Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo: 'Chỉ được thêm chứ không mất gì!'

Ông Nguyễn Vinh Hiển, thành viên nhóm chuyên gia của dự thảo Luật Nhà giáo, khẳng định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bên lề tọa đàm về dự án Luật Nhà giáo vào ngày 17-5.

 Dự thảo Luật Nhà giáo có một chương quy định về cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề với nhà giáo - Ảnh: VĨNH HÀ

Nhà giáo đang làm nghề sẽ đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm, giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề - sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.

Giải thích này của ông Đức giải tỏa nỗi lo cho nhiều nhà giáo về việc "thêm một giấy phép con". Riêng những nhà giáo thuộc diện tuyển mới sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nhà giáo nghỉ hưu, nhà giáo là công dân nước ngoài nếu có nhu cầu được cấp chứng chỉ để giảng dạy tại Việt Nam cũng được cấp chứng chỉ.

Trao đổi thêm bên lề, ông Nguyễn Vinh Hiển, thành viên nhóm chuyên gia, cho rằng "việc cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo chỉ có được chứ không mất gì. Việc cấp chứng chỉ không gây khó cho nhà giáo đang hành nghề vì đương nhiên họ được cấp".

"Những nhà giáo tuyển dụng mới phải trải qua một kỳ sát hạch, sau khi được cấp chứng chỉ sẽ không phải trải qua giai đoạn tập sự khi thay đổi nơi làm việc. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo sẽ được nâng lên.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề thuận tiện cho nhà giáo ra nước ngoài làm việc hoặc nhà giáo ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc", ông Nguyễn Vinh Hiển nói.

Ông Đức cũng cho biết trên thực tế đang có tình trạng người không phải nhà giáo vẫn tổ chức dạy học, nhất là dạy trên mạng xã hội. Vì thế việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ hạn chế tình trạng này.

Nhà giáo đã "mừng hụt" rất nhiều rồi

Dự thảo Luật Nhà giáo có một chương về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Trong đó khẳng định tiền lương của nhà giáo (gồm lương, phụ cấp) được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Quy định về tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo không có sự phân biệt giữa các nhà giáo làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập với các loại hình khác và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách.

Nhà giáo công tác ở ngành, lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng một chính sách có mức cao nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, chính sách thu hút nhà giáo, quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tại tọa đàm, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của vấn đề đang đặt ra là "lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp" vì trong nhiều thập kỷ qua, việc này đã được đặt ra nhưng thực tế không làm được.

"Nhà giáo mừng hụt nhiều rồi", một nhà báo đặt vấn đề tại tọa đàm. Nhiều ý kiến khác cũng mong muốn bộ giải thích cụ thể hơn về đề xuất tiền lương và tính khả thi của lần đề xuất này.

Trao đổi về việc này, ông Vũ Minh Đức cho biết bộ đã cố gắng đề xuất điều chỉnh chính sách tiền lương giáo viên với mong muốn cải thiện tốt hơn.

"Tiền lương mới sẽ không thấp hơn mức tiền lương cũ", ông Đức khẳng định nhưng không nêu cụ thể.

Nhiều điểm mới

Chủ trì tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng không phải mọi vấn đề báo chí hỏi, bộ có thể trả lời ngay tại tọa đàm, mà sẽ lắng nghe, tiếp thu để nghiên cứu và tiếp tục đề xuất điều chỉnh.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định nhiều nội dung mới so với các quy định hiện hành.

Cụ thể là quy định cụ thể về định danh nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, những hành vi bị cấm.

Bên cạnh các nội dung nhằm tôn vinh, bảo vệ nhà giáo, dự thảo cũng đưa vào những nội dung mang tính đặc thù thể hiện quan điểm nghiêm khắc hơn với hoạt động của nhà giáo. Đơn cử như không vi phạm liêm chính khoa học, không vi phạm đạo đức…

Ông Vũ Minh Đức cho rằng đây là những điểm khác biệt với quy định về viên chức ngành nghề khác.

Luật Nhà giáo được đề xuất xây dựng từ năm 2018, đến nay dự thảo đang được công bố rộng rãi và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10-2024.

Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết bộ với tư cách là đơn vị dự thảo luật đã tổ chức cả trăm hội thảo, ghi nhận hàng ngàn ý kiến góp ý của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tác giả: VĨNH HÀ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ