Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phấn đấu đến tháng 6/2024 không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân vốn đầu tư công

Là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Thông báo số 360/TB-UBND ngày 14/5 về kết luận tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tổ chức vào ngày 8/5.

Phải xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo

Sau khi nghe báo cáo của Sở KH&ĐT, ý kiến của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, ý kiến của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các ngành, các cấp, các đơn vị cần xác định vai trò, vị trí của vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, là vốn mồi thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Phải xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các huyện, các chủ đầu tư bám sát kế hoạch, cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra (bao gồm vốn của năm 2024 và vốn kéo dài của các năm trước); thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; hàng tháng có đánh giá thực hiện cam kết để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch...

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả. Tăng cường năng lực và thường xuyên đôn đốc hoạt động của các Ban quản lý dự án, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, chủ động thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, từng quý; bám sát, nắm chắc tình hình triển khai từng dự án, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đối với các dự án không có vướng mắc, các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời. Đối với các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục, các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời, có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Tổ công tác tiếp tục hướng dẫn các huyện xử lý vướng mắc theo phương châm cầm tay, chỉ việc. Các địa phương quan tâm các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình.

Phấn đấu đến tháng 6/2024 không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân (0%) (Riêng Sở Nội vụ bắt đầu giải ngân trong tháng 7/2024). Đến tháng 9/2024 tất cả các dự án phải xong hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công. Việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện, các chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng cam kết giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tình hình thực tế... Từ tháng 6/2024, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời hàng tháng. Các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân (0%) kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (Sở GT&VT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Công an tỉnh) tập trung ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn tối đa cho các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, thẩm định các quy trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Sở TN&MT kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng hàng tháng làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Ban Dân tộc tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung theo dõi, đôn đốc, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, nhất là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghiên cứu và tham khảo để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội bảo đảm hiệu quả và đúng quy định.

Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trong năm 2024.

Đối với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa phê duyệt quyết định đầu tư, các ngành, các địa phương và chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, hoàn thành trước ngày 31/7/2024.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, các ngành, các địa phương và chủ đầu tư chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng kế hoạch kịp thời, hiệu quả.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn