"Tiểu tam" sinh con từ phôi đông lạnh của người tình quá cố khởi kiện đòi quyền thừa kế, tòa án phán quyết thế nào?
- 09:36 03-05-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong một vụ kiện đầy kịch tính và rắc rối về pháp lý, tòa án thành phố Thanh Viễn, thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của một bé trai được sinh ra từ phôi đông lạnh thụ tinh bởi một người đàn ông đã qua đời. Vụ kiện xoay quanh câu chuyện của người phụ nữ họ Lăng và bé trai Tiểu Văn, đứa con thụ tinh nhân tạo đầy tranh cãi của cô từ người tình quá cố họ Văn.
Vào tháng 1 năm 2021, thảm kịch đã xảy ra khi người đàn ông đã kết hôn họ Văn, qua đời vì tai nạn giao thông ở Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông. Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó, Lăng - người tình của anh bất ngờ tuyên bố cô đã sinh hạ Tiểu Văn vào tháng 12 năm đó, từ một phôi đã được thụ tinh và đông lạnh trước đó tại một phòng khám tư nhân.
(Ảnh minh họa bằng công nghệ AI) |
Lăng tuyên bố rằng phôi sử dụng được tạo từ tinh trùng của Văn và trứng của cô, thu thập trước khi Văn qua đời. Nàng nhân tình trong bóng tối không chỉ muốn một đứa con để lưu giữ hình bóng người tình, mà còn muốn bé Tiểu Văn được công nhận quyền thừa kế tài sản của người cha quá cố.
Vụ việc trở nên phức tạp khi vào tháng 8 năm 2023, Lăng chính thức đệ đơn kiện lên tòa án Thanh Thành (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), yêu cầu chia sẻ bảo hiểm nhân thọ, tài sản và cổ phần công ty của Văn cho con trai Tiểu Văn. Quyền lợi của đứa trẻ được đặt lên bàn cân công lý, nhưng liệu nó có đủ trọng lượng trong mắt pháp luật?
Tòa án đã tiến hành xét xử và đưa ra phán quyết không ủng hộ Lăng. Các thẩm phán xác định rằng cô không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng phôi được thụ tinh bởi Văn hoặc rằng người đàn ông đã cho phép sử dụng tinh trùng của mình cho mục đích này. Hơn nữa, trong di chúc của mình, Văn không để lại bất kỳ điều khoản nào liên quan đến việc sử dụng phôi sau khi chết.
(Ảnh minh họa bằng công nghệ AI) |
Tình tiết phức tạp hơn khi vợ họ Lư của Văn, người vẫn đang đau khổ vì cái chết của chồng, được cho là không hề hay biết về sự tồn tại của Tiểu Văn cũng như hành động chuyển giao phôi của Lăng. Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý về quyền thừa kế mà còn là một cuộc xung đột sâu sắc về đạo đức và quyền lợi cá nhân.
Dù vậy, trường hợp của Tiểu Văn mở ra một hướng tranh luận mới về quyền lợi của những đứa trẻ được sinh ra từ phôi đông lạnh. Mặc dù Bộ Luật Dân sự năm 2021 của Trung Quốc công nhận quyền thừa kế của thai nhi, nhưng không đề cập rõ ràng đến phôi đông lạnh. Là một sinh thể có khả năng phát triển thành hình thái sống đầy đủ, liệu rằng có nên xem xét việc cấp một số mức độ bảo vệ pháp lý cho phôi đông lạnh hay không, chẳng hạn như quyền thừa kế là một câu hỏi mà các luật sư nước này đặt ra.
Vụ kiện của Lăng và Tiểu Văn không chỉ là tranh chấp về mặt pháp lý mà còn là một bài học sâu sắc về những hệ lụy mà công nghệ hỗ trợ sinh sản mang lại. Nó đặt ra nhiều vấn đề cần được quy định rõ ràng hơn trong tương lai để tránh những tình huống tương tự, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ vô tội.
Tác giả: Ái Vi
Nguồn tin: phunuso.baophunuthudo.vn