Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh
- 05:36 13-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mục tiêu chung của Kế hoạch là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm; hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh
Để đạt mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, trong đó, đối với công tác chỉ đạo điều hành, cần phải thực hiện thường xuyên, kịp thời trên cơ sở theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành y tế với các sở, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trong công tác dự phòng, cần theo dõi, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh, thường xuyên phân tích đánh giá, nhận định, dự báo tình hình. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án với một tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường thực hiện giải trình tự gen để phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, nhất là các tác nhân lây truyền qua đường hô hấp.
Mặt khác, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong công tác kiểm dịch, phải rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về quy trình kiểm dịch tại các cửa khẩu phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, cập nhật các thông điệp truyền thông phòng chống bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu và tổ chức cấp thẻ cho kiểm dịch viên y tế tại các địa phương.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Về công tác tiêm chủng phải đảm bảo an toàn; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 90% quy mô cấp xã trên phạm vi toàn tỉnh.
Đối với công tác điều trị, tiến hành rà soát, củng cố năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường, bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là công tác điều trị, hồi sức tích cực. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh dịch.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; đào tạo tập huấn về quy trình giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ xâm nhập.
UBND tỉnh giao Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành: NN&PTNT, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an, Ngoại vụ, TT&TT, Tài chính, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên người, bệnh từ động vật lây truyền sang người; phối hợp giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu trên địa bàn. Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan để đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm được tổ chức thực hiện nghiêm túc, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức các đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, công bố dịch, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế; kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tác giả: PQ (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn