Nghệ An: Dịch châu chấu phá hoại hoa màu, cây trồng ở huyện Tân Kỳ
- 13:51 24-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những năm gần dây, cứ đến tháng 5 tháng 6 dương lịch, người dân ở xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại đứng ngồi không yên với nạn dịch châu chấu phá hoại cây trồng.
Thăm vườn ngô của mình, anh Lục Văn Hòa (54 tuổi) ngao ngán vì cây ngô chưa kịp trổ bông đã bị châu châu ăn sạch lá. Chưa kể vườn mía, vườn cỏ sữa ở gần nhà cũng chỉ còn trơ trọi phần gân lá.
Đàn châu chấu bắt đầu rời rừng tre nứa tràn vào vườn rau màu gần khu dân cư |
“Năm nay châu chấu tràn vào vườn rau màu, cây trồng người dân rất sớm. Những năm trước, phải từ giữa tháng 6, châu chấu mới tràn tới phá hoại ở khu vực gần nhà dân. Năm nay, nhiều vườn tre mét đã bị châu chấu vặt trụi lá, đợt châu chấu này có tốc độ phá hoại cây trồng khá nhanh. Những con châu chấu chưa trưởng thành chúng chỉ nhảy được gần và tốc độ di chuyển chậm. Người dân cũng đã dùng đèn soi ban đêm đi vợt châu chấu chưng không hiểu quả lắm", anh Hòa cho biết.
Sáng 22/5, có mặt tại khu vực xóm 7 xã Nghĩa Bình, PV ghi nhận nhiều vườn cây hoa màu, vườn mét của người dân đã bị châu chấu phá hoại. Nhiều vườn tre mét đã bị châu chấu ăn sạch lá trơ lại cành; nhiều vạt mía, vườn ngô, cỏ sữa cũng đã bị ăn chỉ còn trơ lại gân lá. Mật độ châu chấu nằm trên lá ngô, cỏ sữa khá dày đặc. Trên cùng một khu vườn nhưng có nhiều lứa châu chấu, có lứa đã trưởng thành đủ lông cánh bay khá xa, có lứa mới chỉ to bằng đầu đũa chưa có cánh.
Mật độ châu chấu trên một lá ngô, cỏ sữa khá dày đặc
|
Nhìn vườn mía bị châu chấu vặt trụi chỉ còn lại phần gân lá, chị Lương Thị Dừa (55 tuổi), buồn bã cho biết mới chỉ có 3 ngày mà vườn mía đã bị châu chấu vặt sạch lá, chưa kể đàn châu chấu đang tiến gần về phía vườn cỏ sữa của nhà. Từ khi châu chấu bắt đầu bay vào vườn người dân trong xóm cũng đã vận động nhau dùng vợt bắt nhưng không thể hết. Mật độ hàng chục con trên một phiến lá mía, cỏ sữa.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình thông tin, ngay từ đầu tháng 3, xã đã cấp phát thuốc cho người dân đem về tự phun tiêu diệt lúc châu chấu còn nhỏ. Tuy nhiên, châu chấu ở các khu vực rừng giang nứa tràn về bắt đầu phát triển mạnh hơn. Xã cũng đã kết hợp với các lực lượng chức năng phun thuốc tiêu diệt châu chấu đồng thời vận động người dân tìm cách bắt thủ công để hạn chế sự di chuyển phá hoại hoa màu, cây trồng.
Cây mía chỉ còn trơ lại phần gân lá khi đàn châu chấu tràn về phá hoại |
Tác giả: Hà Thủy
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn