Nghệ An cần giải pháp để đánh thức tiềm năng du lịch đang "ngủ say"
- 19:59 04-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sản phẩm du lịch có bước cải thiện nhưng vẫn chưa thể đột phá
Quãng thời gian nghỉ lễ kéo dài 5 ngày (từ 27/4 – 1/5), đồng thời đúng vào đợt nắng nóng gay gắt, nên tỉnh Nghệ An đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch thập phương kéo nhau về các điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
Báo cáo mới đây của Sở Du lịch Nghệ An cho thấy một kết quả vô cùng vui mừng, tổng kết kỳ nghỉ lễ, khoảng 950.000 lượt khách du lịch đã về với xứ Nghệ, bằng 122% so với năm 2023. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 350.000 lượt, công suất phòng bình quân đạt trên 90%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Biển Cửa Lò chiếm 1/3 doanh thu và lượng khách du lịch toàn tỉnh Nghệ An trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. |
Trong đó, Cửa Lò là điểm đến thu hút lượng lớn du khách về tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực. Ước tính doanh thu từ du lịch trong 5 ngày nghỉ tại phố biển đạt 600 tỷ đồng.
Ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Tx. Cửa Lò cho biết: “Qua thống kê, trong 5 ngày nghỉ lễ, thị xã đã đón 300.000 lượt khách du lịch, trong đó có 140.000 lượt khách lưu trú. Lượng khách đến Cửa Lò trong dịp này cao gấp đôi so với dự kiến”.
Theo ông Sơn, sở dĩ biển Cửa Lò hút khách du lịch trong những ngày qua là do thời tiết ủng hộ. Bên cạnh đó, địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại đã thuận tiện hơn trước, cùng với đường ven biển, đặc biệt là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đưa vào khai thác từ ngày 29/4, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách các tỉnh phía Bắc.
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn cũng có tới hơn 60.000 lượt khách đến tham quan. |
Mặc dù đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An lại thấy rõ việc địa phương này đang phụ thuộc vào kinh tế biển, khi nơi đây chiếm tới 1/3 doanh thu du lịch toàn tỉnh Nghệ An trong dịp nghỉ lễ vừa qua.
Thậm chí, địa điểm có số lượng khách đến đông thứ 2 là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn với hơn 60.000 lượt, chỉ bằng 1/5 Tx.Cửa Lò. Các địa điểm khác vẫn có khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng nhưng chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch ở Nghệ An hiện tuy có bước cải thiện nhưng chưa đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu cho du lịch Nghệ An và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh. Du lịch Nghệ An vẫn còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm cho du khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ.
Trong khi đó, hạn chế của du lịch biển chỉ phát triển vào mùa hè. Nguyên nhân bởi đặc thù tại miền Trung từ tháng 8 trở đi thường diễn ra mưa bão, nên lượng khách đến Nghệ An giảm đi đáng kể, đặc biệt là khách nội địa. Cũng vì vậy, sau những ngày “bội thu” thì du lịch Nghệ An sẽ bước vào thời điểm đìu hiu nếu không có những phương án thay đổi.
Cần một chiến lược phát triển dài hạn, bài bản
Với địa hình đa dạng, Nghệ An không chỉ có tài nguyên biển cả, mà còn sở hữu đồi núi, thác nước, vườn quốc gia... Với nhiều ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hoá lịch sử, Nghệ An có nhiều cơ hội để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu như khắc phục được những hạn chế còn tồn tại và xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn bài bản.
Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn được ví là “Sapa ở Nghệ An” khi có khí hậu mát mẻ, với những mái nhà sa mu vô cùng đặc trưng của đồng bào người Mông là địa điểm vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. |
Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Nghệ An xác định phát triển du lịch đa dạng các loại hình gắn với từng vùng. Trong đó, ngoài du lịch biển thì Nghệ An sẽ phát triển du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng homestay.
Đặc biệt, vùng miền Tây Nghệ An hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm văn hóa vùng, miền đặc sắc để phát triển du lịch bền vững.
Trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định không gian phát triển khu vực miền Tây Nghệ An là du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa”.
Nghệ An sẽ hướng đến du lịch cộng đồng ở miền Tây để tạo sự đa dạng các loại hình gắn với từng vùng. |
Du lịch Nghệ An thời gian tới sẽ khai thác các loại hình: du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục môi trường; thể thao, mạo hiểm; du lịch xanh, sinh thái; chú trọng liên kết du lịch giữa các vùng trong tỉnh; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khai thác các đặc trưng văn hóa, di sản để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc, tạo sự hấp dẫn riêng.
“Vào mùa du lịch thấp điểm, Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch khảo sát và xây dựng một số sản phẩm, sáng tạo ra nhiều tour mới, đặc biệt là vùng miền Tây Nghệ An - vùng đất đầy tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm. Nếu không tắm biển, đi du lịch tâm linh, Nghệ An luôn sẵn có một số sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện thời tiết, phù hợp với đối tượng khách, nhất là khách quốc tế”, đại diện Sở Du lịch thông tin.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn