Khi biết Phần rẽ vào, rồi gắn bó với đề tài nông thôn, chúng tôi hơi ngạc nhiên nên theo dõi các phim của anh rất kỹ. Và rồi... tâm phục khẩu phục. Nhưng có lẽ cái tình bạn khởi lên từ số 4 Thụy Khuê đối với chúng tôi mới quan trọng. Dù không cùng làm việc nữa, và tuy có cộng tác với nhau trong một dự án hiếm hoi, nhưng chúng tôi vẫn thường cà phê cà pháo với nhau và buôn chuyện khá chân tình. Đi du lịch cùng nhau trong nhóm bạn chung, và chia sẻ mọi điều về cuộc sống... Khi anh bắt đầu có biểu hiện bệnh, lại thường gặp nhau hơn. Hoặc khi không thể gặp lại gọi hỏi nhau với sự lo lắng thảng thốt...
Vậy mà khi biết anh vừa "đi", vẫn lặng người, dù không có bất ngờ nào cả. Chỉ là vẫn cứ hy vọng anh nhập viện, rồi lại ra viện như nhiều lần trước đó.
Thôi thì... ai cũng có một cách để ra đi. Quy luật không thể tránh khỏi. Mong là anh đã thanh thản, chấm dứt mọi lo âu đau đớn.
Vĩnh biệt Anh - NSND Nguyễn Hữu Phần. Anh đi thanh thản nhé".Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hà Nội, quê gốc ở Văn Giang, Hưng Yên, là con út trong gia đình có 6 anh chị em; ông mồ côi bố khi mới 3 tuổi. Con trai ông là đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, được biết đến với "Người thổi tù và hàng tổng" và "5S online".
Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, ra trường làm giáo viên dạy văn cho đến một lần ông tới chơi với một người bạn thân đang công tác tại Xưởng phim truyện, ông bị hấp dẫn bởi công việc sản xuất phim. Nguyễn Hữu Phần quyết định bỏ nghề giáo viên và bắt đầu làm thư ký cho các đạo diễn Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyến, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ.
Năm 1979, ông cùng với Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu trở thành sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Năm 1980, ông làm phó đạo diễn của bộ phim điện ảnh "Tội lỗi cuối cùng" và được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc này đảm nhận viết nhạc cho bộ phim. Cuối thập niên 1980, ông tìm lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ngỏ ý sản xuất phim dựa trên cuộc đời nhạc sĩ này. Năm 1990, ông nộp kịch bản nhưng bị Hãng Phim truyện Việt Nam từ chối sản xuất và bị cho là nội dung mơ hồ, kịch bản bị bỏ không mất hai năm.
Năm 1992, với sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam, ông cùng Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn thành lập Trung tâm Điện ảnh Trẻ; vì các đạo diễn trẻ thời bấy giờ có quá ít cơ hội trổ tài, nên họ quyết định làm phim độc lập. Cùng năm này, ông sản xuất bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" và tự đưa phim đi quảng bá và thành công lớn, với 4 giải Bông sen bạc và giải dành cho Nam diễn viên chính, Âm nhạc và Biên kịch. Năm 1994, ông được đạo diễn Khải Hưng mời về Hãng phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam, bắt đầu với "Lẽ nào anh lại quên", bộ phim đầu tiên của chương trình Văn nghệ Chủ nhật. Năm 1996, bộ phim "Những mảnh đời của Huệ" do ông đạo diễn được khán giả yêu thích, đây cũng là bộ phim dài tập đầu tiên của chương trình này.
Năm 2000, ông nhận lời các nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Khuất Quang Thuỵ và Đạo diễn Phạm Thanh Phong rủ làm phim "Đất và người", kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Sau thành công của "Đất và người", ông tập trung làm phim về đề tài nông thôn và rất thành công như "Ma làng", "Gió làng Kình", "Làng ma 10 năm sau"... Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.
Ngoài làm đạo diễn ông còn là giảng viên dạy lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Tác giả: Hà Phương