Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ GTVT đề nghị phủ sóng điện thoại di động trên 2 tuyến cao tốc

Việc cung ứng đầy đủ dịch vụ viễn thông, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ trên các tuyến đường cao tốc để nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý vận hành.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phủ sóng viễn thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, đặc biệt là hai tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan.

Nội dung văn bản nêu rõ, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài hơn 9.000km. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bộ GTVT cho biết đến nay cả nước đã đưa vào khai thác, sử dụng gần 1.900km. Các tuyến cao tốc đã tạo động lực, không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Đánh giá đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao, hiện đại, được quản lý, vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS), do đó, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải có đầy đủ dịch vụ viễn thông, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng chưa được phủ sóng điện thoại di động, chưa được cung cấp các dịch vụ viễn thông như tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan.

Từ thực trạng trên, Bộ GTVT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu sớm phủ sóng điện thoại di động, cung cấp dịch vụ viễn thông trên các tuyến cao tốc để nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý vận hành, đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối thông tin của người dân, doanh nghiệp.

 Một đoạn trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo Bộ GTVT, hệ thống ITS giúp tăng khả năng kết nối giữa con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Hiện nay một số tuyến đường đã được hoàn thiện hệ thống ITS trong quá trình đầu tư xây dựng dự án và được đưa vào hoạt động đồng bộ. Qua đó phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nâng cao năng lực thông hành và đảm bảo an toàn giao thông.

Về lộ trình triển khai, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch hệ thống ITS quốc gia và kiến trúc ITS quốc gia đến năm 2030.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đầu tư, khai thác hệ thống ITS và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn sử dụng trong đầu tư và vận hành hệ thống ITS; chuẩn bị và thực hiện đầu tư đối với hệ thống ITS cho các tuyến cao tốc đã, đang đầu tư.

Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; kết nối các trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia đối với hệ thống đường cao tốc.

Giai đoạn sau 2030, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ITS các tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh; kết nối các trung tâm ITS tuyến thuộc địa phương về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn