Nắng nóng gây nguy cơ lớn
- 13:55 01-04-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm 27-3 vừa qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ ghi nhận ngày nóng nhất trong mùa với nhiệt độ lên tới 37 độ C, cao hơn 4 độ C so với mức nhiệt trung bình của thời gian này trong năm.
Hai ngày sau, hàng loạt thành phố ở miền Trung Ấn Độ chịu trận dưới cái nóng như thiêu, với nhiệt độ tối đa vượt quá 41 độ C. Trong số những khu vực nóng nhất có Guna và Sagar thuộc bang Madhya Pradesh khi chứng kiến nhiệt độ lần lượt chạm mốc 41,6 và 42,5 độ C - cao hơn 5 độ C so với mức thông thường.
Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã phát cảnh báo cho cư dân các khu vực này, khuyến cáo họ ở trong nhà vào những lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày, đồng thời hướng dẫn các biện pháp tránh sốc nhiệt và các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao. Theo trang India Today, tình trạng nóng lên toàn cầu đã góp phần đáng kể đẩy cao nhiệt độ ở nhiều vùng của Ấn Độ.
Tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), nhiệt độ hôm 24-3 lập kỷ lục cao nhất trong tháng 3 kể từ năm 1884 tới nay - chạm mốc 31,5 độ C.
Vào giữa tháng 3, Đông Phi cũng hứng chịu một đợt nắng nóng cực đoan, với mức nhiệt tối đa là 45 độ C ở gần biên giới Sudan và Nam Sudan hôm 18-3, theo ghi nhận của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Cư dân thị trấn Pumula East ở Bulawayo - Zimbabwe trở về nhà sau khi lấy nước dùng từ giếng trong đợt nắng nóng và khô hạn đầu tháng 3-2024 Ảnh: REUTERS |
Dưới cái nóng từ 41-45 độ C (cao hơn nhiệt độ cao bình quân 37 độ C của mùa khô nơi đây), chính phủ Nam Sudan phải kích hoạt các biện pháp an toàn khẩn cấp, bao gồm đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần.
Nhiều cư dân ở thủ đô Juba không có cả quạt để giải nhiệt vì lưới điện quá tải do nhu cầu tăng vọt. Theo truyền thông địa phương, đã có người chết ở Sudan trong đợt nóng vừa qua.
Đợt nắng nóng ở Đông Phi xảy ra ngay sau khi mức nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận trên khắp châu lục trong tháng 2. Miền Nam châu Phi, bao gồm Botswana, Namibia, Mozambique, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe, đều có nhiệt độ cao hơn mức trung bình tháng 2 khoảng 4-5 độ C.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ cao kỷ lục ở Tây Phi là trên 40 độ C, tập trung vào 5 ngày giữa tháng 2.
Trong một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Science Advances hôm 29-3, các nhà khoa học tại Trường ĐH Bang Utah (Mỹ) cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng di chuyển chậm hơn, qua đó kéo dài thời gian nhiệt độ cực đoan gây hại cho con người.
Trong khi các nghiên cứu trước đây phát hiện dưới tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn và kéo dài hơn thì nghiên cứu mới chỉ ra một khía cạnh khác: Xem nắng nóng như một hình thái thời tiết di chuyển dọc theo các luồng khí, giống như di chuyển của bão.
Theo dõi dữ liệu từ năm 1979-2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy những đợt nắng nóng "đi" chậm lại bình quân 8 km/giờ mỗi ngày. Trong 5 năm từ 2015-2020, thời gian của các đợt nắng nóng tăng từ bình quân 8 ngày lên 12 ngày.
"Những kết quả này cho thấy các đợt nóng sẽ gây tác hại khủng khiếp hơn cho những hệ thống tự nhiên và xã hội" - các tác giả nghiên cứu viết, đồng thời cho biết những khu vực kém phát triển hơn - như các thành phố thiếu mảng xanh hay trung tâm làm mát… - sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.
Tác giả: HẢI NGỌC
Nguồn tin: Báo Người Lao Động