Sân bay đầu tiên của Bộ Công an Việt Nam đang xây dựng ở đâu, máy bay cảnh sát sẽ như thế nào?
- 13:44 28-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xây dựng sân bay Gia Bình phục vụ Không quân Công an
Ngày 26/4 vừa qua, Bộ Công an đã công bố dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Theo Bộ Công an, tại khoản 2 Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động quy định Cảnh sát cơ động được trang bị máy bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, ngày 31/3/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Trong đó xác định nhiệm vụ đầu tư các loại phương tiện đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động được trên mọi địa hình, thời tiết, khí hậu đủ khả năng trấn áp, ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối, tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố, đặc biệt là phương tiện đặc chủng như máy bay trực thăng chuyên dùng...
Đề án cũng xác định cụ thể lộ trình, giải pháp, kinh phí để triển khai các dự án đầu tư cho Cảnh sát cơ động, trong đó có dự án quản lý, sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng Công an nhân dân. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai xây dựng dự án sân bay Gia Bình tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ hoạt động của đơn vị Không quân Công an nhân dân...
Sân bay Gia Bình tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 1,25 km2 - Ảnh: Ngọc Đẹp |
Trong Chương III của dự thảo về thẩm quyền khai thác sân bay, có nêu sân bay của Bộ Công an là nơi thực hiện các hoạt động bay của đơn vị Không quân Công an nhân dân phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu bảo đảm an ninh, trật tự. Sân bay cũng dự bị cho hoạt động bay quân sự và một số hoạt động hàng không dân dụng khác khi có yêu cầu.
Máy bay của Không quân Công an nhân dân có thể sử dụng các cảng hàng không, sân bay khác trên lãnh thổ Việt Nam làm sân bay đi, đến và sân bay dự bị để thực hiện nhiệm vụ sau khi có sự phối hợp, hiệp đồng, thống nhất giữa các đơn vị quản lý cảng hàng không, sân bay.
Lực lượng Không quân Công an nhân dân - Ảnh: Báo CAND |
Về trách nhiệm quản lý, khai thác sân bay trong dự thảo có nêu Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm quản lý, khai thác sân bay theo các nội dung quy định. Trong trường hợp cần đình chỉ hoạt động của sân bay do không đủ điều kiện khai thác hoặc để sửa chữa, nâng cấp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nghiên cứu, xây dựng các Đề án, Dự án, Kế hoạch đầu tư, phát triển, cải tạo mở rộng sân bay theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển sân bay, nhu cầu phát triển của ngành, vùng và địa phương; tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng theo Đề án, Dự án, Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị Không quân Công an nhân dân khi khai thác tại các cảng hàng không, sân bay khác phải thực hiện nghiêm các quy định khai thác của đơn vị quản lý cảng hàng không, sân bay.
Dấu hiệu nhận biết máy bay của Không quân Công an nhân dân là gì?
Trong thông tư của Bộ Công an mới ban hành có nêu rõ, máy bay của Không quân Công an nhân dân là máy bay chuyên dùng được Bộ Công an trang cấp cho các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Các đơn vị trong Công an nhân dân được trang cấp máy bay có trách nhiệm quản lý máy bay theo quy định, bảo đảm công tác thường trực, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ.
Dấu hiệu nhận biết máy bay của Không quân Công an nhân dân chính là biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và số hiệu máy bay. Cụ thể, biểu tượng Quốc kỳ Việt nam có chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, kích thước cân đối và phù hợp với từng loại máy bay; được sơn ở hai bên phần thân và dưới bụng của máy bay.
Số hiệu máy bay trong Không quân Công an nhân dân được thể hiện bằng 4 chữ số, trong đó 2 chữ số đầu tiên là số năm mà máy bay này được đưa vào biên chế còn 2 chữ số tiếp theo là số thứ tự của máy bay trong biên chế. Ví dụ máy bay mang số hiệu 2401, sẽ được hiểu chiếc máy bay được đưa vào biên chế năm 2024 và đây là chiếc thứ nhất của Không quân Công an nhân dân.
Máy bay của Không quân Công an nhân dân có thể sử dụng các cảng hàng không, sân bay khác trên lãnh thổ Việt Nam - Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT |
Dấu hiệu nhận biết được thể hiện trên máy bay phải bảo đảm có độ bền, rõ ràng và dễ nhận biết bằng mắt thường hoặc bằng các phương tiện nhận biết thông thường khác.
Bên cạnh đó, đơn vị được giao quản lý máy bay chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an quyết định về dấu hiệu nhận biết đảm bảo phù hợp với thiết kế của từng loại máy bay được trang cấp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo dự thảo Thông tư cũng nêu, máy bay, động cơ và các thiết bị của máy bay phải có lý lịch, hồ sơ khai thác, bảo dưỡng đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng duy trì các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, tiêu chuẩn đủ điều kiện bay liên tục của nhà sản xuất và quốc gia thiết kế chế tạo.
Máy bay được trang bị các thiết bị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bay nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị Không quân Công an nhân dân.
Trước khi đưa vào khai thác, máy bay phải qua các bước kiểm tra bảo đảm đủ điều kiện khai thác theo quy trình của nhà sản xuất đối với từng loại máy bay.
Công tác bảo dưỡng máy bay, động cơ được thực hiện nghiêm theo các quy định bảo dưỡng của nhà sản xuất đối với từng loại máy bay, động cơ.
Trường hợp cần thiết hoặc do ảnh hưởng, gián đoạn đến việc cung ứng thiết bị kỹ thuật của nhà sản xuất, nếu có sai lệch so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất máy bay, động cơ nhưng vẫn đáp ứng khả năng bay và bảo đảm an toàn bay của máy bay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đánh giá, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an quyết định cho phép đưa máy bay vào hoạt động.
Tác giả: Trang Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn