Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Không chỉ tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ các vị vua Hùng, ý nghĩa của ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương còn là gắn kết, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng với nghi thức giỗ tổ Hùng Vương là một sự kiện lớn của cả đất nước nhằm hướng về cội nguồn, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập quốc của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Đây cũng là dịp để người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, tìm hiểu hoặc ôn lại về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng như lịch sử thời Văn Lang.

Nguồn gốc ngày Giổ Tổ Hùng Vương

Truyện Con Rồng cháu Tiên là một trong những truyền thuyết quan trọng của dân tộc Việt Nam, kể về nguồn gốc của dân tộc và quốc gia. Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là tổ tiên của các vua Hùng (Ngọc phả Hùng Vương coi ông là vua Hùng đầu tiên). Con trai ông là Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ, một tiên nữ xinh đẹp, sinh ra cái bọc trăm trứng nở ra trăm con, đó là tổ tiên của các tộc người Bách Việt. Các đời vua Hùng là con cháu của họ.

 10/3 Âm lịch hằng năm là dịp người dân hành hương về Đền Hùng, ôn lại nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. (Ảnh: Đắc Huy)

Theo tài liệu từ thời Trần, năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Điều này cho thấy từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ.  Bù lại, họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. 

Tới thời nhà Nguyễn, đời vua Khải Định, ngày 10 tháng 3 Âm lịch được chọn làm ngày  quốc tế. Tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940), đang được đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, ghi: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch được chính thức hóa bằng quyết định của Nhà nước.

Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Hiện nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là quốc lễ, người lao động được nghỉ một ngày.

Ý nghĩa của ngày Giổ Tổ Hùng Vương

Lễ giỗ Tổ có ý nghĩa và giá trị vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng thời tôn vinh công lao của các vua Hùng đã có công khai quốc. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân dựng xây, bảo vệ non sông.

Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trước hết là tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, những thủ lĩnh và cũng là đại diện cho các thế hệ cha ông ta mấy nghìn năm trước dốc sức khai phá, dựng xây đất nước và chống ngoại xâm.

Quốc lễ này cũng tạo nguồn cảm hứng và tăng sự gắn kết mọi người dân Việt Nam. Trong ngày này, người Việt Nam quây quần bên gia đình, họ hàng, tôn vinh các giá trị gia đình và dân tộc. Điều này giúp thắt chặt tình thân hữu giữa mọi người trong gia tộc, cộng đồng, tạo ra một không khí đoàn kết, khơi thêm tình yêu đất nước và quê hương.

Lễ giỗ Tổ là dịp để duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, bao gồm lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, tôn trọng và tình yêu, lòng biết ơn cha ông. Việc kỷ niệm và tổ chức lễ hội này giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hoá của dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức và lòng tự hào về nguồn gốc của mình.

Tóm lại, lễ giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để tôn vinh, tưởng nhớ các vị vua Hùng mà còn là cơ hội để gắn kết, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Khi xét công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hoá thế giới, các chuyên gia UNESCO đánh giá: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này chứng tỏ ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự to lớn.

 Tác giả: TÙY Ý(Tổng hợp)

Nguồn tin: vtcnews.vn