Những ký ức và lời căn dặn của Bác mãi là hành trang theo năm tháng
- 08:42 18-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thầy giáo Lê Đức Dương kể về ký ức và lời căn dặn của Bác Hồ trước khi đi học nước ngoài. (Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN) |
"Những ký ức đẹp và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hành trang đi theo suốt những năm tháng sinh sống, học tập và làm việc tại Đức, quê hương thứ hai của tôi" là lời bộc bạch của thầy giáo Lê Đức Dương trong buổi tiếp đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đến thăm gia đình ông nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh “vị cha già dân tộc Việt Nam”
Trò chuyện trong khung cảnh yên tĩnh của ngôi nhà nằm cách trung tâm Berlin khoảng nửa tiếng lái xe, ông Lê Đức Dương chia sẻ ông là người may mắn khi vinh dự được gặp Bác Hồ khi còn là cậu học sinh chuẩn bị được cử đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1955. Hình ảnh người cha già dân tộc luôn trong trái tim, đặc biệt mỗi khi gặp việc khó hay thử thách, ông đều nhớ đến lời dạy của người.
Sự vui mừng và phấn khởi dường như không giấu được trên khuôn mặt ông, một người mà có cả giọng nói, tính cách đều trẻ trung hơn so với tuổi 85 của mình, ông kể: “Có thể rất nhiều người được gặp Bác Hồ, nhưng vinh dự gặp Bác cả ở trong nước và nước ngoài thì không phải ai cũng có được may mắn ấy.”
Đó là một buổi sáng tháng 8/1955, thời điểm đang chuẩn bị cho hành trình du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, những cô cậu học sinh có trong danh sách lên đường được thầy cô thông báo “mặc quần áo đẹp nhất, chỉnh tề nhất” đến tập trung.
Chỉ đến sau khi được các anh phụ trách đến và dẫn sang trường Chu Văn An, để từ đó tất cả đi bộ đến Phủ Chủ tịch, mọi người mới lờ mờ biết hôm nay được gặp Bác Hồ, nghe Bác nói chuyện và căn dặn trước khi lên đường sang Đức.
Niềm vui vỡ òa khi được nhìn thấy Bác. Không ai bảo ai, mọi người cùng đứng dậy vỗ tay và reo lên sung sướng. Sau câu nói: “Các cháu ngồi xuống,” Bác bắt đầu chuyện trò và căn dặn. Những cử chỉ âu yếm, lời nói ân cần: “Đảng và Chính phủ đã chọn các cháu, cử các cháu đi học, các cháu phải nỗ lực để sau này về giúp đất nước,” sau này đã in đậm trong tâm thức của cô cậu học trò ngày ấy.
Rồi Bác tặng quà, đơn giản chỉ là chiếc bánh, cái kẹo, nhưng không ai muốn ăn và chỉ muốn giữ cho riêng mình. Với mỗi người, món quà ấy như một “kỷ vật quý” có giá trị tinh thần thật lớn.
Ông Lê Đức Dương (bên phải) chia sẻ với Đại sứ Vũ Quang Minh và đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam về kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ, (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Ông Dương bồi hồi nói: “Có rất nhiều người trong số các bạn tôi đã cất giữ và mang món quà ấy trong suốt hành trình du học tại Đức.” Ông xúc động kể thêm rằng, ngoài món quà giống các bạn, ông còn tự hào hơn khi được tặng huy hiệu Bác Hồ nhờ những thành tích học tập và nỗ lực xuất sắc.
Ông chia sẻ: “Chiếc huy hiệu đó đã đi theo tôi rất nhiều năm tháng, chỉ tiếc rằng nó đã bị thất lạc sau những năm chiến tranh phải di chuyển nhiều nơi.”
Những hình ảnh về hai lần được gặp Bác vẫn được ông Dương lưu giữ một cách cẩn thận. Ông vừa chỉ và giải thích từng nhân vật hoặc câu chuyện trong ảnh. Mỗi bức ảnh đều mang giá trị lịch sử khác nhau.
Ông bày tỏ: “Đối với mỗi người Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần trong đời, nhưng đối với ông, niềm hạnh phúc đó lại được nhân đôi khi sau hai năm học tập tại Moritzburg, bang Sachsen của Đức, ông lại được gặp Bác, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Đức theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Wilhelm Pieck khi ấy.
Ông Dương nhớ lại, hôm đó, trong một buổi lễ chào cờ, ông cùng các bạn nhận được thông báo sẽ đón Bác Hồ đến thăm trường Kathe Kollwitz, nơi ông cùng khoảng 350 học sinh từ 9-15 tuổi được gửi sang học tập từ năm 1955.
Khỏi phải nói, trong suốt một tuần, các học sinh Việt Nam ngoài học tập còn nỗ lực tập luyện, dàn dựng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, công phu, từ múa sạp, đến hò kéo pháo... để đón Bác. Ai cũng muốn cho Bác thấy nỗ lực học tập và rèn luyện như thế nào sau lời căn dặn của Người.
Trong buổi đón tiếp ấy, không chỉ có học sinh trường Kathe Kollwitz mà có cả các bạn trường Maxim Gorki, cùng các anh chị sinh viên đang học ở vùng Dressden lúc đó. Tại đây, Người một lần nữa căn dặn: “Các cháu cứ yên tâm học tập, chăm ngoan, để sau này trở thành người có ích, giúp xây dựng nước nhà.”
Gần 70 năm đã trôi qua kể từ lần gặp đầu tiên, ông Dương và những người bạn cùng học thời đó vẫn mang theo mình một hành trang với lời căn dặn của Bác. Theo mạch cảm xúc về Bác, ông nói: “Gần 85 tuổi, hơn 65 năm học tập và làm việc, cho đến nay, tôi và các bạn có thể tự hào khi nói rằng đã làm được một trong những lời dạy của Bác, đó là học thật tốt và làm việc thật tốt.”
Với cá nhân ông, sau khóa học nghề về nước năm 1962, ông tiếp tục học tập và thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông trở lại Cộng hòa Dân chủ Đức, học Đại học Kỹ thuật Magdeburg (1965-1970), sau đó trở về nước làm việc gần 20 năm tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Cho đến sau này, khi trở lại Cộng hòa Dân chủ Đức vào cuối năm 1988, dù làm việc bất kỳ ở đâu trên cương vị công tác nào, lời căn dặn ngày ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị như những ngày đầu.
Hai lần gặp Bác và những kỷ niệm khó quên ấy đã để lại cho ông Dương và các bạn rất nhiều suy nghĩ về tinh thần kỷ luật đối với lao động và học tập. Suốt những năm tháng sau này, câu chuyện về “sống có ích cho xã hội” được ông nhiều lần kể lại, không chỉ với người Việt Nam mà cả những người bạn Đức sống và làm việc bên cạnh ông những năm tháng sau này.
Những ký ức và ảnh hưởng của Người sẽ mãi là niềm tự hào với cá nhân ông cũng như với tất cả những người yêu Việt Nam và biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta nói chung./.
Tác giả: Phương Hoa
Nguồn tin: vietnamplus.vn