Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tử hình bà Trương Mỹ Lan: 108.000 tỉ đồng, 14,7 triệu USD và khối tài sản "khủng" xử lý thế nào?

HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ số bất động sản, dự án liên quan bị cáo Trương Mỹ Lan mà chưa được giải quyết trong vụ án.

Ngày 11/4, TAND TP.HCM đã tuyên án bà Trương Mỹ Lan 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 84 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức có liên quan.

Theo đó, HĐXX tuyên tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan phải chịu là án tử hình.

Bên cạnh đó, tòa buộc Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến giữa tháng 10/2022, tương đương số tiền hơn 673.800 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài bị cáo Lan, toà tuyên 3 án chung thân về tội Tham ô tài sản cho các bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Đinh Văn Thành (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB). Trong đó bị cáo Thành đang bị truy nã, bị xét xử vắng mặt.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Nhàn (Cựu Cục trưởng Cục II Ngân hàng Nhà nước) mức án tù chung thân về tội "Nhận hối lộ".

 Bà Trương Mỹ Lan trong ngày tuyên án - Ảnh: VTV

Thông tin trên Thanh Niên cho hay, trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX thu thập sổ tay ghi chép của các trợ lý bị cáo Trương Mỹ Lan, cho thấy số tiền 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD chở về tòa nhà Vạn Thịnh Phát không chỉ từ SCB mà còn nguồn gốc trái phiếu. Do đó, HĐXX đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, tiếp tục làm rõ sai phạm quanh số tiền này (nếu có), để làm căn cứ giải quyết trong giai đoạn 2.

Ngoài ra, theo tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan lấy tiền từ SCB đầu tư, chuyển nhượng nhiều dự án đang bị kê biên, không có hồ sơ pháp lý rõ ràng. Do đó, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ số bất động sản, dự án liên quan bị cáo Lan chưa được giải quyết trong vụ án để xác định đúng bản chất, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc kê biên khắc phục hậu quả.

Xử lý khối tài sản khổng lồ bị kê biên

Cũng trong ngày tuyên án, tòa tuyên giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp. Quá trình xử lý các tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan thì dùng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.

Toà cũng tuyên tịch thu số tiền 4,8 triệu USD mà Đỗ Thị Nhàn đã nộp, đồng thời buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền tương đương 400.000 USD để sung ngân sách. Ngoài ra, hĐXX cũng buộc bị cáo Nhàn nộp phạt hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng.

Thông tin trên VnExpress cho hay, đối với số tiền mà các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, HĐXX tuyên chuyển cho SCB. Ngoài ra, toà buộc các bị cáo được bà Lan cho, thưởng phải nộp lại số tiền, đồ vật, cổ phiếu... để đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan. Tiếp tục kê biên, tạm giữ các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu, hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, những người liên quan khác, để đảm bảo thi hành án...

Bản án cũng xác định, với các tài sản, khoản tiền để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm vụ án này và các vụ án của giai đoạn hai) sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu (khoảng hơn 30.000 người dân).

 Căn biệt thự cổ ở Võ Văn Tần bị tiếp tục kê biên - Ảnh: Tiền Phong

Theo HĐXX, đối với tòa nhà ở 75 Nguyễn Huệ mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho SCB thuê, Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản của Trương Mỹ Lan, nên tuyên tiếp tục kê biên nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Với căn biệt thự cổ có giá 700 tỉ đồng ở 110-112 Võ Văn Tần mà Trương Mỹ Lan xin trả lại cho gia đình, HĐXX cho rằng, hiện chưa thu giữ được sổ đỏ, con gái bà Lan là Chu Duyệt Phấn xin hủy kê biên. Tòa xét cổ đông công ty sở hữu tòa nhà này thực chất là con cháu của Trương Mỹ Lan nên là tài sản của bà Lan.

Do đó, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo. Tài sản này UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ cho trùng tu, không được thay đổi hiện trạng.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần TH Hạ Long và Công ty Âu Lạc đã nhận từ Trương Mỹ Lan hơn 6.090 tỉ đồng để chuyển nhượng 18 triệu cổ phần là tiền từ SCB, phải thu hồi về cho SCB, nên buộc 2 công ty này nộp lại 6.090 tỉ đồng.

Ngoài ra, HĐXX không chấp nhận đề nghị của Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.350 tỉ đồng do Nguyễn Cao Trí và một người khác chuyển trả sang cho bị cáo Trương Huệ Vân để khắc phục thiệt hại. Theo tòa, bị cáo Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản của bị cáo cũng chưa đủ để khắc phục.

Với tài sản kê biên của bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan), tòa nhận định bị cáo được bị cáo Lan nuôi nấng từ nhỏ, bản chất tài sản là của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nên tuyên tiếp tục kê biên đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Đối với tài sản phong tỏa, kê biên có liên quan vụ án, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục phong tỏa, kê biên; đồng thời, gỡ phong tỏa, kê biên với các tài sản không liên quan tới vụ án.

(Tổng hợp)

Tác giả: Trang Anh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn