'Xóm trọ 0 đồng' cho bệnh nhân chạy thận
- 07:05 29-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xóm trọ 0 đồng sạch sẽ, thoáng mát. Ảnh: B.M. |
Chị Phạm Thị Thùy Dương (37 tuổi), Giám đốc một công ty nông sản sạch ở Quảng Ninh, cùng các mạnh thường quân đã xây dựng “xóm trọ 0 đồng” với mong muốn chung tay chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân nghèo chạy thận.
Những mảnh đời ở “xóm chạy thận”
Xóm trọ 0 đồng nằm ở tổ 51, khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) được xây dựng từ năm 2019. Kể từ đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của hàng chục bệnh nhân nghèo đi và đến trú ngụ. Khu trọ này được chị Dương cho các bệnh nhân ở miễn phí.
Người dân xung quanh gọi đây là “xóm chạy thận”, bởi những người trú ngụ đều là bệnh nhân suy thận cấp độ 4 - 5 và đang theo phác đồ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Bệnh nhân đã quen với lịch chạy thận 3 ngày/tuần kéo dài từ năm này sang năm khác. Nhiều người nhà ở xa, không thể đi về trong ngày, chính vì vậy phải ở trọ, trong khi gia đình khó khăn.
Là một trong hai người lớn tuổi nhất xóm, được bầu làm tổ trưởng xóm trọ, bà Chu Thị Khang (63 tuổi, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) như chất keo gắn kết những người trong xóm trọ. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, hay hỏi han, trò chuyện khiến không khí xóm trọ luôn đầm ấm.
Bà Khang cho biết, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, người lớn tuổi nhất đã hơn 60, người trẻ nhất mới có 15 tuổi, song hầu hết bệnh nhân chạy thận đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, tại các vùng sâu xa, huyện miền núi của tỉnh.
“Căn bệnh này khiến chúng tôi chẳng thể làm công việc gì, chỉ trông đợi vào gia đình, người thân. Những người ở trong xóm này trước kia thuê trọ ở gần bệnh viện với giá khoảng 1 triệu đồng/tháng. May mắn nhờ có xóm trọ 0 đồng do gia đình chị Dương và các nhà hảo tâm xây dựng hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, hơn 5 năm nay, chúng tôi có một nơi ở miễn phí, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị”, bà Khang nói.
Trở về từ bệnh viện sau ca chạy thận, lọc máu đến phờ phạc, cô Hoàng Thị Năm (52 tuổi, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) lê từng bước nặng nề. Sức cô yếu đến nỗi túi giấy tờ xách theo cũng là gánh nặng trên quãng đường vài trăm mét từ bệnh viện về phòng trọ.
Các bệnh nhân trồng thêm rau ở khu xóm trọ. Ảnh: B.M. |
Cánh tay trái của cô Hoàng Thị Năm xuất hiện nhiều cục tròn do việc cắm kim tiêm để lọc máu điều trị suy thận. Ảnh: B.M. |
Cô Năm kể, tính đến nay là 11 năm bản thân sống chung với căn bệnh quái ác. Bệnh tật khiến sức khỏe của cô đi xuống trầm trọng. Trên cánh tay cô hiện rõ những đoạn u thịt nhức buốt là những lần phải chọc kim tiêm vào tĩnh mạch để lọc máu.
Cũng từng đó năm, cô Năm thường xuyên phải xa gia đình để ở gần cơ sở y tế nhằm duy trì sự sống. Thời gian đầu, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Năm thuê những phòng chật hẹp, ngột ngạt gần bệnh viện. Nhưng chi phí chỗ ở và sinh hoạt vẫn là gánh nặng kinh tế đè lên gia đình, bởi nguồn thu chính là từ việc làm nông.
Năm 2019, trong một lần tình cờ, cô Năm được các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh giới thiệu tới xin ở tại khu nhà trọ miễn phí.
“Từ khi về đây, tôi và mọi người thấy rất thoải mái, không còn đau đầu nghĩ về chi phí thuê trọ. Mọi người đều xem nhau như một gia đình. Nhờ có không gian thoáng đãng, yên tĩnh, chúng tôi còn trồng thêm rau, nấu ăn chung vừa giảm được chi phí sinh hoạt, vừa đỡ đi cảm giác nhớ nhà”, cô Năm nói.
Cạnh phòng cô Năm là phòng của cô Chìu Sám Múi (54 tuổi, huyện Bình Liêu) mới tới ở xóm trọ này được gần 1 năm nay. Trước đó, cô Múi phải ở ghép phòng tại những khu trọ tập thể khác. Chi phí tiền phòng trọ và sinh hoạt mỗi tháng gần 4 triệu đồng.
“Tôi thấy rất thoải mái khi ở đây, được có chỗ ở miễn phí cũng bớt đi gánh nặng cho gia đình, bản thân cũng yên tâm điều trị bệnh. Ở đây có 8 người, mỗi người đến từ một nơi khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi người đều yêu quý nhau, sống quây quần như gia đình”, cô Múi vui vẻ nói.
Tấm lòng thơm thảo của nữ doanh nhân
|
Nói về cơ duyên xây nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân suy thận, chị Phạm Thị Thùy Dương cho biết, sau một lần đi từ thiện cho những bệnh nhân suy thận, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh éo le, thấy các bệnh nhân suy thận thật sự khó khăn khi phải trường kỳ sống trong cảnh thuê mướn để duy trì sự sống nên chị đã nhen nhóm trong đầu ý tưởng có một nơi giúp người bệnh cư trú không phải trả phí.
Nghĩ là làm, năm 2018, chị Dương cùng chồng mua một mảnh đất rộng 300m2 ngay gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm đó, khu đất này vẫn còn nhếch nhác, không có nổi một cơ sở vật chất gì đáng giá.
Hai vợ chồng chị Dương bỏ tiền xây khu nhà trọ với 6 phòng. Mỗi phòng rộng 10m2 cùng khu vệ sinh và sân sinh hoạt chung. Đầu năm 2019, khu nhà được hoàn thành và được đặt tên là xóm trọ 0 đồng.
Theo chị Dương, ban đầu nhiều người khó hiểu với hành động này của chị vì bình thường nếu có diện tích đất như thế sẽ tận dụng kinh doanh thu phí.
Nhưng khi hiểu ra hành động đẹp của nữ giám đốc trẻ, nhiều mạnh thường quân cùng chung tay đóng góp vật liệu, đồ dùng. Người thì cho mái tôn, người đóng giường, người ủng hộ bàn ghế, sơn tường, tivi…
Và đến bây giờ, sự hỗ trợ ấy dù ít dù nhiều vẫn được duy trì, mang đến thêm niềm vui nho nhỏ, động lực để các bệnh nhân vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.
“Khi xây dựng nên xóm trọ 0 đồng này, điều tôi thấy vui và hạnh phúc hơn cả không chỉ là hoàn thành được mong muốn giúp đỡ các bệnh nhân nghèo mà việc làm ý nghĩa này được lan tỏa”, chị Dương nói.
Từ nhiều năm nay, vào các dịp cuối tuần hay lúc cuối giờ chiều sau khi hết giờ làm việc, vợ chồng chị Dương không về nhà ngay mà cùng nhau qua thăm xóm trọ, nắm bắt tình hình sinh hoạt của các bệnh nhân đã trở thành việc làm quen thuộc.
Không chỉ hỏi thăm, gửi chút bánh kẹo, hoa quả làm quà, mỗi lần đến thăm vợ chồng chị đều kiểm tra điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các bệnh nhân để kịp thời sửa chữa hư hỏng, giúp mọi người có cuộc sống ổn định, thoải mái.
Một bệnh nhân nhỏ tuổi ở xóm trọ 0 đồng. Mỗi căn phòng ở đây rộng khoảng 10m2. Ảnh: B.M. |
Xóm trọ 0 đồng thoáng đãng, mát mẻ là ngôi nhà thứ 2 của những bệnh nhân. Ảnh: B.M. |
Đây không phải lần đầu vợ chồng chị Dương làm những công việc thiện nguyện như thế này. Từ trước khi có xóm trọ 0 đồng, hằng năm gia đình chị vẫn ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm cho các em nhỏ tại cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, tham gia các chuyến thiện nguyện tại các địa phương khó khăn của tỉnh…
Chị Dương cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sớm triển khai hoạt động nấu cháo dành tặng miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Chị Dương cho biết, dự định sắp tới có thể kết nối, tìm được thêm những công việc phù hợp với điều kiện, tình hình sức khỏe để các bệnh nhân có thể làm tạo thêm thu nhập ổn định cuộc sống tốt hơn. Và xa hơn, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng ở trụ sở mới, chị có thể tìm một vị trí phù hợp để tiếp tục đồng hành, mang đến những xóm trọ 0 đồng dành cho các bệnh nhân khó khăn.