Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mái ấm Mầm Xanh của bệnh nhi ung thư

Cách Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) chưa đến 2 km, có một ngôi nhà đã giúp cho gia đình các bệnh nhi có thêm động lực chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo suốt 4 năm qua

Nhà lưu trú đặc biệt này nằm ở số 14 đường 225, phường Tân Phú (TP Thủ Đức), do chị Nguyễn Thị Huệ Tâm (thường được gọi với cái tên quen thuộc là "mẹ Tiên") duy trì hoạt động, đặt tên là nhà lưu trú 0 đồng Mầm Xanh. Tại đây đang cưu mang gần 100 người bao gồm bệnh nhi ung thư và gia đình của các bé.

Từ xa lạ thành người thân

Những ngày thời tiết nóng như đổ lửa nhưng bên trong nhà lưu trú này vô cùng mát mẻ bởi tinh thần lạc quan của những bệnh nhi ở đây. Nếu không để ý đến những cái đầu không còn tóc sau những lần hóa trị, xạ trị thì thật khó biết được những đứa trẻ này mang trong mình những căn bệnh quái ác.

Mỗi bệnh nhi ở đây đều có hoàn cảnh, nỗi đau riêng. Nhiều gia đình của bệnh nhi ung thư đã tiêu đến những đồng tiền cuối cùng, đành nương nhờ lòng từ của các nhà hảo tâm để giành giật sự sống với những hy vọng mong manh.

Khi được hỏi về lý do dành thời gian, tâm sức duy trì hoạt động mô hình này, chị Tâm cho biết sau nhiều lần tham gia thiện nguyện, thấy bệnh nhân và người thân lặn lội dưới quê lên, phải chật vật lo toan thêm chi phí thuê nhà, sinh hoạt nên chị cùng bạn bè góp vốn, thuê căn nhà trọ này, tiếp sức cho các gia đình.

 Chị Nguyễn Thị Huệ Tâm bên những bệnh nhân ung thư trong nhà trọ Mầm Xanh

Căn nhà vỏn vẹn hơn 70 m2 nhưng đầy đủ giường tầng, khu vực bếp, nhà vệ sinh... đáp ứng nhu cầu lưu trú, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho các bệnh nhi. Có những đợt "cao điểm", chị cố gắng trải thêm nệm, giường vì không muốn từ chối bất kỳ bệnh nhi nào. "Ở ngôi nhà này các bé, các phụ huynh sẽ có chỗ ở, cơm ăn và yên tâm để điều trị cho con. Mỗi trường hợp đến đây là mỗi lần trái tim tôi quặn đau, vừa thương các con chịu đớn đau vừa mong sao cho nơi đây sẽ giúp ích phần nào trong hành trình điều trị của các con đỡ nhọc nhằn hơn" - chị Tâm nói thêm.

Chị Đỗ Thị Trang (33 tuổi, quê Đắk Nông) đã ở nhà lưu trú gần 2 năm nay, kể từ ngày cùng con gái đến thành phố điều trị ung thư. Sống ở tỉnh lẻ, từ ngày mắc căn bệnh hiểm nghèo, chị cùng con xuống TP HCM chữa trị mà chẳng biết bao giờ mới được trở về. Bao nhiêu tài sản trong nhà lặng lẽ ra đi để có tiền lo thuốc thang cho con.

Chị Trang bùi ngùi nhớ lại: "Trước kia thuê trọ ở ngoài mỗi tháng phải mất 3 triệu đồng. Nhờ ở đây miễn phí mà số tiền đó được tích góp lại lo cho con. Mọi người ở đây từ xa lạ nhưng nhìn vào hoàn cảnh của nhau mà san sẻ, nương tựa lẫn nhau".

Điều tử tế bé nhỏ

Ngày chị Tâm nói sẽ mở khu lưu trú 0 đồng cho bệnh nhi ung thư tại TP Thủ Đức, chị nhận nhiều lời bàn ra từ người thân, hàng xóm. Nhiều người sợ chị không đủ lực, tài chính để chăm lo cho số người đông như vậy. Thế nhưng, cứ nhìn thấy người bệnh khổ, nhìn thấy ai đó lắt lay bên giường bệnh, chị thương, lại tiếp tục đồng hành.

Cũng vì ân tình được nhận về trong lúc khó khăn, mệt mỏi chất chồng mà rất nhiều người đã tự nguyện chung tay giúp chị thực hiện các hoạt động thiện nguyện khác. Ngồi trò chuyện cùng chị, không ít lần tôi chứng kiến người đến tìm "mẹ Tiên" để trao vài ký rau, vài ký gạo, vài cái bánh... hay chỉ gặp để nói lời cảm ơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ ăn ở tại chỗ cho gần 100 bệnh nhi và người nhà, từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, bếp ăn thiện nguyện của khu lưu trú 0 đồng Mầm Xanh còn tặng 600 suất cơm cho các bệnh nhân và người nhà khó khăn. Các phần ăn này được chị Tâm và phụ huynh của các bệnh nhi thực hiện.

Ngoài ra, chị Tâm cũng chuẩn bị 5 chiếc xe máy để mọi người thay nhau sử dụng, đưa các cháu lên bệnh viện vô thuốc. Chị kể, đa số bệnh nhi ở đây đều bước vào giai đoạn cuối của quá trình điều trị ung thư. Nhiều em sức khỏe kiệt quệ sau hàng loạt ca phẫu thuật, các đợt hóa trị, xạ trị kéo dài nên không thể để các em đi bộ được. "Đi xe ôm mỗi ngày cũng mất mấy chục ngàn, tiết kiệm cho phụ huynh được đồng nào hay đồng đó" - chị Tâm trải lòng.

Ánh mắt xa xăm, "mẹ Tiên" tâm tư: "Đôi lúc mệt mỏi nhưng khi nhìn vào ánh mắt, nụ cười của tụi nhỏ, cách người thân của các cháu thể hiện lòng biết ơn, tôi biết mình phải tiếp tục. Chỉ mong sẽ có thêm nhiều mô hình như vậy nữa để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư vì căn bệnh quái ác này điều trị tốn kém lắm". Chị hy vọng sẽ có phép mầu vụt sáng giữa cuộc đời "như ngọn đèn trước gió" của các em.

Tác giả: KIM NGÂN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động