NAFOODS GROUP tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024
- 16:19 25-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự có đại diện lãnh đạo của tập đoàn Nafoods Group cùng 115 cổ đông, sở hữu và đại diện ủy quyền cho 30.556.905 cổ phần, tương đương 60,43% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đã thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng bao gồm kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh 2024, phương án phân phối lợi nhuận, phương án chào bán riêng lẻ, phương án mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại và một số nội dung quan trọng khác.
Nền tảng quản trị bền vững giúp đạt được kết quả kinh doanh khả quan
Năm 2023, NAF đạt 1.733,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 109,9 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ, vượt 3,7% kế hoạch. Đây là năm đầu tiên NAF có lợi nhuận vượt mức 100 tỷ đồng kể từ khi thành lập.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ 2024 tại Long An |
Về kinh doanh, mảng kinh doanh chính của NAF là xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và trái cây đông lạnh IQF tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với sản lượng tăng 22% so với năm trước, nhờ việc củng cố niềm tin và sự gắn bó với các khách hàng, thị trường lớn, phát triển thêm các khách hàng mới. Trong khi đó, mảng trái cây sấy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cũng gặt hái được những kết quả tích cực khi khai phá thành công các thị trường mới, nội địa và lauching thành công các sản phẩm mới – chiến lược.
Về cung ứng & sản xuất, năm 2023, Công ty luôn đảm bảo năng lực sản xuất đáp ứng được trên 85% nhu cầu kinh doanh, với chất lượng sản phẩm được đảm bảo, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn sản xuất khắt khe như Costco, SGF, Kosher…, kiểm soát tốt sản lượng, giá thu mua khi vào chính vụ, tối ưu hóa lợi nhuận.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, việc xây dựng được một nền tảng quản trị bền vững là nguyên nhân chính giúp NAF đạt được các kết quả khả quan trên. Cụ thể, trong năm Công ty đã hoàn tất chuyển đổi mô hình quản trị, làm tiền đề cho việc mở rộng và phát triển; bổ sung nhiều vị trí chuyên môn quan trọng; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng và chú trọng phát triển, ươm mầm nguồn nhân lực; áp dụng thành công hệ thống quản trị CRM, SRM, Fast Business Online…; và tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao năng suất công việc.
Kế hoạch kinh doanh 2024: cải thiện “Hiệu quả và Tốc độ”
Năm 2024, dựa trên những nền tảng đã thiết lập được trong năm trước, Công ty chủ trương tập trung cải thiện hiệu quả và tốc độ của hệ thống quản trị, bằng việc xây dựng hệ thống data warehouse, hệ thống các báo cáo quản trị tự động, giảm công việc mang tính thủ công (manual), tăng cường hiệu suất làm việc; đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức đội ngũ thông qua tăng cường các khóa đào tạo; và tăng cường hệ thống bảo mật thông tin.
Trên cơ sở đó, NAF đặt kế hoạch doanh thu 2.200 tỷ, tăng 26,9% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm trước.
Kế hoạch cổ tức tối đa 10% vốn điều lệ cho năm 2024
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, NAF sẽ chi 13,4 tỷ trả phí hàng năm cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế, trích ngân sách hoạt động HĐQT 3% lợi nhuận sau thuế.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, Công ty dự kiến tiếp tục chi trả 13,4 tỷ phí hàng năm cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế, trích ngân sách hoạt động HĐQT tối đa 5% lợi nhuận sau thuế và chia cổ tức cho cổ đông tối đa 10% vốn điều lệ.
Về phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức của năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua (10% vốn điều lệ), nhưng chưa thực hiện được trong năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua việc tiếp tục thực hiện phương án này trong năm 2024.
Ông Hồ Hải Quân chính thức được bầu vào Hội đồng quản trị Nafoods Group giai đoạn 2020 -2025 |
Chào bán tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ
ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án chào bán tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, để thực hiện hoặc góp vốn vào các công ty con để thực hiện các dự án đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất; và/hoặc bổ sung vốn lưu động. Giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong năm 2024 hoặc thời hạn khác theo quy định của HĐQT dựa trên điều kiện thực tế sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Ban lãnh đạo NAF chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Công ty đã nhận được nhiều đề xuất hợp tác đầu tư, cũng như có nhiều sự quan tâm tìm hiểu từ các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng trở thành cổ đông chiến lược của Công ty.
Mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại đã phát hành cho IFC
Về phương án mua lại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. ĐHĐCĐ đã thông qua phương án mua lại tối đa 12.358.933 cổ phần ưu đãi hoàn lại đã được phát hành năm 2019 cho IFC với giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phần. Giá mua lại cũng được ủy quyền cho HĐQT quyết định trên cơ sở đàm phán với cổ đông ưu đãi hoàn lại và các điều khoản hợp đồng đầu tư đã ký. Nguồn vốn thực hiện mua lại là thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán ngày 31/12/2023. Thời gian mua lại dự kiến được chia làm 2-3 đợt trong năm 2024 hoặc số đợt và thời hạn khác theo quyết định của HĐQT dựa trên điều kiện thực tế sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Về lý do dẫn đến phương án mua lại này, Ban lãnh đạo Công ty cho biết: IFC bắt đầu quan tâm và tìm hiểu NAF từ năm 2018. Sau hơn một năm đánh giá, thẩm định kỹ càng, IFC đã đồng ý đầu tư 8 triệu USD vào NAF thông qua cổ phần ưu đãi hoàn lại. Khoản đầu tư này của IFC một mặt giúp NAF giải quyết nhu cầu tài chính cho các kế hoạch kinh doanh và đầu tư thời điểm đó. Mặt khác, còn giúp NAF cải thiện vấn đề quản trị công ty theo các thông lệ tốt nhất nhờ các ràng buộc rất chặt chẽ được quy định trong Hợp đồng Đầu tư. Ngoài ra, với uy tín, thương hiệu của họ, khoản đầu tư này còn giúp uy tín của Nafoods cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, hiện tại, Ban lãnh đạo NAF cho rằng một số cam kết, ràng buộc đã ký này không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Đặc biệt các ràng buộc về chỉ số tài chính, duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối của cổ đông sáng lập… hiện đang khiến NAF khó khăn trong việc huy động vốn cho chiến lược tăng trưởng sắp tới. Bên cạnh đó, chi phí tài chính của khoản đầu tư này hiện khá cao so với mặt bằng hiện tại. Do đó, sau một số cuộc trao đổi và làm việc, cả hai bên đều thống nhất sẽ kết thúc khoản đầu tư này bằng việc mua lại cổ phần và IFC cũng sẵn sàng quay lại đầu tư vào Nafoods vào một thời điểm phù hợp, với một công cụ tài chính phù hợp hơn.
Tác giả: Thu Hải
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn