sẻ có lần lớp của một đồng nghiệp cô tổ chức liên hoan cho các con. Phụ huynh bàn bạc và chốt đóng quỹ 70.000 đồng. Khi thông báo thực đơn, một phụ huynh ý kiến uống nước ngọt ảnh hưởng đến sức khỏe con.

Đại diện hội phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm điều chỉnh sang nước ép mua ngoài quán thì chị này đồng ý, nhưng thoòng một câu khiến giáo viên "mất ăn mất ngủ": "Nước ép thì được nhưng phải đảm bảo đừng để xảy ra ngộ độc".

"Dù là ý kiến đúng nhưng lại đẩy áp lực lên giáo viên. Bạn đồng nghiệp tôi phải bàn với đại diện hội phụ huynh, cuối cùng thông báo con chị ấy sẽ uống nước suối đóng chai. May là cháu vẫn vui vẻ khi nước của mình khác với các bạn", chị H. nhớ lại tình huống khó xử.

Tác giả: TRẦN MAI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ