Con trai bệnh nặng không thể đi lại, mẹ già cầu cứu khắp nơi
- 09:48 19-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong buồng điều trị của Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), anh Trần Văn Công (SN 1990, Thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) ngồi co quắp trên giường. Anh nói, do mỏm xương đùi bị hoại tử, hiện đang rất đau, không thể duỗi thẳng chân như người bình thường.
Cách nơi anh Công đang điều trị 40 km, căn nhà cấp 4 cũ nát lọt thỏm giữa xóm thường xuyên khóa cửa. Mẹ anh là bà Lê Thị Tới ngày ngày lên chùa làm công quả, xin cơm về nuôi con trai bệnh tật và đứa cháu gái thơ dại.
Anh Công ngồi co quắp trên giường bệnh. (Ảnh: Như Loan) |
Năm 2016, anh Công nên duyên với cô gái trong làng, cả hai sinh được một cô con gái. Trách nhiệm làm trụ cột gia đình, anh không nề hà việc gì, kể cả phụ hồ, công nhân để vợ con có cái ăn cái mặc. Cuộc sống không mấy dư dả nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ.
Một ngày đầu năm 2020, trở về nhà sau ngày dài lao động mệt nhọc, anh Công bỗng thấy đau nhức sống lưng lan xuống vùng hông. Vợ nhiều lần giục đi khám bệnh nhưng anh lại sợ tốn nhiều tiền, cắn răng chịu đựng.
Đến khi đau không thể đi lại được anh mới vay tiền đi khám, kết quả chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm nặng. Bác sĩ chỉ định mổ nhưng anh từ chối điều trị vì trong nhà không có nổi một triệu đồng. “Tôi đau đến liệt người nhưng trong túi không đủ tiền nên đành xin bác sĩ cho về”, anh Công nói.
Chân không thể đi lại, không còn khả năng lao động, kinh tế của đôi vợ chồng trẻ vốn khó khăn nay lại càng trở nên chật vật, tình cảm mỗi lúc một xa cách. Những vất vả chồng chất trong cuộc sống khiến vợ anh áp lực nên đòi ly hôn.
Người phụ nữ dứt áo bước ra khỏi ngôi nhà, để anh Công cảnh “gà trống nuôi con”. Anh không giận, không trách vợ, chỉ thấy thương con vì phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
Việc vừa làm cha làm mẹ không dễ, chưa kể anh còn bệnh tật ngồi một chỗ. Để con có cơm ăn, người đàn ông phải gửi bé khắp nơi, lúc ăn cơm nhà chùa, khi tá túc nhờ hàng xóm. Nhìn mẹ già, con thơ vất vả, anh Công thấy bất lực, không ít lần muốn quyên sinh để thoát khỏi sự cùng cực này.
Đầu tháng 4/2024, thương cảm trước hoàn cảnh của phật tử, một nhà chùa ở Hà Nội phát tâm đưa anh Công đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ. Tại bệnh viện, anh Công được bác sĩ tư vấn chụp cộng hưởng từ khớp háng thì bất ngờ phát hiện anh bị gãy cổ xương đùi trái, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hoá khớp háng 2 bên.
Để phục hồi chức năng vận động, bác sĩ chỉ định anh Công phải mổ thay khớp háng 2 bên, nhưng kinh phí mua khớp nhân tạo tồn nhiều tiền, gần 100 triệu đồng/bên khớp. Người đàn ông 34 tuổi không biết sẽ phải làm sao, cả xoong nồi trong cũng đều đã bán hết để lấy tiền đi bệnh viện.
Bà Tới cùng con trai chắp tay cầu xin các mạnh thường quân giúp đỡ gia đình. |
Để cứu con, bà Tới chắp tay đi khắp nơi xin tiền các mạnh thường quân, phật tử đến lễ chùa – nơi bà làm công quả. Vậy nhưng số tiền xin được không đáng kể. Thời gian ở bệnh viện, bà đi xin cơm từ thiện cho con trai, còn bản thân chỉ dám ăn qua loa hoặc dùng lại phần cơm thừa của con.
BSCKII Lê Thanh Sơn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Công gãy cổ xương đùi trái, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hoá khớp háng 2 bên. “Trường hợp này cần được phẫu thuật từ khi phát hiện tổn thương, nhưng anh Công để bệnh quá lâu, khi đến viện, chỏm xương đùi đã hoại tử, thoái hoá. Để phục hồi chức năng vận động, người bệnh cần phải được mổ thay khớp nhân tạo”, bác sĩ Sơn nói.
Theo chuyên gia, với tình trạng sức khoẻ và kinh tế hiện tại của người bệnh, các bác sĩ tư vấn nên thay 1 bên khớp trước. Sau này khi có tiền và sức khoẻ ổn định, sẽ tiếp tục thay khớp háng bên còn lại.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả cho gia đình anh Trần Văn Công xin gửi về số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Giúp đỡ 24023 |
Tác giả: NHƯ LOAN
Nguồn tin: Báo VTC News