V.League lại tạm nghỉ vì U23 Việt Nam: Bao giờ mới đạt chuẩn thế giới?
- 15:50 07-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông lệ xấu
Từ lâu, V.League luôn vận hành theo cách ưu tiên các đội tuyển quốc gia, bao gồm cả tuyển U23 Việt Nam. Ban tổ chức sẵn sàng tạm dừng giải đấu 3-4 tuần, thậm chí 2 tháng để các cầu thủ có đủ thời gian tập trung, tập luyện cùng nhau chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế.
Về góc độ nào đó, quyết định của V.League được khá nhiều người hâm mộ ủng hộ. Lý do vì những người hâm mộ này quan tâm đến thành bại của các đội tuyển Việt Nam hơn là đời sống V.League hàng ngày. Thế nhưng, với những ai sống trong nền bóng đá Việt Nam, những đợt nghỉ dài hạn khiến họ cực kỳ khó khăn.
Hầu hết tuyển thủ U23 Việt Nam đều ngồi dự bị ở V.League. |
Mùa giải 2021, các CLB V.League từng gửi công văn lên Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để phản đối các đợt nghỉ dài xen kẽ giữa mùa giải. Năm 2022, giải đấu từng gián đoạn 2 tháng vì các giải U23 và AFF Cup liên tục diễn ra. Đây vốn là các giải đấu không nằm trong FIFA Days - các kỳ nghỉ quốc tế bắt buộc, áp dụng toàn cầu.
Việc ảnh hưởng đến phong độ, nhịp độ thi đấu chỉ là một lý do rất nhỏ khiến các CLB phản đối các đợt nghỉ dài. Lý do chính vẫn là tài chính. Khi V.League tạm nghỉ giữa mùa, các CLB vẫn phải hoạt động và trả lương cho phần lớn cầu thủ nhưng… không thi đấu. Những CLB có tiềm lực mạnh như Hà Nội FC có thể tìm kiếm các đối thủ tốt để đá giao hữu, qua đó duy trì cảm giác bóng. Nhưng với những CLB nhỏ hơn, ít tiền hơn, đây là gánh nặng thực sự với họ.
Chính vì vậy, không khó hiểu khi hàng loạt HLV lên tiếng phản đối việc V.League tạm nghỉ vì vòng chung kết U23 châu Á 2024. Đây là kỳ nghỉ cực kỳ bất hợp lý, bởi lẽ giải đấu vừa đoạn hơn nửa tháng (từ 15/3 đến 31/3) cho FIFA Days tháng 3/2024. Khi vừa trở lại thi đấu 2 vòng 14 và 15, V.League lại dừng đến 1 tháng.
HLV Vũ Tiến Thành của HAGL bức xúc nói: “Những nhà tổ chức giải V.League không biết cách tổ chức sự kiện, tổ chức theo kiểu này, cầu thủ chấn thương hết. Tôi không hiểu tại sao lại sắp lịch thi đấu kiểu đá một lèo rồi nghỉ tháng 6. FIFA Days (những ngày FIFA cho phép các đội tuyển thi đấu tập trung theo lịch toàn cầu) thì tôi chấp nhận nghỉ, nhưng cũng chỉ 10-12 ngày thôi. Chứ bóng đá chuyên nghiệp không thể có kiểu đội tuyển tập trung kéo dài cả tháng, nhất là đội trẻ”.
“Khi nhìn vào một nền bóng đá, người ta sẽ nhìn vào giải VĐQG. ĐTQG khi lựa chọn cầu thủ cũng phải lựa từ V.League. Với lịch thi đấu như thế này, tôi lo là khi ĐT Việt Nam đá hai trận còn lại tại Vòng loại World Cup 2026 (gặp Philippines và Iraq), cầu thủ sẽ chấn thương hết”.
Cũng vì kế hoạch nghỉ thi đấu được sắp xếp từ đầu mùa, V.League xảy ra tình trạng nhiều trận đấu diễn ra vào… thứ Năm, thứ Sáu. Lịch thi đấu bị đánh giá là lỡ cỡ. Thông thường, các giải VĐQG trên thế giới luôn diễn ra vào cuối tuần để thu hút khán giả đến sân. Riêng V.League ngược lại để đảm bảo thời gian tập trung cho các đội tuyển.
Đã đến lúc thay đổi
V.League đã tiến một bước quan trọng khi thay đổi lịch thi đấu mùa giải theo chuẩn thế giới: bắt đầu từ mùa Thu và kết thúc vào mùa Hè. Và bây giờ, đã đến lúc V.League vận hành theo chuẩn thế giới.
Không giải đấu chuyên nghiệp lớn nào ở châu Á hay châu Âu tạm dừng vì đội tuyển trẻ. Họ cũng không nghỉ thi đấu sớm hơn để các cầu thủ lên tuyển quốc gia. Ngay cả các giải đấu ở Đông Nam Á hiện tại cũng đã khác.
Thái Lan từ lâu không tạm dừng vì các giải đấu nằm ngoài hệ thống chính thức của FIFA. Indonesia là nước mới nhất mà các CLB không nhượng bộ. Theo kế hoạch ban đầu, ban tổ chức giải VĐQG Indonesia (PT Liga) tuyên bố giải đấu sẽ nghỉ thi đấu từ 1/4 đến hết 3/5, ngày diễn ra chung kết U23 châu Á 2024. PT Liga đưa ra quyết định này sau khi các CLB không đồng ý nhả cầu thủ cho U23 Indonesia.
Nhưng sau vài ngày chịu nhiều sức ép từ các CLB, PT Liga đã phải “quay xe”. Vòng 31 của giải đấu, vốn bị hoãn, sẽ tiếp tục vào ngày 15/4 và giải VĐQG Indonesia vẫn diễn ra song song với vòng chung kết U23 châu Á. Ngược lại, các CLB sẽ xem xét nhả quân cho U23 Indonesia tùy theo tầm quan trọng của họ.
Trên thực tế, tuyển U23 Việt Nam không lấy quá nhiều cầu thủ trụ cột của các CLB tại V.League. Trong danh sách mà HLV Hoàng Anh Tuấn công bố gần đây, chỉ có một vài cái tên thường xuyên đá chính ở CLB như Nguyễn Văn Việt, Lê Nguyên Hoàng (SLNA), Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang (Thể Công Viettel), Nguyễn Thái Sơn (Đông Á Thanh Hóa). Một số cầu thủ khác chỉ là trụ cột ở giải hạng Nhất.
Chính vì vậy, việc V.League phải tạm dừng vì tuyển U23 Việt Nam càng trở nên bất cập. Các CLB gần như không ảnh hưởng gì khi nhả cầu thủ trẻ cho vòng chung kết U23 châu Á 2024. Họ thậm chí sẵn sàng đối thoại với VPF và VFF để làm điều này.
Nếu muốn cầu thủ phát triển đúng hướng và chuyên nghiệp hơn, bản thân V.League cũng cần vận hành đúng chuẩn. Đã đến lúc V.League thay đổi để tất cả cùng tốt hơn.
Cái lý của VPF VPF và ban tổ chức V.League đương nhiên cũng có cái lý của mình khi liên tục ngắt quãng giải đấu. Tại Hội thảo công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023 - 2024 (6.2023), VPF và các câu lạc bộ đều thống nhất quỹ thời gian tổ chức mùa giải là từ ngày 20/10/2023 đến 11/7/2024. Quãng thời gian này bao gồm việc tổ chức 26 vòng đấu V.League, 22 vòng đấu hạng Nhất và 25 trận Cúp Quốc gia. Xen kẽ là 4 quãng nghỉ dành cho FIFA Days, Asian Cup 2023, U23 châu Á 2024 và lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, việc xếp lịch thi đấu cũng không phải dễ dàng. Để thay đổi, VPF cần ngồi lại với VFF và các CLB để tìm ra phương án nghỉ tối ưu nhất. Việc thi đấu 26 vòng có thể khiến khoảng thời gian giữa 2 mùa giải kéo dài bất thường nếu V.League không có quãng nghỉ dài nào ở giữa mùa. |
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân