Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ám ảnh nạn khai thác vàng: Công ty Thủ Đô chưa từ bỏ tham vọng

Chính quyền các cấp huyện Tương Dương, đặc biệt là đồng bào vùng liên đới đã quá ngán ngẩm với hệ lụy kinh hoàng của vấn nạn khai thác vàng trái phép để lại.

 Vấn nạn khai thác vàng trái phép từng là nỗi ám ảnh khôn nguôi của huyện Tương Dương. Ảnh: Tài Liệu. 

Thương đau, mất mát quá nhiều, dân bản không chấp nhận đánh đổi tài nguyên một lần nữa, dù vậy cánh doanh nghiệp lắm của nhiều tiền vẫn chưa từ bỏ tham vọng.

Ám ảnh kí ức buồn

Đại diện lãnh đạo xã Yên Tĩnh (Tương Dương, Nghệ An) xác nhận giai đoạn 2007 - 2010 là đỉnh điểm của nạn khai thác vàng trên địa bàn. Thực chất chỉ Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô có giấy phép thăm dò, lấy mẫu chứ chưa đủ điều kiện khai thác.

Dù vậy do công tác quản lý thời kỳ đó không đến đầu đến đũa, nhộm nhoạm từ trên xuống dưới tức thì dẫn đến tình trạng “vỡ trận”, mạnh ai nấy làm. Hàng loạt doanh nghiệp máu mặt (Thủ Đô, Hợp Vinh, Trung Tín…), nhiều thành phần, đối tượng cộm cán được thể tìm về, thi nhau xâu xé, đục khoét nguồn tài nguyên màu mỡ.

 Tài nguyên bị tàn phá không thương tiếc. Ảnh: Tài liệu.

Vấn nạn này không chỉ diễn ra tại địa phận xã Yên Tĩnh mà còn “lan” sang các xã Yên Na, Yên Hòa. Sau cuối lợi lộc, bạc tiền cũng tan biến như nước chảy bèo trôi, chỉ mất mát, đau thương là âm ỉ mãi đến giờ.

Cán bộ và người dân vùng liên đới, đặc biệt là những nhân chứng sống của công cuộc khai thác vàng vô tội vạ năm xưa khăng khăng Công ty Thủ Đô “chiếm sóng” tại các bãi vàng, đặc biệt là đỉnh đồi Pu Phen. Đỉnh Pu Phen như một hình tam giác, mỗi cạnh gắn với địa giới hành chính của mỗi xã (Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa), điều này gây ra nhiều phiền toái trong công tác kiểm tra, giám sát.

Thủ phủ Pu Phen và lòng khe Cha Hạ là 2 “mỏ vàng” của cánh doanh nghiệp lắm của nhiều tiền và những đối tượng cộm cán, trong khi người dân bản địa chủ yếu làm thuê, lấy công làm lãi. Dù thị phần chẳng thể hiện trên giấy trắng mực đen nhưng đó là quy luật bất thành văn. Ngầm hiểu như thế nhưng do chiếc bánh quá màu mỡ nên xích mích, mâu thuẫn xảy ra triền miên. Cảnh tượng đâm, chém phân chia lãnh thổ, thậm chí sử dụng hàng nóng tại bãi vàng không phải chuyện hiếm gặp.

 Quá trình xử lý rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức. Ảnh: Tài liệu.

Để cánh doanh nghiệp thoải mái vẫy vùng cho thấy công tác quản lý tồn tại nhiều vấn đề, nếu không muốn nói là có dấu hiệu buông lỏng, thả nổi, muốn ra sao thì ra. Những người am hiểu tường tận chia sẻ, trên danh nghĩa cơ quan chuyên môn vẫn đều đặn ra quân, thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát. Có điều trước sau vẫn chung một kết cục, khi xua quân đến hiện trường thì các đối tượng đã tẩu tán từ bao giờ. Máy móc, trang thiết bị cồng kềnh cũng không cánh mà bay (?!)

Gắn bó với mảnh đất này đã lâu, ông Nguyễn Hữu Huề, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh hiểu rõ những hệ lụy bi thương của quá trình tàn phá tài nguyên: “Nghề làm vàng đối diện với muôn vàn nguy cơ, nặng thì sập hầm, mất mạng như chơi. Đầu nậu hay người làm thuê đều có tiền, có vàng, rủng rỉnh ắt nảy sinh tệ nạn, tật xấu. Nghiện ngập thời đấy rất nhiều, cơ bản rơi vào thành phần trong độ tuổi lao động.

Phụ nữ vùng này cũng chịu liên lụy bởi ma lực của đồng tiền, nhiều người xuôi lòng trước những lời cám dỗ có cánh, hậu quả để lại là gia đình ly thân, ly tán. Một số khác chưa lấy chồng đã có con, qua thống kê, trẻ mồ côi trong độ tuổi đi học có 17 em, số bỏ ngang còn nhiều hơn nữa. Xoay quanh nội dung này là câu chuyện không hồi kết, có chăng nên quên đi để hướng đến những điều tốt đẹp hơn”.

Lòng người chưa yên khi tài nguyên bị nhòm ngó

Mây mù dần được xua tan, những tia nắng hanh vàng đã kéo đến. Độ 5 năm trở lại đây, chính quyền huyện Tương Dương và các xã Yên Tĩnh, Yên Na kiên quyết nói không với vấn nạn vàng tặc, tất cả đều không muốn lặp lại kí ức buồn xưa cũ.

Nhiều cuộc đẩy đuổi, tuần tra, truy quét được triển khai trên diện rộng, đích thân lãnh đạo cốt cán của huyện, xã, cơ quan chức năng trực tiếp tham gia cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Dẫu còn đó lác đác một vài sự vụ đơn lẻ nhưng tình hình cơ bản đã được kiểm soát, tình trạng chảy máu tài nguyên không còn nữa.

 Những năm gần đây, chính quyền các cấp huyện Tương Dương và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều cuộc tuần tra, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép trên diện rộng. Ảnh: Khôi An.

“Những năm gần đây diễn biến chung đã ổn, an ninh ngày càng được giữ vững. Chính quyền không một phút giây lơ là, kiên quyết dẹp bỏ tận gốc nạn khai thác vàng trái phép. Quá trình đẩy đuổi diễn ra thường xuyên, liên tục, có những tháng tiến hành đến vài cuộc. Nội dung này mất nhiều thời gian, công sức, dẫu vất vả nhưng vì quyền lợi của nhân dân, anh em cán bộ địa bàn không chút nề nà.

Yên Tĩnh hôm nay đang đổi thay trông thấy, khắp các triền đồi trải dài một màu xanh mướt mắt, những rừng keo tươi tốt đủ mang lại cơm ăn, áo mặc cho đồng bào. Lòng khe Cha Hạ cũng hồi sinh sau chuỗi ngày khổ ải, các loài thủy sinh, tôm cá lại tìm về sinh sôi, nảy nở. Trên đỉnh Pu Phen sự sống đang đâm chồi nhờ sản phẩm chè dây trứ danh, chúng tôi ấp ủ sẽ gầy dựng thành thương hiệu nức tiếng trong tương lai không xa”, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, ông Lữ Khăm Phon nhấn mạnh.

 Sóng gió qua đi, Yên Tĩnh hiện tại đang căng đầy nhựa sống. Ảnh: Khôi An.

Quan điểm của chính quyền và nhân dân huyện Tương Dương rất rõ ràng, họ không chấp nhận đánh đổi tài nguyên để lấy về những thứ phù phiếm, xa hoa. Đồng bào cần một cuộc sống yên bình đúng nghĩa, họ muốn trồng cây gây rừng, phát triển chăn nuôi để ổn định sinh kế. Mong muốn bình dị đó đang đối diện với nhiều áp lực, nhất là sau những động thái gần đây của Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô.

Theo đó, sau khi tiếp nhận đề nghị của của doanh nghiệp này về việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đưa dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương vào khai thác. Ngày 6/12/2023 Bộ TN-MT đã có Công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An trao đổi những vấn đề xoay quanh.

Bộ TN-MT khẳng định trước khi tiến hành khai thác, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án này. Tuy nhiên, công ty chậm thực hiện.

Mặt khác, Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tiếp tục cho phép và hướng dẫn, hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm đưa mỏ vào khai thác. Trường hợp không đồng thuận việc tổ chức tham vấn cộng đồng, dự án không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai, đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đầu tư.

 Nếu Công ty Thủ Đô thủ đô đạt được mục đích của mình, chắc chắn nhiều bộ phận "ăn theo" sẽ a dua để tiếp tục xâu xé tài nguyên một lần nữa. Ảnh: Tài liệu.

Đáp lại, UBND tỉnh Nghệ An đã gấp rút chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc. Trên tinh thần đó, ngày 11/01/2024 UBND huyện Tương Dương đã ban hành giấy mời về việc tổ chức buổi làm việc lấy ý kiến của UBMTTQ, UBND các xã Yên Na và Yên Tĩnh, cộng đồng dân cư của 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh. Ấn định xong xuôi, bất ngờ thay Công ty Thủ Đô đã xin lùi thời gian vì lý do quá gấp gáp, không kịp chuẩn bị tài liệu. Điều này thật khó hiểu, bởi lẽ chính đơn vị này tỏ ra sốt sắng hơn cả trong việc xin chủ trương.

Nhằm sớm thoát khỏi tình cảnh đêm dài lắm mộng, phía huyện Tương Dương đã năm lần bảy lượt đề nghị Công ty Thủ Đô giải quyết dứt điểm, dù vậy kết quả không đổi.

 Người dân Yên Tĩnh hoàn toàn có thể sống tốt nhờ vào vốn rừng thay vì chạy theo những thứ phù phiếm, xa hoa. Ảnh: Việt Khánh.

Xoay quanh dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc vốn tốn nhiều giấy mực, chỉ khi thu được kết quả khả quan từ quá trình tham vấn cộng đồng, Công ty Thủ Đô mới có thể nuôi tiếp giấc mộng của mình. Dù vậy ghi nhận thực tế không cho thấy tính khả thi, cử tri và nhân dân, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng làng bản ở Yên Na, Yên Tĩnh đều kiên định lập trường, thẳng thừng nói không với doanh nghiệp. Xem ra, việc trì hoãn là có nguyên do.

Tác giả: Nhóm PVĐT

Nguồn tin: nongnghiep.vn