Phát hiện quần đảo Hải Tặc có thật ở Việt Nam, ẩn giấu sự tích ly kỳ, thuộc địa phương du lịch nổi tiếng
- 08:54 17-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hay mùa hè sắp tới, nhiều gia đình, nhóm bạn hay cặp đôi đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến du lịch xả hơi của mình. Trong rất nhiều lựa chọn, những điểm đến mang yếu tố biển vẫn là sự ưu tiên hang đầu. Những cái tên nổi tiếng của du lịch biển Việt Nam có thể kể tới như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) hay Phú Quốc (Kiên Giang)...
Mới đây, trên nhiều diễn đàn du lịch, xuất hiện quần đảo thuộc một trong các địa phương trên, với cái tên đặc biệt như trong phim, được rất nhiều du khách quan tâm. Không chỉ bởi cái tên, những câu chuyện đằng sau điểm đến này cũng là yếu tố thu hút du khách. Đó là quần đảo Hải Tặc, nằm trong vùng biển tỉnh Kiên Giang, hay còn có tên gọi khác là quần đảo Hà Tiên.
Ảnh Phụng Nguyễn - Check in Vietnam |
|
Tổng diện tích của quần đảo Hải Tặc lên tới 283ha, bao gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ (16 đảo nổi và 2 đảo chìm). Trong đó, hòn đảo lớn nhất trong khu vực quần đảo là đảo Hòn Tre Lớn hay còn được gọi là Hòn Đốc, nằm tại trung tâm quần đảo, cư dân đông đúc với khoảng 3000 người. Đây cũng chính là nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính của quần đảo, và là nơi có cột mốc xưa ghi dấu danh xưng "quần đảo Hải Tặc".
Nhiều du khách không khỏi tò mò, tại sao quần đảo này lại có cái tên đặc biệt đến vậy. Cái tên "Hải tặc" khiến người ta liên tưởng tới một chi tiết trong những bộ phim điện ảnh hành động, hay những bộ truyện tranh. Tuy nhiên trên thực tế, hoàn toàn có cơ sở để quần đảo được đặt tên như vậy.
Cột mốc xưa ghi tên quần đảo Hải Tặc (Ảnh Du lịch miền Tây) |
Cụ thể, theo thông tin trên báo Lao Động, các tài liệu lịch sử có ghi chép, cũng như người dân bản địa truyền miệng lại, trước kia nơi này từng là căn cứ của nhiều nhóm cướp biển, hải tặc. Chúng chọn quần đảo làm nơi ẩn náu cũng bởi có địa hình đa dạng, diện tích rộng lớn lại nằm ở vị trí quan trọng trong tuyến đường giao thương đường thủy.
Đến khoảng thế kỷ thứ 18, các nhóm hải tặc vẫn được cho là xuất hiện và hoành hành trên vùng biển quanh quần đảo. Sau này, chúng gần tan rã và không còn nữa. Nhiều người dân trên đảo còn kể lại, cha ông họ từng tìm thấy rất nhiều tiền cổ nằm rải rác trên đảo. Những điều trên càng khẳng định cho giả thuyết việc hải tặc từng xuất hiện ở quần đảo này là thật. Từ đó người ta đặt tên gọi "Hải Tặc" cho quần đảo.
Khung cảnh những con thuyền gỗ cũ đậu trên bờ biển càng khiến nhiều người liên tưởng đến sự xuất hiện của hải tặc (Ảnh Báo Pháp luật điện tử Việt Nam) |
|
Như đã nói ở trên, quần đảo Hải Tặc nằm trong địa phận tỉnh Kiên Giang, cụ thể là xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên. Từ bờ biển Hà Tiên, du khách sẽ cần di chuyển quãng đường thủy 28km. Còn nếu từ đảo Phú Quốc thì là 40km. Phương tiện phổ biến nhất là tàu gỗ và tàu cao tốc.
Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, du khách có thể chọn tàu cao tốc, xuất phát từ bến tàu Hà Tiên, với giá thành khoảng 75.000 - 100.000 người/chiều, thời gian di chuyển từ 30 - 60 phút. Còn tàu gỗ có giá rẻ hơn, chỉ khoảng 40.000 đồng/người, song thời gian di chuyển lâu hơn, khoảng 90 phút.
Phương tiện để đưa du khách ra quần đảo Hải Tặc là thuyền gỗ và thuyền cao tốc (Ảnh Viettravel) |
Du khách có thể tùy chọn 1 trong 16 hòn đảo nổi của quần đảo để ghé thăm và khám phá. Một số cái tên nổi bật có thể kể tới là đảo Hòn Tre Lớn, hòn Kiến Vàng, đảo Đồi Mồi, hòn Tre Vân... Đây đều là những đảo nằm trong khu vực quần đảo, còn hoang sơ, chưa có nhiều đơn vị khai thác du lịch. Cũng bởi vậy nên nhiều du khách ví von khi tới quần đảo Hải Tặc, sẽ được trải nghiệm như người bản địa, hay như Robinson sống trên hoang đảo.
"Đảo Hải Tặc về cơ bản còn khá hoang sơ nên những ai muốn đi du lịch kiểu trải nghiệm thì đúng bài luôn. Mình thích cảm giác lượn lờ xe máy trên cung đường quanh đảo, nằm trên võng nghe tiếng sóng hay qua mấy khu dân cư để cảm nhận cuộc sống của người dân trên đảo", du khách Phuc Tran (đến từ TP.HCM) chia sẻ.
Một du khách khác tên Dương Tùng (đến từ Hà Nội) nói thêm sau 2 lần ghé thăm đảo Hải Tặc: "Ấn tượng để lại cho mình sau 2 lần đến đây: con người chân chất thân thiện, không gian yên bình, cảnh vật bình dị, khí hậu ôn hoà".
Những trải nghiệm bản địa hay đậm tính thiên nhiên được yêu thích ở quần đảo Hải Tặc (Ảnh ST) |
|
Những trải nghiệm được yêu thích tại đây là lặn biển, tự mình đánh bắt cá, câu cá, tắm biển và tham gia các bộ môn thể thao trên bờ biển. Trong đó, hoạt động lặn biển và tự mình đánh bắt cá được yêu thích hơn cả. Tại một số khu vực đảo vắng nằm trong quần đảo, du khách cần tự chuẩn bị cần cầu, thậm chí là lều trại để nghỉ lại. Chuyến hành trình sẽ thật thú vị khi du khách có thể tự mình câu được những chú cá tươi từ lòng đại dương, đem về nướng trên bếp than lửa hồng và thưởng thức.
Còn trải nghiệm lặn biển sẽ đưa du khách xuống lòng đại dương, gặp gỡ những người bạn san hô rực rỡ đầy sắc màu. Là vùng biển chưa khai thác nhiều du lịch, những du khách đã tới quần đảo Hải Tặc phải nhận xét, nước ở đây trong xanh. Thậm chí vào những ngày có nắng, trời quang, còn có thể nhìn thấy những rặng san hô lấp ló dưới dòng nước mà chẳng cần lặn xuống.
Du khách tận hưởng theo cách rất đơn giản trên đảo (Ảnh Dương Tùng - Check in Vietnam) |
|
|
|
Khung cảnh yên bình trên quần đảo Hải Tặc (Nguyễn Trường, Phụng Nguyễn - Check in Vietnam) |
Tất cả những yếu tố trên khiến quần đảo mang cái tên đặc biệt Hải Tặc trở thành điểm đến lý tưởng cho chuyến đi chữa lành, hòa mình với thiên nhiên, đời sống bản địa, xua tan mọi mệt mỏi thường ngày.
Một số gợi ý cho chuyến đi tới quần đảo Hải Tặc: - Tại quần đảo hầu hết là cơ sở lưu trú tự phát do người dân bản địa làm chủ, nếu muốn chọn những nơi đẹp cần đặt trước rất sớm. - Chi phí trên đảo không quá cao kể cả hải sản. Ví dụ như tôm, mực 150.000 - 200.000 đồng/đĩa; lẩu 100.000 - 200.000 đồng/nồi; nhum biểm 10.000 - 20.000 đồng/con tùy kích thước; các món khác như cơm, bún 15.000 - 20.000 đồng/phần. - Thời gian lý tưởng cho hành trình khám phá quần đảo là 2 ngày 1 đêm. - Thời điểm lý tưởng nhất là vào những ngày khô, có nắng, nên tránh mùa mưa bão (từ tháng 7,8). |
Tác giả: Thu Phương
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn