Về Nghệ An tìm hiểu sự tích 'cơm cá gỗ'
- 18:47 20-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Cơm cá gỗ là câu chuyện kể về thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích hồi còn đi thuê trọ để học tập đợi ngày khoa cử. Trong thời gian thuê nhà, bà chủ nhà thấy Hồ Phi Tích ngày ngày chỉ đặt cơm trắng và xin thêm bát nước mắm mà không có thức ăn. Mỗi bữa ăn, Hồ Phi Tích lấy từ trong tay nải ra một con cá được nướng vàng ươm và đặt lên đĩa, sau đó mới ăn cơm. Cuối cùng, bà chủ nhà phát hiện ra đó chỉ là con cá bằng gỗ. Hồ Phi Tích nhìn vào đó để tưởng tượng mỗi bữa ăn cơm đều có cá. Nghèo khó nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, Hồ Phi Tích cuối cùng đã thi đỗ làm quan.
Cá gỗ đã trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học, vượt khó vươn lên, nỗ lực thành tài của người dân nơi đây. |
Con cá gỗ xuất hiện ở khắp nơi trong làng, trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó của con dân xứ Nghệ. Và người làng Quỳnh chưa bao giờ thôi tự hào về sự tích con cá gỗ.
Ngày nay, cuộc sống người dân xứ Nghệ đã thay đổi nhiều. Trong bữa cơm tất nhiên chẳng còn món cá gỗ chấm mắm nữa. Nhưng họ vẫn luôn giữ hình ảnh bữa cơm cá gỗ ngày xưa để răn dạy con cháu: Dù cuộc sống khốn khó thế nào thì cũng phải luôn cố gắng vươn lên - như ông đồ Nghệ ngày xưa
Câu chuyện "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" ngày nay cũng được phục dựng thành tiểu phẩm, là sản phẩm trong tour "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang" được giới thiệu từ tháng 12/2023. Tour du lịch nhằm thu hút du khách ghé thăm làng Quỳnh, tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện ăn cá gỗ với cơm.
Tiểu phẩm "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" |
Vở "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" được đánh giá là "linh hồn" của tour du lịch "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang". Người dân làng Quỳnh kể lại, xưa kia ở làng có 2 nghề chính. Thứ nhất là nghề học, nghề làm thầy đồ. Thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sĩ tử học hành, thi cử.
Đặt tên tour du lịch là “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang”, chính quyền địa phương và người dân Quỳnh Đôi như đặt cả hy vọng vào sự phát triển của làng khi bắt đầu chuyển hướng làm du lịch. Hơn hết, đó còn là lời nhắn nhủ đến con, cháu làng Quỳnh nói riêng và thế hệ tương lai của đất nước nói chung không ngừng học tập và làm việc, tiếp nối truyền thống hiếu học, cùng bản lĩnh để vượt qua gian khó dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An |
Làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vốn nổi tiếng là "cái nôi" văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học của vùng Bắc Trung Bộ. Vào thế kỷ XIV, các cụ Hồ Khai giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng Nguyễn Thạc và Hoàng Thánh đến đây khai cơ, lập ấp và đặt tên là "Thổ Đôi trang". Ba họ Hồ, Nguyễn, Hoàng cũng là 3 đại tộc ở làng Quỳnh. Đến năm 1528, vào thời nhà Mạc, nơi này được đổi tên thành Quỳnh Đôi. Tính tới nay, mảnh đất Quỳnh Đôi đã có hơn 640 năm hình thành và phát triển. Ước tính từ năm 1378 đến 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Làng có 734 người đậu tú tài và cử nhân, 4 phó bảng, 7 tiến sỹ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa. Tiêu biểu là ông Hồ Sỹ Dương 3 lần thi đậu giải nguyên và nữ sĩ Hồ Xuân Hương - người được mệnh danh là "bà chúa thơ Nôm" của văn học Việt Nam. |
Tác giả: Nguyên Vỵ tổng hợp
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn