Báo động tình trạng học sinh, sinh viên tự tử
- 07:57 29-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, giữa khuya, 1 nam sinh lớp 9 (SN 2009) của một trường THCS có tiếng, nằm ngay trung tâm TP Huế đã gieo mình từ cầu Dã Viên xuống sông Hương. Mặc dù trong đêm khuya, lực lượng chức năng và người thân đã nỗ lực ứng cứu nhưng em đã tử vong. Nạn nhân được xác định trú tại đường Trần Phú (phường Phước Vĩnh, TP Huế). Đã hơn một tháng trôi qua, người thân của nam sinh này vẫn chưa hết đau đớn khi mỗi lần nhìn di ảnh của con. Và nguyên nhân tại sao nam sinh này tự vẫn đến giờ vẫn còn là “bí ẩn”.
Lực lượng Công an nỗ lực tìm kiếm thi thể sinh viên Đ.V.T sau khi em gieo mình xuống sông Hương. |
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND từ phía nhà trường, nạn nhân từng là học sinh rất vui vẻ, hòa đồng, lễ phép với thầy cô giáo và học hành bình thường. “Sáng hôm đó, trường vào học được 15 phút thì thầy giám thị phát hiện nam sinh này vẫn chưa đến lớp. Sau đó, thầy giáo chủ nhiệm gọi điện về cho gia đình để hỏi, nguyên nhân vì sao em chưa đến trường thì không ngờ nhận được hung tin em đã hành động dại dột và mãi mãi ra đi khi những ước mơ vẫn còn dang dở”, một giáo viên nghẹn ngào kể lại. Được biết, nam sinh này là con út trong gia đình có hai chị em và thuộc diện gia đình khá giả. Trước đó, nam sinh này từng vui vẻ “khoe” với các bạn là gia đình, dự định sau này cho em sẽ ra nước ngoài du học… Sự ra đi đột ngột của nam sinh này đã khiến không ít thầy, cô giáo bật khóc khi em được mọi người nhắc đến.
Trước đó, một đêm tối cuối tháng 1/2024, em N.V.P (SN 2009, trú đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, TP Huế) khi đang đi qua cầu Dã Viên (TP Huế) cũng đã gieo mình xuống sông Hương tự vẫn. Một số người dân đi đường chứng kiến đã nhanh chóng gọi điện đến Trung tâm thông tin 114 thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để báo tin. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị này đã điều động nhiều phương tiện cứu nạn, cứu hộ cùng 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, dầm mình trong đêm tối, mưa lạnh để lặn tìm kiếm nạn nhân. Sau khoảng 2 giờ, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân.
Tình trạng tự tử không chỉ xảy ra đối với lứa tuổi thiếu niên có suy nghĩ bồng bột, dại dột mà một số sinh viên dù có suy nghĩ chín chắn, thấu đáo hơn vẫn có hành động tự tử, gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cụ thể, khoảng 8h50 ngày 8/3, nhiều người dân đang di chuyển trên cầu Dã Viên thì bất ngờ thấy một nam thanh niên dừng xe máy trên cầu, nhanh chóng dựng xe, leo qua thành cầu rồi lao mình xuống sông Hương. Thấy vậy, người đi trên đường liền hô hoán để tìm cách cứu nạn nhân nhưng sự việc diễn ra quá nhanh, nam thanh niên chìm xuống sông rồi mất tích. Sau khoảng hơn 1 giờ dầm mình trong mưa lạnh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm thấy thi thể em Đ.V.T (SN 2004, trú phường Thủy Biều, TP Huế), là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế - Đại học Huế. Được biết, em T là thanh niên ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình em T thuộc diện hộ nghèo, bố đang bị đột quỵ ở trạng thái thực vật 3 năm nay, mẹ đang bị bệnh nặng, mất sức lao động từ lâu. Nam sinh viên còn có một em gái, hiện đang học lớp 10…
Theo nhận định của nhà trường, có thể do hoàn cảnh quá khó khăn, áp lực cuộc sống nên em T đã có hành động dại dột với suy nghĩ rằng, sẽ giảm đi gánh nặng cho gia đình. Trước hoàn cảnh thương tâm này, Ban Giám hiệu Trường ĐHSP đã đứng ra kêu gọi và chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình em T với số tiền 780 triệu đồng. Khoản tiền này đã được đại diện Trường ĐHSP trao cho gia đình em để giúp gia đình có một kế hoạch mưu sinh rõ ràng để có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, giúp em gái của T tiếp tục đến trường.
TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐHSP - Đại học Huế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng học sinh, sinh viên tự tử. Hiện nay, tình trạng học sinh và sinh viên chịu quá nhiều áp lực căng thẳng từ học tập đến sự thay đổi tâm sinh lý, từ các mối quan hệ với mọi người, từ cuộc sống gia đình ít nhận được quan tâm, sự tác động của các chất kích thích.... hoặc học theo các chỉ dẫn giải thoát cuộc sống từ các phần tử xấu trên mạng. Nhưng điều quan trọng là nhiều học sinh và sinh viên thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, không biết cách giải quyết mâu thuẫn và giải tỏa căng thẳng khi bản thân gặp phải một vấn đề gì đó, không biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ, không biết cách chia sẻ với mọi người khi gặp khó khăn. Hay nói cách khác là nhiều em thiếu chỉ số vượt khó, không biết cách đương đầu với căng thẳng nên để xảy ra những hậu quả đau lòng. Vì vậy, nhà trường và gia đình cần quan tâm về công tác giáo dục sức khỏe tâm thần, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt kịp thời nhận biết sự thay đổi của con em mình để tìm cách hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng để các em sống trong cô đơn và dễ dẫn đến nguy cơ tự tử.
Theo các chuyên gia, sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa và đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội không chỉ tác động đến người lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ. Trẻ em sống ở các đô thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có áp lực học tập, hoàn cảnh kinh tế, sự kỳ vọng quá lớn của gia đình… Những vấn đề này đã đè nặng tâm lý trẻ dẫn tới những căng thẳng tinh thần, tác động lên vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ. Đôi lúc, các em cũng có thể cảm thấy áp lực phải thành công hoặc phải “bằng bạn, bằng bè”. Đây là giai đoạn khiến nhiều trẻ vị thành niên cảm thấy bị cô lập khỏi gia đình hoặc bạn bè và gia tăng nguy cơ tự sát nếu không có sự lắng nghe, hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Tác giả: Hải Lan
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân