Về xứ Nghệ nhớ tìm ốc xào ăn nha, đậm đà chưa từng thấy
- 07:04 30-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở TP Vinh, có nhiều quán bán món ốc xào - Ảnh: CBMM |
Nếu người Đà Nẵng có món ốc hút thì người xứ Nghệ có món ốc xào. Tưởng khác nhau, mà thực tình có "họ hàng" bởi cách chế biến tương đối giống nhau.
Có điều, so với món ốc ở thành phố du lịch Đà Nẵng, ốc xào xứ Nghệ vẫn đang còn trong miền… ẩn dật, chờ bạn khám phá.
Ốc xào xứ Nghệ kỳ công lắm nha
Người Hà Nội vào Sài Gòn sống, lâu lâu sẽ thèm vị của ốc Bắc (chỉ món ốc luộc, chấm mắm gừng chanh sả ớt kiểu Bắc) thì với người xứ Nghệ, khi đi xa lại thèm một bát ốc xào.
Còn nhớ hơn 10 năm trước mới ra Hà Nội học đại học, đám sinh viên người Nghệ chúng tôi hẹn nhau trước cổng Học viện Tài chính để đi ăn ốc xào.
Chỉ vì nghe đứa bạn mách ở đây có món này mà bao đứa hí hửng, đạp xe từ khắp các trường đại học xuống tận Bắc Từ Liêm cho bằng được.
Kết quả: Thất vọng toàn tập. "Đây mô phải ốc xào", "ốc xào ni lạ quá bây ơi" bởi người ta đảo ốc với tương ớt và "dám" gọi là món ốc xào.
Chúng tôi thống nhất gọi đó là món ốc xào "pha ke".
Từ đó tới nay, sống ở đất thủ đô hơn 10 năm trời, chẳng có thêm lần nào cả đám rủ nhau đi ăn ốc xào, vì biết ở đây sẽ chẳng có món ăn quê hương mình đâu.
Gọi "pha ke" vì ốc xào xứ Nghệ phải làm kỳ công lắm nha.
Mua ốc về, người Nghệ thường ngâm trong nước vo gạo hoặc nước muối… để ốc nhả hết chất bẩn, đồng thời khử tanh.
Ốc xào xứ Nghệ có vị cay, mặn, ngọt... đủ cả - Ảnh: ĐẬU DUNG |
Sau khi rửa sạch ốc thì lấy kềm vặn đít ốc (để khi nấu, gia vị có thể ngấm đều vào thịt ốc và khi ăn có thể hút ngược vào miệng mà chẳng cần bất cứ vật dụng gì).
Tiếp theo, người Nghệ trộn ốc với các loại gia vị cơ bản, mắm tôm (có vùng ở Nghệ An còn gọi ruốc hôi), riềng, sả, ớt trái, mật mía, lá chanh già, nghệ tươi hoặc bột nghệ, mỡ lợn… cho đều và ướp ít nhất 30 phút tới một tiếng đồng hồ.
Sau đó, đun lên ba trào, có ngay món ốc xào xứ Nghệ.
Nghe đến đây, người miền khác lại thắc mắc "ba trào" là chi?
Là nồi ốc sôi trào lên ba lần, mỗi lần sôi lại một lần cầm đũa bếp (đũa cả) đảo cho đều gia vị đó. Một người Nghệ rành món ni sẽ chỉ từng li từng tí cho bạn.
Nguyên tắc của món này là nấu không quá kỹ, kỹ quá thì mất ngon; mà không đủ lửa thì lại dễ đau bụng. Điều này đòi hỏi cái "tay quen" của bà nội trợ. Mẹ tôi có lần nói đùa "trên thông gia vị, dưới được ông bà tổ tiên mách bảo" là vậy.
So với ốc luộc phải dùng gai bưởi, tăm tre hoặc mảnh thép nhỏ để lể ốc, khi ăn ốc xào xứ Nghệ chỉ cần cầm ốc lên hút chụt chụt là được. Thịt ốc lẫn bao tinh hoa của món ăn đều được cuốn vào miệng một cách thú vị.
Ăn kèm ốc xào có bánh khô (bánh đa) Đô Lương và sung muối. Bánh khô chấm nước ốc xào rất ngon. Một số người thích vị đậm đà của nước ốc xào thì có thể uống một vài ngụm cho đã.
Ốc xào xứ Nghệ vừa ăn vừa mê - Ảnh: ĐẬU DUNG |
Một khúc tâm tình của người xứ Nghệ
Ngày xưa, hàng quán không nhiều, thỉnh thoảng các bà các mẹ đi chợ vẫn mua mớ ốc gạo, ốc đắng… về làm ốc xào. Cả nhà ngồi cặm cụi vặn đít ốc. Tiếng cười nói của già trẻ lớn bé còn vọng tới bây giờ.
Đặc biệt tụi con nít, sợ cay nhưng vẫn nút chụt chụt. Vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay. Nhưng món này mà không cay thì coi như… vứt.
Vì thế, đừng ngạc nhiên khi người xứ Nghệ ăn cay giỏi. Qua các món quê, cái vị cay cay đã theo họ từ tấm bé tới khi lớn thành thói quen. Người Nghệ nào không biết ăn cay bị coi như người… ngoài Trái đất.
Một dì bán ốc xào rong ở huyện Diễn Châu - Ảnh: ĐẬU DUNG |
Sau này, có thêm những người gánh ốc xào hoặc đạp xe đạp đi bán ốc xào khắp hang cùng ngõ hẻm. Đi đến đâu, cái giọng trầm nặng của họ vang lên tới đó: "Ai ốc xào đê"… Thế là từ các ngả, người người cầm bát âu (tô) ra mua. Vài chục ngàn một bát ốc, ăn mệt nghỉ.
Giờ về quê, vẫn còn những bà những dì đi bán ốc xào rong. Có điều, họ đi bằng xe máy phăng phăng. Chẳng mấy chốc lại hết nồi ốc, lại đảo về nhà lấy ốc đi bán hiệp hai.
Bên cạnh đó, nhiều quán ốc xào mọc lên, chiều lòng dân nhậu hoặc đám bạn lâu ngày tụ tập. Cả ăn cả tám đủ thứ chuyện trên đời.
Bạn mà về xứ Nghệ, nhớ tìm món ốc xào ăn nha. Món ăn đậm đà chưa từng thấy, mặn ngọt đắng cay… chẳng thiếu thứ gì trên đời. Biết đâu, trong một khoảnh khắc "đi đu đưa đi" của văn hóa, bạn chợt hiểu một khúc tâm tình của người xứ Nghệ.
Tác giả: Đậu Dung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ