Sự thật về 'làm đẹp bằng tế bào gốc'
- 16:04 14-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
BSCKII Trần Ngọc Phương - Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân. |
Vấn đề là nó có thật sự có phép nhiệm màu như những “quảng cáo có cánh”?
Sáng làm đẹp, tối mặt sưng húp
Mặt sưng, mắt húp, cảm thấy đau nhức khắp vùng mặt là tình trạng của chị H.N.T. (35 tuổi, ngụ TPHCM) sau một ngày thực hiện tiêm tế bào gốc Hàn Quốc để trẻ hóa da tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn TPHCM.
Chị T. kể, khi đến thẩm mỹ viện, chị được tư vấn làm gói trẻ hóa làn da bằng phương pháp tiêm tế bào gốc, sản phẩm của Hàn Quốc. Cơ sở thẩm mỹ cam kết thực hiện bằng công nghệ cao, do đội ngũ bác sĩ có tay nghề thực hiện.
“Thẩm mỹ viện cho tôi xem những hình ảnh các khách hàng đã thực hiện. Họ đưa ra những lời tư vấn rất mượt, tôi đồng ý tiêm. Cái tôi nhận được là… sau đó phải đến bệnh viện để xử lý hậu quả”, chị T. chia sẻ.
Cũng đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM trong tình trạng da nổi cục, sần khắp mặt, chị V.H.P. (46 tuổi, ngụ Biên Hòa) cho biết, đã tiêm tế bào gốc ở quê nhà.
“Sản phẩm do tôi tự đặt mua trên mạng, sau đó nhờ một spa nhỏ gần nhà thực hiện. Họ chỉ lấy công, không lấy tiền thuốc. Sau tiêm, mặt tôi nổi cục rất nhiều. Tôi được tư vấn, là phản ứng bình thường và sẽ biến mất sau vài ngày. Hơn 2 tuần sau, mặt tôi lên nhiều mề hơn, những vết cũ mãi không tan. Cảm thấy khó chịu và mất thẩm mỹ nên tôi quyết định đi TPHCM thăm khám”, chị P. nói.
Rất may, cả hai trường hợp trên đều đến cơ sở y tế sớm nên qua quá trình tích cực điều trị, các triệu chứng dần mất đi. Người gặp “tai nạn thẩm mỹ” đã có thể quay lại với cuộc sống thường nhật.
Chưa có cơ sở y tế nào được cấp phép
BSCKII Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, thực tế một số nước trên thế giới vẫn đang nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý da miễn dịch và hệ thống như vảy nến, xơ cứng bì hệ thống, ly thượng bì bóng nước hay ung thư da… Riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ, tế bào gốc cũng được nghiên cứu để điều trị tình trạng lão hóa da, sẹo xấu, sẹo bỏng...
Theo BS Phương, việc ứng dụng tế bào gốc trong da liễu nói chung và thẩm mỹ, chăm sóc da nói riêng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có nhiều chứng cứ khoa học rõ ràng về hiệu quả và tính an toàn của tế bào gốc trước khi áp dụng điều trị rộng rãi cho bệnh nhân.
“Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ”, BS Phương khẳng định.
BS Phương cho biết thêm, sản phẩm mà các thẩm mỹ viện, spa tiêm cho 2 bệnh nhân (như đã nêu ở trên) bản chất chỉ được dán nhãn và gọi tên là “tế bào gốc”. Thực tế, không hề có bất cứ một tế bào gốc sống nào trong sản phẩm. Nguyên nhân gây ra tai biến có thể do các thành phần có trong sản phẩm tiêm vào da gây phản ứng trên cơ thể.
Tìm kiếm với từ khóa 'tế bào gốc', xuất hiện hàng loạt sản phẩm với đủ các nhãn hiệu mức giá |
Quy trình thực hiện nghiêm ngặt
Đánh giá về sự nghiêm ngặt của việc lấy tế bào gốc, BS Phương nhận định, quy trình để tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc phải thực hiện trong các điều kiện bảo quản đặc biệt, cực kỳ nghiêm ngặt. Điều này chỉ có thể được tiến hành tại các phòng thí nghiệm có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tế bào gốc có nguồn gốc tự thân dù được đánh giá sẽ tránh được rủi ro các phản ứng miễn dịch khi đưa ngược vào cơ thể, nhưng sản phẩm cần các điều kiện tách chiết và nuôi cấy đúng chuẩn. Vì đó, chi phí để thực hiện, lưu trữ các tế bào gốc tự thân này khá cao, không khả thi cho tất cả các bệnh nhân.
Nếu tế bào gốc không phải tự thân hoặc được lấy và xử trí không đúng sẽ sinh ra các phản ứng dị ứng và tình trạng đào thải, viêm nhiễm thêm cho người nhận. Cũng tương tự, với các sản phẩm chiết xuất có nguồn gốc thực vật vẫn có những nguy cơ phản ứng dị ứng nhất định khi sử dụng.
Trên các trang mạng xã hội tràn lan các sản phẩm không rõ nguồn gốc với những quảng cáo về công dụng rất 'thần kỳ'. |
BS Phương lưu ý, thực tế tất cả các sản phẩm dạng tiêm hay bôi trên thị trường đều không chứa tế bào gốc. Lý do, do tế bào gốc không thể sống được trong môi trường bình thường. Do vậy, thuật ngữ tế bào gốc mà các nhãn hàng sử dụng là chưa chính xác.
Thực chất, các sản phẩm chỉ chứa các chất tiết ngoại bào, các yếu tố tăng trưởng ngoại bào. Phát triển các sản phẩm chăm sóc da dựa trên chiết xuất tế bào gốc thực vật đang là xu hướng mới nổi hiện nay. Một số sản phẩm mỹ phẩm cũng được quảng cáo dựa trên thuật ngữ có chứa tế bào gốc thực vật.
Quảng cáo như vậy khiến người nghe thấy có vẻ lành tính, nhưng bản chất không tồn tại tế bào gốc sống nào trong sản phẩm mà chủ yếu là các chất tiết ngoại bào. Bên cạnh đó, tế bào gốc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trong điều kiện môi trường bình thường, nên không thể có các sản phẩm gọi tên “tế bào gốc” được bán rộng rãi trên thị trường như hiện nay.
Nhìn chung, tế bào gốc vẫn là hướng điều trị có nhiều hứa hẹn ở tương lai trong việc chống lại sự lão hóa da tự nhiên. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có cơ sở nào được cấp phép thực hiện tế bào gốc trong việc làm đẹp nên mọi người cần cân nhắc, tránh trường hợp tiền mất, tật mang.
Tế bào gốc là tế bào tiền thân có mặt trong nhiều mô với khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Đặc tính linh hoạt này rất có ý nghĩa, được nghiên cứu và ứng dụng trong việc chữa bệnh trong vài thập kỷ qua. Liệu pháp tế bào gốc hiện được sử dụng để điều trị một số bệnh da liễu bao gồm xơ cứng bì hệ thống, lupus ban đỏ hệ thống, rụng tóc, ung thư biểu mô tế bào merkel, pemphigus thông thường, bệnh vẩy nến, chữa lành vết thương, ly thượng bì bóng nước… |
Tác giả: Lâm Ngọc
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn