Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thăm bộ lạc từng săn đầu người trên đảo lớn nhất châu Á

Tín ngưỡng văn hoá của Murut, bộ lạc cuối cùng ở Malaysia ngừng tục săn đầu người, được tái hiện tại làng du lịch ở bang Sabah nằm trên đảo Borneo.

 Murut là một trong khoảng 29 bộ lạc trên Borneo, đảo rộng thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á. Người Murut sống tập trung nhiều ở bang Sabah ở phía đông Malaysia và một phần ở hai nước Brunei, Indonesia. Với dân số hơn 90.000 người, Murut là nhóm bản địa lớn thứ ba trên đảo, theo trang web du lịch ở bang Sabah.

Như nhiều bộ lạc khác ở Borneo, người Murut xưa kia có tục săn đầu của kẻ thù, được xem là cách để khẳng định sức mạnh của những chiến binh thiện chiến. Chiến lợi phẩm được giữ lại để răn đe những kẻ khác có ý đồ xâm lược. Murut là bộ lạc cuối cùng ở Malaysia tuyên bố ngưng tập tục này.

Du khách có thể tìm hiểu về tục săn đầu người cũng như văn hoá truyền thống của người Murut khi thăm làng văn hoá Mari Mari ở bang Sabah. Tại đây, cư dân Murut bản địa dựng lại nhà, tái hiện phong tục, mặc đồ truyền thống đón tiếp khách tham quan.

 Một mô hình đầu người trong ngôi nhà của người Murut.

Đầu của kẻ thù được thường treo trên cửa hoặc nơi nổi bật nhất trong ngôi nhà theo quan điểm của gia chủ. Ngoài ra, nhiều đầu thú cũng được treo trang trí trên tường và cửa nhà.

 Người Murut sống trong những ngôi nhà dài chung, thường dựng gần sông do họ chủ yếu di chuyển bằng đường thuỷ. Nơi sống của bộ lạc được xây theo kiểu nhà sàn, làm bằng thân cây, lợp lá. Trong ảnh là ngôi nhà của người Murut ở làng Mari Mari được tái hiện trong cánh rừng.

Nhà dài là loại nhà ở điển hình trong xã hội nguyên thủy, có ở nhiều nơi trên thế giới, thường chỉ có một phòng duy nhất, dài và hẹp làm bằng gỗ. Chiều dài nhà có thể đến hàng trăm mét, là nơi ở của đại gia đình. Ngày nay, nhà có xu hướng thu hẹp và nhỏ lại, dài khoảng 30 - 40 m.

 Toàn bộ tòa nhà được dựng lên trên những cây cột cách mặt đất khoảng một mét. Khách đi lên nhà bằng cầu thang gỗ làm từ một thân cây.

 Trước khi vào nhà khách tham quan sẽ phải trả lời các câu hỏi như đến từ đâu, đi cùng ai hay người đi cùng là ai. Theo tập tục xưa, nếu người lạ không trả lời đúng các câu hỏi thì có thể bị chặt đầu.

Xưa kia bộ lạc Murut sống trong rừng sâu với việc săn bắt, hái lượm. Hiện họ chủ yếu trồng lúa, khoai mì hay di chuyển lên thành thị làm nhiều công việc khác. Đa phần dân số đã chuyển sang Cơ đốc giáo và Hồi giáo nhưng vẫn duy trì văn hóa của mình

 Ngôi nhà dài của người Murit ở làng Mari Mari dài khoảng 30 m, diện tích hơn 130 m2. Bên trong là một căn nhà rộng thông suốt, thoáng mát, cao trung bình 3 - 4 m, sàn làm bằng tre.

 Khách tham quan nhà sẽ được bộ lạc Murut đón tiếp bằng điệu nhảy Lasaran. Theo tín ngưỡng, điệu nhảy được tổ chức sau mỗi cuộc đi săn đầu người. Ngày nay, những cuộc săn đầu người không còn nữa nhưng trò chơi này vẫn diễn ra trong những cuộc hội ngộ gia đình, đám cưới, lễ hội của bộ lạc.

Nơi nhảy là chiếc sạp được đan bằng tre có độ đàn hồi cao, đặt giữa nhà. Mọi người tụ thành vòng tròn, cùng nhau nhảy thật cao trong tiếng hò reo cổ vũ của du khách.

 Quần áo, dụng cụ lao động truyền thống của người Murut được treo trên vách nhà.

Trang phục truyền thống dành cho nam là áo khoác bằng vỏ cây, khố màu đỏ và một chiếc mũ đội đầu được trang trí bằng lông gà. Phụ nữ mặc áo cánh không tay màu đen và xà rông dài đến đầu gối.

 Sau khi nhảy, khách được trải nghiệm thử thuốc hút truyền thống của người Murut.

 Anh Aki, 38 tuổi, vẽ hình xăm cho khách tham quan nhà của bộ tộc mình. Theo Aki, tục xăm mình cũng là nét văn hoá lâu đời của bộ lạc. Hình xăm cho du khách thường mang tính tượng trưng, sẽ phai sau vài ngày.

Aki coi làm du lịch ở làng Mari Mari là công việc chính của mình từ năm 2007. "Trừ tục săn đầu người đã bỏ từ lâu, chúng tôi vẫn giữa được truyền thống. Tôi rất vui khi quảng bá văn hoá của bộ lạc cho mọi người", anh cho biết.

 Bên ngoài sân nhà, khách có thể trải nghiệm cách đi săn bằng ống thổi phi tiêu. Đây là một loại vũ khí tầm ngắn có ống dài, hẹp để bắn phi tiêu.

 Làng văn hóa Mari Mari nằm trong rừng, dưới tán cây là các ngôi nhà tái hiện văn hóa và lối sống của người Murut và 4 bộ tộc ở bang Sabah. Làng cách thành phố Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, khoảng 20 km.

Giá vé vào tham quan là 100 ringit (khoảng 500.000 đồng) cho người lớn, trẻ dưới 4 tuổi miễn phí. Giá bao gồm hướng dẫn viên bằng tiếng Anh, thăm từng nhà bộ lạc, biểu diễn văn hóa và bữa ăn.

Du khách từ Việt Nam đến làng Mari Mari có hai cách: bay đến Kuala Lumpur sau đó bay tiếp đến Kota Kinabalu rồi di chuyển đến làng hoặc bay thẳng đến Kota Kinabalu qua Malaysia Airlines, đều có các chuyến bay hàng ngày đến đây.

Tác giả: Quỳnh Trần

Nguồn tin: vnexpress.net