Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đường dây 500 kV mạch 3 - Bài 1: Gặp khó về địa hình và thời tiết

Giữa tháng 4, tiết trời nắng ráo như giảm phần nào lo lắng và sự sốt ruột từ các đơn vị và nhà thầu tham gia thi công đường dây 500 kV mạch 3, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa.

 Nhà thầu Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện 4 thi công ban đêm tại vị trí 2A. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Dường như tại những vị trí khó khăn nhất cũng đã bước vào giai đoạn đào hố móng. Bức tranh công trường mạch 3 đang trở nên sôi động sau giai đoạn dài gặp khó về thời tiết, địa hình để bám tiến độ theo yêu cầu của Chủ đầu tư (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT).

Sau hơn nửa tiếng vượt qua quãng đường rừng quanh co, xuống dốc, lên cao hun hút dài hơn 5 cây số, chiếc xe bán tải lắc lư mạnh theo nhịp trồi sụt, gồ ghề của con đường mở tạm, chúng tôi cũng đến được vị trí 36, thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Tiếng phá đá ầm ầm của 5 chiếc máy gắn búa chuyên dụng công suất lớn đã phá tan sự yên ắng vốn có của khu rừng sâu.

Ông Lưu Ngọc Luận, Phó ban điều hành nhà thầu Alphanam B&C thi công dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa cho biết, nhà thầu thi công gói thầu với 10 vị trí. Hầu hết các vị trí đều trên núi cao, móng nào cũng nhiều đá nên thi công rất khó khăn và kéo dài. Có những móng đá cấp 2, cấp 1 đá cứng, đá xanh nên phải dùng máy khoan đục rất lâu.

Tại vị trí 36 có khối lượng đá san gạt 13.200 m3, 1.600 m3 đá đào hố, đổ bê tông 437 m3, sắt thép 38 tấn. Tính cả thời gian làm đường tạm đến đục đá đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi. Đường đi rất khó khăn, lại do tháng trước có mưa nên ảnh hưởng nhiều đến thi công.

“Tại khu vực này liên quan đến rừng, nên chúng tôi không được phép nổ mìn, mà phải dùng máy gắn búa phá đá. Máy huy động theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là 4 tại chỗ ở địa phương, công suất lớn mới đảm bảo hiệu quả công việc. Rất khó khăn về thi công nhưng theo tinh thần của mạch 3, chúng tôi làm 3 ca 4 kíp, kể cả làm đêm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tại vị trí đặc biệt khó này”, ông Luận chia sẻ.

Hiện tại ở vị trí 36, việc san gạt đã xong, đào móng đã đạt 30% khối lượng. Với tiến độ này, nhà thầu dự kiến cuối tháng 4 mới đúc xong móng. Đây là cột néo góc đơn thân, nặng hơn 190 tấn, cao trên 70m.

Vì vậy để vận chuyển cột vào công trường trên quãng đường thi công rất khó khăn như thế này sau đào và đúc móng, chúng tôi sẽ dùng máy kéo vận chuyển ngay khi nhận cột, đề phòng trường hợp mưa lớn, đường sạt lở xe không vào được, ông Luận cho biết.

Theo kế hoạch, chúng tôi lên tiếp vị trí 34 trên dãy Hoành Sơn, với đỉnh núi cao 700m so với mặt nước biển thuộc xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhưng không thể tiếp cận được do mấy hôm trước trời mưa, đường sạt lở.

Cả đoàn phải dừng ở vị trí 35. Đây là một trong 5 vị trí thuộc gói thầu 13 của dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu do Công ty cổ phần Sông Đà 5 thi công. Các vị trí đều ở trên sườn núi thuộc dãy Hoành Sơn và thi công trong thời tiết thất thường, mưa nhiều.

 Ông Ứng Vũ Thanh, Giám đốc Ban điều hành thi công hạ tầng Sông Đà 5 chia sẻ những khó khăn khi thi công vị trí 35. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Ứng Vũ Thanh, Giám đốc Ban điều hành thi công hạ tầng Sông Đà 5, trực tiếp thi công gói thầu 13, 14 cho biết, các vị trí trong gói thầu do Công ty triển khai có đặc điểm là đều trên núi cao, thi công hết sức khó khăn, đặc biệt là vận chuyển vật tư vật liệu, cũng như lắp dựng cột sau này. Đến nay nhà thầu đã triển khai thi công được 55 ngày thì đã có 22 ngày mưa, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Theo khảo sát thì hiện tượng mưa ở huyện Kỳ Anh nhiều hơn tất cả các khu vực khác. Ông Thanh chia sẻ: Khi đấu thầu gói 13, đơn vị đã lường trước những bất lợi này. Do vậy Sông Đà 5 đã chủ động chuẩn bị phương án làm sao đảm bảo thi công trong điều kiện có mưa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ đầu tư, Sông Đà 5 đã đưa nhân lực, máy móc thiết bị lên núi sớm, cùng đó làm lán trại cho công nhân nghỉ tại công trường để đảm bảo tiến độ thi công tại các vị trí này.

“Chúng tôi đã chuẩn bị dàn xe vận chuyển chuyên dụng lên các vị trí, đồng thời vận chuyển gần 4.000 m3 vật tư vật liệu, hơn 1.000 tấn cột và các phương tiện đặc thù đi được trong trời mưa để đảm bảo tiến độ công trình. Đến nay các vị trí móng của gói thầu 13 đã đào xong và đang đổ cột trụ. Chúng tôi quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo với tiến độ xong phần móng trước ngày 20/4 và tiếp tục thực hiện lắp dựng cột trên các vị trí này”, đại diện Sông Đà 5 nhấn mạnh.

Thời điểm cao điểm tháng trước, nhà thầu đã tập trung máy móc và nhân lực từ 150-200 người để dồn lực thi công trên 5 vị trí, tổ chức làm tăng ca, kể cả làm xuyên đêm mới đảm bảo được tiến độ. Mỗi vị trí có từ 5-6 máy xúc, máy ủi để đào, san gạt, với khối lượng lên tới hơn 110.000 m3.

Theo ông Thanh, về vấn đề dựng cột, trọng lượng mỗi vị trí là 200 tấn, đặc biệt vị trí 34 là dựng cột ống, nặng 169 tấn, cao 95m, mới được triển khai ở Việt Nam. Với địa hình trên núi như vậy việc cẩu các ống cột lên lắp dựng rất khó, thực tế này khiến Sông Đà 5 phải cử cán bộ học tập kinh nghiệm và tập trung nhân lực, công nhân lành nghề để có giải pháp dựng cột tại vị trí khó khăn này.

Cũng theo ông Thanh, tuyến đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu cùng 3 dự án 500 kV mạch 3 còn lại yêu cầu đóng điện cuối tháng 6/2024 là khó khả thi vì trên thực tế chưa đơn vị nào thi công một đường dây 500 kV đóng điện trong 6 tháng, tối thiểu phải là 9 tháng, hoặc hơn 1 năm. Đối với Sông Đà 5, khi ký thầu, tiến độ chỉ có 5 tháng, thật là bài toán khó.

“Với những vị trí thuận lợi như vị trí 65, từ khi thi công đến khi dựng cột chỉ có 45 ngày, nhưng tại vị trí 34, nếu thi công một cách tối ưu, cùng với dựng cột và kéo dây thì phải hơn 4 tháng mới có khả năng xong vị trí này. Mặc dù vậy, điều chúng tôi lo lắng nhất không phải là khâu thi công mà là khâu cung cấp cột”, ông Thanh cho hay.

 Vị trí 428 trên địa bàn xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đang được liên doanh nhà thầu Vitech - Fecon lắp dựng cột. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại vị trí 2A gói thầu 9, nằm trên địa bàn xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình thuộc dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch Quỳnh Lưu. Vị trí này có địa hình dốc cao nên điều kiện thi công rất khó, chưa kể khối lượng san gạt lớn, đặc biệt khối lượng đào san gạt gần 100% là đá.

Ông Hà Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện 4 cho biết, nhà thầu đảm nhận gói từ 8 - 12 và 31, 32 thuộc dự án trên. Riêng vị trí 2A thuộc gói thầu số 9 có thời điểm nhà thầu phải huy động 5 máy đào xúc phá đá, khoan đá để thi công với nhân lực thường xuyên từ 25 - 30 cán bộ công nhân triển khai.

Đặc thù của vị trí này theo chỉ đạo của EVNNPT ngay trong đêm 11/4, nhà thầu phải triển khai đúc 2 trụ cuối cùng nhằm đáp ứng tiến độ cắt điện hay đường dây 500 kV Quảng Trạch - Vũng Áng và Quảng Trạch - Dốc Sỏi để phục vụ đấu nối trước sân phân phối Quảng Trạch.

Với các vị trí trong gói thầu Xây lắp điện 4 đảm nhiệm theo ông Sơn nhà thầu đều tích cực triển khai ban đêm, tăng ca. Tuy nhiên tại khu vực đấu nối sát dân cư nên chỉ làm được đến 23h.

Ở đây ngoài khó khăn về thi công, đường vận chuyển các vị trí móng đi qua đường dân sinh nên thường xuyên vấp phải sự cản trở của địa phương. Tuy nhiên, được sự can thiệp kịp thời của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị thay mặt Chủ đầu tư quản lý dự án và lãnh đạo địa phương, các khó khăn đã được tháo gỡ.

“Các gói thầu của Xây lắp điện 4 cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đang bám sát tiến độ Chủ đầu tư yêu cầu, chỉ có một số vị trí đặc biệt khó khăn trên núi cao như vị trí 26, 27 gói thầu 11; 28, 29 gói 12, chúng tôi phấn đấu trong tháng 4 này cơ bản hoàn thành”, ông Sơn cam kết.

Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Thăng Long đảm nhiệm 2 gói thầu 16 và 17 với 25 vị trí. Đến nay phần móng đã thi công được 17 vị trí, 3 vị trí móng cọc ép cọc đã xong. Sau khi hoàn thành phần móng, có cột về là nhà thầu triển khai dựng cột luôn.

Tại vị trí 91, thuộc địa bàn xã Yên Lạc, huyện Yên Thanh, Thanh Hóa, Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Thăng Long đang lắp dựng cột cao 79m, nặng gần 95 tấn. Ông Đỗ Đường Hợp, Chỉ huy trưởng Công ty cũng nêu những bất lợi khi triển khai thi công các gói thầu trong điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình đồi núi, trơn trượt, dưới đồng ruộng thì sình lầy nên vận chuyển máy móc thiết bị rất khó khăn.

Với vị trí 91 phải dùng cột tròn vì đặc thù địa hình có chân, khoảng cột vượt xa khoảng 700m phải dùng cột cao để bảo đảm an toàn cho dân đi lại phía dưới. Về mặt kỹ thuật lắp dựng phức tạp hơn một chút, phần lắp thủ công phức tạp hơn, liên kết cấu kiện nặng, không rời như thép định hình truyền thống.

Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong lắp dựng cột, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật, công nhân cùng với Chủ đầu tư tập huấn, hướng dẫn phương án lắp đặt qua thực tiễn tại một số vị trí đã lắp dựng. Vì vậy nhà thầu cũng không gặp khó khăn nhiều trong lắp dựng loại cột tròn lần đầu tiên sử dụng trong công trình đường dây 500 kV mạch 3 này.

Đến thời điểm giữa tháng 4, Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Thăng Long vẫn kiểm soát tốt được tiến độ Chủ đầu tư đề ra. Với 8 vị trí móng còn lại đã đúc xong toàn bộ phần đế, đến ngày 20 - 22/4 nhà thầu sẽ hoàn thành móng, sau đó triển khai song hành lắp dựng cột và kéo dây.

Bài cuối: Vượt khó để bám tiến độ

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: bnews.vn