Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh tượng bế tắc chưa từng có ở Hàn Quốc

Là nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến giữa chính phủ và ngành y, nhiều bệnh nhân ở Hàn Quốc sống dở chết dở vì bị từ chối phẫu thuật, không được thăm khám kịp thời.

 Nhân viên cứu thương chuyển một bệnh nhân đến phòng cấp cứu của một bệnh viện lớn ở Seoul, hôm 15/4. Yonhap.

Một người phụ nữ 60 tuổi mắc bệnh tim đã qua đời trong sự chờ đợi và đau đớn. Chứng đau tim chỉ vừa ra xảy khi bà đang làm ruộng ở Gimhae, nhưng sau lời từ chối từ 6 bệnh viện lớn ở Hàn Quốc, tình trạng của bà trở nên nghiêm trọng.

Bóc tách động mạch chủ là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, khiến dòng máu lưu thông gần như bị tắc nghẽn. Nếu không được điều trị, phẫu thuật kịp thời, người bệnh khó giữ được mạng sống.

Và kỳ tích cũng không xảy ra với người phụ nữ nói trên. Sau 2,5 giờ sống trong "ác mộng" trên băng ca, bà đã đến một bệnh viện đa khoa lớn ở Busan - nơi có đủ nhân lực để phẫu thuật. Nhưng lúc này, thời gian vàng phẫu thuật cũng đã qua mất.

Tròn 2 tháng kể từ ngày bác sĩ thực tập Hàn Quốc đình công để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ, ngành y tế nước này vẫn mắc kẹt trong mớ hỗn độn vì thiếu bác sĩ, các bệnh viện quá tải liên tục và buộc phải từ chối bệnh nhân.

Chờ đợi trong héo mòn

Không thể phẫu thuật cũng là điều mà một bệnh nhân 40 tuổi ở Seoul đang gặp phải. Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú, bà đã đặt lịch phẫu thuật tại Bệnh viện Bundang thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhưng bị từ chối.

Người phụ nữ này tiếp tục đặt lịch với một bệnh viện nhỏ trong khu vực, nhưng bệnh viện báo rằng bà sẽ chỉ được khám chứ không được phẫu thuật ngay.

"Vì tình hình hiện tại mà việc điều trị của tôi bị hoãn lại. Tôi muốn phẫu thuật càng sớm càng tốt, trước khi bệnh của tôi trở nên nghiêm trọng hơn", bệnh nhân nói với Yonhap.

 Bệnh nhân mòn mỏi chờ phẫu thuật, thậm chí không thể đặt lịch vì bệnh viện quá tải. Ảnh: Yonhap.

Một bệnh nhân họ Kim (53 tuổi) bị phình động mạch não ở thành phố Nonsan đã phải huy động mọi mối quan hệ để được phẫu thuật gấp. Nhưng nơi ông làm phẫu thuật cũng chỉ là một bệnh viện nhỏ ở tỉnh Kyunggi, các bệnh viện lớn ở thành phố đều từ chối phẫu thuật.

Ông Kim cho biết ông xem tin tức mỗi ngày để cập nhật tình hình của các bác sĩ, nhưng chỉ nhận về sự thất vọng. Ông từng nghĩ rằng bác sĩ sẽ trở lại làm việc sau đợt bầu cử, nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi.

"Chính phủ chỉ biết lặp đi lặp lại những điều giống hệt nhau còn bác sĩ thì chỉ biết đình công đòi quyền lợi. Tôi thấy hai phía đều có lỗi trong việc khiến mọi chuyện đi quá xa", ông Kim nêu quan điểm.

Dù bác sĩ thực tập đình công, giáo sư từ chức, sinh viên nghỉ học, chính phủ vẫn không thay đổi quyết định bổ sung 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y trong năm tới.

Và khi cuộc chiến giữa chính phủ và ngành y leo thang, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là bệnh nhân ung thư và các bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng khác.

 Chính phủ và bác sĩ bị chỉ trích vì chỉ biết đấu đá lẫn nhau mà không nghĩ đến người bệnh. Ảnh: Yonhap.

Chính phủ Hàn Quốc đang làm gì?

Ngày 18/4, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện cải cách y tế, bất chấp sự phản đối của nhân lực ngành y nước này.

"Cải cách y tế là điều cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân, đồng thời chuẩn bị cho các nhu cầu trong tương lai", ông Cho nhấn mạnh, đồng thời cho biết chính phủ có kế hoạch thu thập ý kiến của người ngoài ngành và sẽ tiếp tục việc cải cách theo đúng kế hoạch.

Không đứng ngoài cuộc chiến, các sinh viên trường y vẫn tiếp tục đấu tranh để phản đối chính phủ. Sau khi nghỉ học hàng loạt, khoảng 13.000 sinh viên y đã cùng nhau xin lệnh của tòa án để ngăn việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở trường.

Luật sư Lee Byeong-cheol cho biết hiện sinh viên của 32 trường y ngoài Seoul đã đệ đơn chống lại nhà trường. Các sinh viên cũng yêu cầu tòa án có biện pháp can thiệp việc nhà trường thay đổi kế hoạch tuyển sinh.

Tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y là một phần trong kế hoạch cải cách y tế ở Hàn Quốc. Trong số 2.000 chỉ tiêu này, 82% được dành cho các trường y ngoài khu vực Seoul.

Hiện tại, các trường đang trong quá trình cập nhật kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2025 và dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 5 năm.

Luật sư Lee nhận định việc tăng chỉ tiêu trường y không mang lại hiệu quả, trái lại có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục và ảnh hưởng đến quyền học tập của sinh viên.

Đến nay, nhân lực ngành y Hàn Quốc đã thực hiện tổng cộng 6 vụ kiện để chống lại kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, 4 trong số đó bị tòa án từ chối, bao gồm đơn kiện do Hiệp hội Giáo sư Y khoa và lãnh đạo Hiệp hội Bác sĩ thực tập đệ trình.

Tác giả: Thái An

Nguồn tin: znews.vn