Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhìn lại 5 vụ ám sát chính trị gia chấn động thế giới

Mới đây, Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị thương do trúng đạn trong một vụ ám sát được cho là mang động cơ chính trị. Trước đó, nhiều vụ ám sát chính trị gia từng xảy ra gây chấn động thế giới.

1. Thủ tướng Slovakia Robert Fico

Vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Fico xảy ra sau một cuộc họp nội các hôm 15/5/2024. Khi Thủ tướng Slovakia đang gặp gỡ người ủng hộ bên ngoài Nhà Văn hóa ở thị trấn Handlova, cách thủ đô Bratislava khoảng 150km về phía đông bắc, thì Juraj Cintula, 71 tuổi đến từ Levice, bất ngờ rút vũ khí và bắn 5 phát đạn vào ông Fico ở cự ly gần. Ông Fico nhanh chóng được đưa tới bệnh viện bằng trực thăng.

 Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị trúng đạn khi đang gặp gỡ những người ủng hộ bên ngoài Nhà Văn hóa ở thị trấn Handlova. Ảnh: AP. 

Sáng 16/5, Phó Thủ tướng Slovakia Tomas Taraba cho biết ông Fico "không còn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng vào thời điểm này. "Theo những gì tôi biết, ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và ông ấy sẽ sống", ông nói với BBC.

Vụ ám sát Thủ tướng Fico được cho là mang "động cơ chính trị". Hiện, các nhà chức trách Slovakia đang mở cuộc điều tra để làm rõ động cơ gây án của hung thủ.

Trước đó, nhiều vụ ám sát chính trị gia từng xảy ra gây chấn động thế giới.

2. Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Vào khoảng 11h30 ngày 8/7/2022 (giờ địa phương), cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn trúng hai phát đạn vào ngực và cổ khi đang phát biểu vận động bầu cử bên ngoài một nhà ga ở thành phố Nara.

Tuy được đưa đến bệnh viện cấp cứu, ông Abe qua đời sau hơn 5 tiếng cầm cự do mất quá nhiều máu. Cảnh sát đã bắt hung thủ Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, từng làm việc cho lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản trong ba năm cho đến khoảng năm 2005.

 Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị ám sát. Ảnh: Reuters. 

Tetsuya dùng súng tự chế bắn cựu Thủ tướng Nhật vì nghĩ ông có liên quan đến một tổ chức tôn giáo mà mẹ mình quyên góp rất nhiều tiền dẫn đến phá sản.

3. Cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi

Ngày 31/10/1984, cả thế giới chấn động trước tin nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi bị hai lính cận vệ ám sát ngay tại tư dinh ở thủ đô New Delhi.

Vào lúc khoảng 9h20 ngày hôm đó, bà Indira đi bộ từ phòng riêng, xuyên qua khuôn viên tư dinh để sang phủ thủ tướng gặp nam diễn viên người Anh Peter Ustinov, người đã đặt hẹn phỏng vấn bà cho một bộ phim tài liệu của truyền hình Ireland.

 Ảnh: Hindustan Times.

Lúc đi bộ đến lối vào phụ có trạm gác do 2 vệ sĩ người Sikh là Satwant Singh, 22 tuổi, và Beant Singh, 35 tuổi, canh giữ, bà đã mỉm cười gật đầu chào họ; nhưng thay vì đứng nghiêm giơ tay chào đáp lễ theo quy định, 2 kẻ này lại rút súng ra nhắm vào nữ Thủ tướng.

Cụ thể, Beant dùng súng lục bắn 3 phát đạn vào bụng bà Indira, trong khi Satwant nã cả băng đạn từ súng tiểu liên vào người nữ Thủ tướng.

Dù nữ Thủ tướng Indira Gandhi được nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu, bà đã không qua khỏi do các vết thương quá nặng. Bà Indira qua đời vào lúc 13h20 ngày 31/10/1984, thọ 67 tuổi.

4. Cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee

Khi tiếng tăm của ông Park Chung-hee giảm dần qua nhiệm kỳ (từ 1963 đến 1979), ông vài lần trở thành mục tiêu của một số nỗ lực ám sát. Vào tháng 10/1979, ông Park bị Cục trưởng Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc bắn chết trong nhà hàng gần tư dinh nơi ông sống.

 Lễ tang của ông Park Chung-hee. Ảnh: Yonhap. 

Kẻ ám sát ông Park Chung-hee là Kim Jae Kyu, một người bạn lâu năm của vị Tổng thống Hàn Quốc này. Kim nổ súng sau cuộc tranh cãi gay gắt trong khi dùng bữa tối. Ngoài ra, vệ sĩ, tài xế và bốn người khác cũng bị bắn chết.

Kim bị tử hình vào ngày 24/5/1980 nhưng động cơ ám sát đến nay vẫn chưa rõ ràng. Theo một số suy đoán, Kim hy vọng cái chết của Tổng thống sẽ giúp khôi phục các quyền tự do dân chủ mà ông Park từng bước thực hiện trong suốt 18 năm cầm quyền.

5. Cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy

Trước khi chuẩn bị cho tái tranh cử, Tổng thống John F. Kennedy và vợ, Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, tới Texas vào ngày 22/11/1963 trong chuyến thăm hai ngày nhằm giải tỏa những bất hòa trong nội bộ Đảng Dân chủ ở bang này.

Lúc 12h30 ngày hôm đó, khi vợ chồng Tổng thống Kennedy đang ngồi trên chiếc xe mui trần đi dọc thành phố Dallas và chào người dân, hai tiếng súng vang lên, trúng đầu và cổ Tổng thống Mỹ. Ông được đưa tới bệnh viện sau khi trúng đạn nhưng không qua khỏi.

 Giây phút trước khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát. Ảnh: BBC.  

Lee Harvey Oswald, một cựu lính thủy quân lục chiến, bị cáo buộc gây ra vụ ám sát. Hai ngày sau, Oswald bị Jack Ruby, quản lý một hộp đêm địa phương, giết chết khi đang được giải từ chỗ tạm giam về nhà tù.

Sau nhiều tháng điều tra, Chánh án Mỹ kết luận Oswald một mình lên kế hoạch ám sát ông Kennedy. Tuy nhiên, tranh luận vẫn nổ ra nhiều năm sau đó về việc liệu có tay súng thứ hai nào liên quan hay đây có phải là một phần của thuyết âm mưu lớn hơn hay không...

Tác giả: An An (Tổng hợp)

Nguồn tin: kienthuc.net.vn