Dự án cấp bách, thực hiện dây dưa
- 05:50 05-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2009. Dự án này do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 80 tỉ đồng.
Trễ hẹn nhiều năm
Theo kế hoạch, đến ngày 30-12-2011, dự án xây dựng khu TĐC Khe Mừ hoàn thành với mục tiêu bố trí cho 120 hộ dân vạn chài sống lênh đênh trên sông Lam ở huyện Thanh Chương có nơi ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
|
Nhiều hộ dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An sống tạm bợ ven sông Lam |
Là dự án khẩn cấp song khu TĐC Khe Mừ lại thi công kéo dài. Năm 2020, dự án được bố trí thêm 5 tỉ đồng để hoàn thiện nhà văn hóa và một số hạng mục khác.
Có mặt tại khu vực xây dựng dự án này vào đầu tháng 4-2024, chúng tôi chưa thấy hộ dân nào được bố trí TĐC. Toàn bộ khu vực dự án rộng hàng trăm hecta cỏ dại mọc um tùm. Nhiều hạng mục như đường, nhà văn hóa, hệ thống điện… do bỏ hoang nhiều năm đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Trong khi đó, tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, dự án TĐC khẩn cấp cho người dân xóm Hòa Lam - ngoài đê ven sông Lam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An triển khai lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC để di dời khẩn cấp người dân Hòa Lam khỏi vùng thiên tai. Đến tháng 11-2013, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỉ đồng, giao Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành. Hàng trăm hộ dân hằng ngày vẫn thấp thỏm vì nguy cơ sạt lở.
Ông Lê Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, cho biết 2 dự án nêu trên đều cấp bách nhưng lại triển khai, thực hiện chậm, kéo dài nhiều năm, nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, 2 dự án này đã phát sinh nhiều bất cập, việc xử lý lại kéo dài nên đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch bàn giao, đưa vào sử dụng 2 khu TĐC.
Mỏi mòn chờ an cư
Xóm Hòa Lam có 82 hộ dân với gần 300 người liên quan đến dự án xây dựng khu TĐC. Nhiều gia đình 3-4 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà cũ nát, không biết sập xuống sông hay bị nước cuốn lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân xóm Hòa Lam, lo lắng: "Gia đình tôi ở đây đã mấy chục năm nay rồi. Mỗi khi có mưa lũ, cả xóm bỏ nhà cửa dắt nhau chạy lên đê lánh nạn, khổ lắm!".
Nguyện vọng lớn nhất của người dân Hòa Lam lúc này là sớm được di dời vào nơi ở mới bên trong đê để bảo đảm an toàn. "Tôi sống tạm bợ, bấp bênh ven sông đã gần hết cả đời người rồi, giờ chỉ mong chính quyền di dời, TĐC đến nơi ở mới" - bà Ngô Thị Đào, người dân xóm Hòa Lam, thổ lộ.
Theo ông Dương Xuân Thám, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, hiện 82 hộ dân Hòa Lam vẫn phải sống tạm bợ ở khu vực ngoài đê sông Lam. Khu TĐC dù thi công kéo dài nhiều năm nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao để xã bố trí dân vào ở. Ngoài ra, do dự án trễ tiến độ nhiều năm nên phát sinh 24 hộ mới. Các hộ này đều là con em của người dân Hòa Lam nên cũng cần được bố trí TĐC.
"Do ở bên ngoài đê nên người dân rất lo. Chính quyền địa phương cũng vậy, cứ mỗi lần có mưa bão là chúng tôi đứng ngồi không yên, sợ người dân và tài sản bị nước cuốn trôi. Chúng tôi đang mong từng ngày khu TĐC sớm hoàn thành để di dời người dân vào khu vực an toàn" - ông Thám bày tỏ.
Cũng tại huyện Thanh Chương, 14 năm qua, hơn 100 hộ dân vạn chài ở 2 xã Võ Liệt và Thanh Chi - cách khu TĐC Khe Mừ khoảng 13 km - mong ngóng từng ngày được lên bờ, sớm an cư, ổn định cuộc sống.
Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, cho hay những hộ này cũng sống tạm bợ trên ghe thuyền hoặc ven sông. Theo ông Lĩnh, do chờ đợi việc được bố trí đến khu TĐC quá lâu, một số hộ dân đã bỏ đi nơi khác. Những hộ còn lại phải dựng nhà tạm dọc bờ sông Lam để tá túc qua ngày.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, khẳng định huyện đang làm việc với chủ đầu tư, đề nghị bố trí đủ kinh phí để hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng còn dang dở, sửa chữa những hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng; đo đạc, chia đất sản xuất để sớm di dời người dân vào các khu TĐC.
"Ngoài ra, để bảo đảm người dân có điều kiện an cư lâu dài, huyện đang điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, chia đất sản xuất trước khi đưa các hộ đủ điều kiện vào ở các khu TĐC" - ông Thanh thông tin.
Khó khăn về kinh phí Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Nghệ An hiện có 8.415 hộ/ 36.585 người sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy. Các hộ này chủ yếu tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương... Do khó khăn về kinh phí nên chính quyền địa phương chưa thể bố trí TĐC cho các hộ dân này theo đúng kế hoạch. Vì vậy, hàng ngàn người vẫn phải sống trong tâm trạng bất an. |
Tác giả: Đức Ngọc
Nguồn tin: Báo Người Lao Động